Bangladesh - đất nước của 'cô dâu trẻ con'

18/03/2016 - 07:00
Gần như không một nước nào trên thế giới có nhiều “cô dâu trẻ con” như ở Bangladesh - theo số liệu Unicef gần một phần ba em gái ở nước này lấy chồng khi chưa đến 15 tuổi!

Nasoin Akhter trông như một công chúa trong truyện cổ tích. Cô gái được phủ trong một chiếc Sari đại lễ đầy những hình thêu cầu kỳ. Quấn quanh mái tóc cô là những dây chuyền vàng nặng trĩu. Mắt và môi cô gái cũng được trang điểm rất đậm. Chỉ nét mặt cô gái là không hợp tí nào. Từ khuôn mặt mới 15 tuổi đầu ấy lả một ánh mắt buồn đến não lòng. Hôm nay là ngày cô gái cưới một người đàn ông 32 tuổi. Sau khi làm các thủ tục theo nghi thức truyền thống tại nhà mình, bố mẹ cô đưa cô đến “bàn giao” cho gia đình chú rể. Cái đích cuộc đời của Nasoin đến rất sớm, khi cô mới 15 tuổi: đó là hôn nhân.

Số phận của Nasoin cũng là số phận chung của rất nhiều cô gái ở Bangladesh. Theo số liệu của cơ quan chức năng, khoảng 65% phụ nữ ở nước này lập gia đình khi chưa đến 18 tuổi – độ tuổi tối thiểu để lấy chồng theo quy định của pháp luật. Còn theo số liệu năm 2015 của Unicef, có đến 29% phụ nữ Bangladesh cưới chồng khi chưa sinh nhật lần thứ 15 (hiện không một nước nào trên thế giới có tỷ lệ hôn nhân dưới 15 tuổi cao như vậy). Bên cạnh các nước Nam Á khác như Ấn Độ, Pakistan và Nepal vấn đề hôn nhân trẻ em cũng được coi là “chuyện thường ngày” ở châu Phi.

 Một đám cưới trẻ con ở Bangladesh.

Lấy chồng quá sớm đối với các cô gái không chỉ là sự kết thúc đột ngột tuổi thơ của các em. Kết quả các cuộc điều tra còn cho thấy, vì không được chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân, nên cuộc đời các cô dâu trẻ con thường bất hạnh hơn những phụ nữ bước vào hôn nhân khi đã trưởng thành. Sau khi lấy chồng, các cô bé phải bỏ học và có mang sớm cũng chứa đựng những nguy cơ khôn lường. Vì khi mang thai và sinh con, bản thân những cô gái đó cũng chưa trưởng thành đầy đủ về thể chất.

Hàng năm, trên thế giới có đến 70.000 phụ nữ ở các nước đang phát triển đã chết khi sinh con. Đặc biệt đối với các thai phụ từ 15 đến 19 tuổi sinh con, nguy cơ biến chứng và dẫn đến tử vong cao gấp nhiều lần so với thai phụ nhóm tuổi trưởng thành. Bên cạnh đó, vì quá chênh lệch tuổi tác với người chồng, nên các cô gái đặc biệt hay bị bạo hành trong gia đình, bị lạm dụng tình dục, dễ nhiễm HIV và dễ bị trầm cảm...

Những cô gái phải đi lấy chồng khi còn đang trong độ tuổi ăn, tuổi chơi không chỉ phải từ bỏ tuổi thơ của mình. Sau khi về nhà chồng họ thường bị cách ly khỏi xã hội, gia đình, bạn bè và hầu như không còn cơ hội học hành hoặc nghề nghiệp nữa. Tuyệt đại đa số các cô vợ trẻ con sẽ vĩnh viễn chỉ làm công việc nội trợ mà thôi.

Tại Malawi, có gần hai phần ba phụ nữ không đi học lấy chồng sớm, trong khi đó chỉ 5% phụ nữ học hết trung học trở lên lấy chồng sớm. Tại Nepal, hơn một phần ba phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi lấy chồng khi chưa đến 15 tuổi có từ 3 con trở lên, trong khi tỷ lệ đó chỉ là 1% đối với phụ nữ lấy chồng khi đã trưởng thành.

Theo phong tục ở Bangladesh, con gái khi đi lấy chồng tuổi càng cao bố mẹ càng phải trả nhiều của hồi môn hơn cho nhà trai. Chính vì thế nhiều gia đình nhà gái suy tính “giờ con bé xinh đẹp và còn trẻ, ta có thể cho nó đi mà không mất đồng nào!”.

Tuy nhiên, làm thế nào để các cô gái có thể bỏ ghế nhà trường đi lấy chồng ngay được? Một ông bố bật mí là khi đến phòng hộ tịch, lúc đầu người ta nói là con gái ông mới 14 tuổi không thể kết hôn được. Tay viên chức hộ tịch chỉ đồng ý sửa ngày sinh cô gái, sau khi ông bố đút lót một khoản tiền chỉ tương đương với 30.000 đồng Việt Nam!

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đám cưới trẻ con ở Bangladesh là nạn lụt lội, dông bão thường xuyên xảy ra ở đây. Chính vì thế nhiều người rơi vào cảnh bần cùng và không thể nuôi nấng con cái nữa. Đẩy một đứa con gái đi lấy chồng, có nghĩa là bớt một miệng ăn trong gia đình – đối với nhiều gia đình ở Bangladesh, điều này là một giải pháp hợp lý.

Mùa hè năm ngoái, bà Thủ tướng Bangladesh đã hứa hẹn là đến năm 2041 sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng đám cưới trẻ con ở đất nước này. Tuy nhiên ngay sau đó, chính bà Thủ tướng đã đưa ra đề nghị... giảm tuổi kết hôn tối thiểu xuống 16 tuổi!!!

 

 Nhiều em gái ở Bangladesh phải sớm từ bỏ ghế nhà trường len xe hoa.

Tỷ lệ phụ nữ lấy chồng từ khi chưa đầy 18 tuổi:

Nam Á: 42%, trong đó Ấn Độ: 33%

Đông Á và Thái Bình Dương: 25%

Châu Mỹ Latinh và Caribe: 9%

Tây và Trung Phi: 7%

Đông và Nam Phi: 6%

Trung Đông và Bắc Phi: 5%

Trung và Đông Âu:  4%

Các quốc gia công nghiệp: 2%

 (Nguồn: Unicef  2014)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm