Theo Bộ Y tế, các trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống và tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêm vắc xin phòng bệnh sởi chưa được thực hiện đầy đủ cùng với chu kỳ bùng phát bệnh sởi thường xảy ra sau 4 đến 5 năm.
Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sởi lan rộng, bùng phát mạnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành thống kê và triển khai tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường; đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tiêm chủng gồm tiêm chủng thường xuyên.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sỏ y tế các tỉnh tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn; tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng; triển khai có hiệu quả tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi, đặc biệt thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch sởi.
Ngoài ra, các cơ sở y tế cần thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, chú ý các đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa các trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi.
Bộ cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục&Đào tạo chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh. Trẻ mắc bệnh cần được nghỉ học, không để dịch bệnh lây lan.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan báo chí tại địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về đường lây truyền, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh sởi, lợi ích của tiêm vaccine sởi; đảo đảm việc cấp đủ phương tiện, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất phục vụ công tác điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.