Bên trong công xưởng “vàng đen” ở Trung Quốc
Bên trong công xưởng “vàng đen” - Ảnh 1.

Nguồn lợi nhuận khổng lồ

Cứ mỗi sáng, khi mặt trời ló lên sau đỉnh núi, người ta lại thấy những người dân của huyện Thái Hòa, thuộc tỉnh An Huy (Trung Quốc) chất từng bao tải căng phồng trên chiếc xe đạp, xe máy thô sơ đi về hướng các khu công nghiệp của huyện. Trong chiếc bao tải là những mớ tóc được người dân thu mua từ mọi miền đất nước để cung cấp cho các nhà máy sản xuất tóc giả địa phương. 


Bên trong công xưởng “vàng đen” - Ảnh 2.

Những công nhân trong một nhà máy ở Thái Hòa

Thái Hòa có hơn 400 xưởng gia công tóc, chuyên tạo các kiểu tóc giả cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, châu Phi, góp phần giúp Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất về mặt hàng tóc giả. 

Đây cũng là một trong những cụm công nghiệp chuyên biệt một sản phẩm nổi lên trong những thập niên gần đây. 

Ông Fu Quanguo (64 tuổi) là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh này từ những năm 1970. Theo ông, ban đầu tóc chỉ được thu mua từ những người dân địa phương, nhưng giờ thì các nước khác như Myanmar, Ấn Độ đã đưa tóc sang đây bán. 

"Hồi trước làm những sản phẩm từ tóc khá vất vả, chủ yếu là làm bằng tay. Còn bây giờ chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất và vươn tầm ra thế giới", ông Fu cho biết.

Bên trong công xưởng “vàng đen” - Ảnh 3.

Một công nhân đang xử lý khâu làm mượt tóc

Người thừa kế của ông Fu là anh Fu Qianwei (36 tuổi), có một nhà máy tên là Anna với hơn 200 nhân viên làm việc toàn thời gian, chuyên xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ với doanh thu 8 triệu USD/năm. 

Anh cho biết mỗi quốc gia có những yêu cầu khác nhau về độ dài, độ dày và chất lượng tóc. Vì giá tóc cao nên nhiều người gọi nó là "vàng đen". 

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất, chế biến lớn nhất và họ đang vượt ra khỏi thị trường người Mỹ gốc Phi lâu nay để hướng đến thị trường người da trắng. 

Châu Phi hiện cũng là một thị trường mới cho các sản phẩm về tóc vì nền kinh tế ở đó đang phát triển khiến thị trường rộng mở và hướng tới những sản phẩm có chất lượng cao hơn.

Mỗi kg tóc thu mua giá 18 triệu đồng

Không chỉ ở Thái Hòa, hơn một nửa trong số 900 hộ gia đình tại Xuchang, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, cũng tham gia ngành làm tóc giả. 

Nhà sản xuất tóc lớn nhất ở đây là Henan Rebecca với 10.000 công nhân, trong khi những nhà máy khác trung bình có khoảng 1.000 đến 5.000 công nhân. Henan Rebecca xuất khẩu 120 triệu USD tóc giả/năm.

Ở đây, nhiều bao tải đựng tóc thu gom được mang về xưởng để xử lý. Một cân tóc rối có thể được bán với giá tương đương hơn 18 triệu đồng. Tại nhà máy, mỗi mái tóc được thu mua sẽ được khử trùng trong hai chiếc thùng lớn. Sau đó, tóc sẽ được nhúng vào nước nóng và dùng bàn chải để gỡ tơi các sợi tóc ra. Tiếp theo, tóc được nhuộm màu trước khi được làm khô trong lò. Công đoạn cuối cùng là chải mượt tóc và may mớ tóc thành những cụm tóc gọn ghẽ. "Tôi khâu các bộ phận lại với nhau, mỗi ngày tôi có thể làm tới 1.500 sản phẩm", nữ công nhân Zhang Qing (23 tuổi) nói. Còn Zhang Hongmei, một công nhân khác, chuyên chải thẳng tóc. Cũng giống nhiều công nhân, cô từng là nông dân trước khi chuyển sang làm việc trong nhà máy vì công việc này nhàn hơn và kiếm được nhiều tiền hơn làm ruộng.

Nhu cầu tiêu thụ tóc giả đang vượt xa nguồn cung bởi xu hướng thời trang hiện đại khiến việc sản xuất và tìm nguồn cung ngày càng khó khăn. Ông Zu Lei, Giám đốc văn phòng mua vật liệu tóc giả của Rebeca, cho biết, công ty này đang mở rộng 11 chi nhánh quốc tế. Công ty mở rộng dây chuyền sản xuất sang các nước có chi phí lao động thấp như Nigeria, Ghana và Campuchia.