Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Người dân sẽ được trải nghiệm thực phẩm nông sản sạch từ EVFTA

12/12/2018 - 16:46
Trả lời phunuvietnam.vn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, khi Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) được thực thi, người tiêu dùng trong nước sẽ có nhiều cơ hội trải nghiệm thực phẩm nông sản sạch và đồ uống châu Âu với chất lượng vượt trội, an toàn thực phẩm; đồng thời tạo ra nhiều cơ hội và thách thức với nông nghiệp trong nước.

 

Việt Nam được nhận định là thị trường có sức tiêu thụ lớn với các mặt hàng tiêu dùng  như: thực phẩm và đồ uống đa dạng, rau quả tươi, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, sữa, các sản phẩm từ sữa, các loại rượu vang và rượu mạnh. Trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm chất lượng, an toàn theo tiêu chuẩn thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài coi đây là cơ hội đầu tư, kinh doanh đầy tiềm năng trong việc sản xuất, phân phối các loại thực phẩm chất lượng cao tại Việt Nam.  

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực và đi vào thực thi, Việt Nam sẽ gỡ  bỏ hầu hết các loại thuế cho hàng hóa của EU vào Việt Nam, trong đó có thực phẩm, đồ uống và phi thực phẩm. Khi đó các sản phẩm thực phẩm nông sản sạch của EU có cơ hội vào thị trường Việt Nam rất dễ dàng và ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội trải nghiệm thực phẩm và đồ uống châu Âu với chất lượng vượt trội, an toàn thực phẩm. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nhanh chóng đầu tư chiếm lĩnh thị trường, thì các sản phẩm nhập khẩu sẽ chiếm lĩnh nhiều cơ hội ngay trên thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thứ 2 bên phải), thăm mô hình sản xuất chè ở Thái Nguyên

 

Các sản phẩm thực phẩm và nông sản sạch của EU có nguồn gốc xuất xứ rất rõ ràng. Trước khi người tiêu dùng sử dụng loại thực phẩm nào đó của EU, tất cả các thông tin cụ thể về sản phẩm (quy trình, thành phần, địa điểm và phương thức sản xuất, tiêu chuẩn an toàn) đều được minh bạch thông tin. Việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm giúp người tiêu dùng biết thực phẩm có an toàn hay không hiện còn được áp dụng rất ít trong ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Đặc biệt, khi trên thị trường còn nhiều thực phẩm trong nước không rõ nguồn gốc, có thể ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của người dân, thì thực phẩm có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ sẽ tới được với người tiêu dùng nhanh nhất.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng hóa chất lượng cao có cơ hội tiêu thụ ở thị trường trong nước ngày càng dễ dàng, với giá cả cạnh tranh, cũng là bài toán để các nhà cung ứng nội địa tự thay đổi nếu muốn tồn tại.

EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường cơ hội tiếp cận vốn và khoa học công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như nhiều cơ hội khác. Tuy nhiên, để đạt được những điều này, vẫn còn rất nhiều thách thức rủi ro mà các doanh nghiệp Việt phải vượt qua.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, doanh nghiệp Việt có khả năng tiếp cận với các thị trường tương đối rộng mở của các nước thành viên Liên minh Châu Âu khi hầu hết các ngành hàng (đến 99,2% số dòng thuế) được đưa về mức thuế suất 0%. Đặt trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh của chúng ta tại thị trường Châu Âu chưa có Hiệp định thương mại riêng với EU thì EVFTA được xem là sẽ tạo ra những lợi ích kép cho doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể:

Những mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu thô thì thuế không thay đổi nhiều (hiện đang ở mức thấp 0-5%), nhưng những mặt hàng đã qua chế biến và chế biến sâu thì thuế sẽ chênh lệch nhiều sau khi EVFTA có hiệu lực (giảm từ mức trên dưới 10% hiện nay xuống 0%). Vì vậy những doanh nghiệp nào càng đầu tư chế biến sẽ càng có giá trị gia tăng cao và càng thu được nhiều lợi nhuận từ việc cắt giảm thuế.

Để tận dụng được những cơ hội của Hiệp định thương mại này, không chỉ doanh nghiệp mà bản thân cả các cơ quan hoạch định chính sách, hiệp hội ngành hàng, chính quyền địa phương và bà con nông dân chuẩn bị cần nâng cao nhận thức để đáp ứng được theo những tiêu chuẩn mới của EVFTA, sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặt biệt thị trường cao cấp.

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước EU

 

Đối với xuất nhập khẩu hàng nông thủy sản, Liên minh Châu Âu là đối tác hàng đầu trên thế giới, nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia trên thế giới. Những năm qua, thương mại nông sản giữa Việt Nam-EU liên tục tăng trưởng (năm 2017 kim ngạch thương mại nông sản hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt gần 5,8 tỷ USD, và trong 10 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 4,9 tỷ USD). Đáng chú ý, Việt Nam liên tục xuất siêu lớn với EU, trong đó có mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh Châu Âu bao gồm: chè, cà phê, thủy sản. Về đầu tư, Liên minh Châu Âu đứng hàng thứ 5 trong tổng các đối tác đầu tư vào Việt Nam (tổng số 1.809 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước). Khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết (dự kiến khoảng giữa năm 2019) và đi vào thực thi sẽ có nhiều doanh nghiệp của EU đầu tư vào Việt Nam.

Hàng nông thủy sản Việt Nam chỉ tận dụng được lợi thế từ hiệp định EVFTA khi hiểu rõ Quy định về đảm bảo an toàn thực vật và kiểm dịch động thực vật (SPS). Việt Nam nên có sự minh bạch hoàn  toàn trong các quy trình và yêu cầu nhập khẩu, tìm ra các giải pháp cho các vấn đề cần giải quyết, đơn giản hóa thể chế để xác định mức độ bảo hộ phù hợp.

Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến vào cuối năm 2018), sau đó trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn (dự kiến vào đầu năm 2019).

Ngay sau cuộc họp, Ủy ban châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy, đưa EVFTA vào thực thi trong thời gian sớm nhất. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm