Bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành Xuất bản, In và Phát hành

P.V
28/09/2022 - 09:36
Bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành Xuất bản, In và Phát hành

Sách là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ cho trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Phát huy truyền thống 70 năm, ngành Xuất bản, In và Phát hành đang có bước chuyển mình mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững.

Trong dòng chảy lịch sử, nghề làm sách mà sau này phát triển thành ngành Xuất bản đã xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm, từ triều Lý, cùng với sự ra đời của làm giấy và khắc ván in gỗ.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bước vào thời kỳ hiện đại, song hành cùng bước phát triển của các mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Phát huy truyền thống 70 năm (10/10/1952-10/10/2022), ngành Xuất bản, In và Phát hành đang có bước chuyển mình mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững.

"Vũ khí tinh thần" trong kháng chiến

Trong giai đoạn năm 1952 - 1975, xuất bản trở thành một sức mạnh, một vũ khí tinh thần sắc bén góp phần trực tiếp cho thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, hy sinh và gian khổ, xuất bản tiếp tục phát triển cả về số lượng (các nhà xuất bản, tổng số xuất bản phẩm…) và về chất lượng, giá trị sách. Sách có mặt ở mọi nơi, từ các thư viện tỉnh, huyện, các ki-ốt, bưu điện, nhà văn hóa, hợp tác xã và trong ba lô ra chiến trường của bộ đội, thanh niên xung phong và xuất hiện trên mọi mặt trận chiến đấu, sản xuất, xây dựng...

Phong trào "Đọc và làm theo sách", "Đọc sách có hướng dẫn", "Đọc sách người tốt, việc tốt"... lan tỏa rộng lớn trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thành nên những giá trị tri thức, văn hóa mới của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành Xuất bản, In và Phát hành - Ảnh 1.

Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại ra đời trong những năm gần đây

Đồng hành cùng đất nước đổi mới

Ngay sau ngày giải phóng (30/4/1975), miền Bắc đã chuyển hàng trăm triệu bản sách vào miền Nam phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng tư tưởng, tình cảm mới - xã hội chủ nghĩa.

Trong bối cảnh đất nước có một số biến động như khủng hoảng kinh tế - xã hội, chiến tranh ở biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tác động sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội…, với tư cách là vũ khí tư tưởng - văn hóa sắc bén, xuất bản đã nỗ lực vượt khó khăn, giữ vai trò tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, ổn định chính trị - tư tưởng. Từ 21 NXB trước 1975, đến năm 1985 đã lên đến 40 NXB, xuất bản được nhiều cuốn sách có giá trị, phục vụ kịp thời công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục…

Tuy nhiên, trong giai đoạn 1986 - 1991, các NXB chuyển từ cơ chế bao cấp toàn bộ sang cơ chế hạch toán kinh doanh, xóa bỏ bao cấp, phải tự lo nhiều mặt, hầu hết các nhà xuất bản đều thiếu vốn, lúng túng, trong khi đó, công tác chỉ đạo, quản lý không theo kịp tình hình mới, có lúc buông lỏng, thả nổi. Nhiều NXB ra đời, chỉ hoạt động vài năm phải giải thể, đặc biệt là các nhà xuất bản địa phương. Khuynh hướng "thương mại hóa" xuất hiện.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác báo chí, xuất bản, ngày 31/3/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản với những chỉ đạo mới, kiên quyết tổ chức, lập lại kỷ cương, trật tự trong hoạt động xuất bản, tạo điều kiện cho bước phát triển mới trong những năm sau.

Tiếp đó, một loạt văn bản chỉ đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước được ban hành đã kịp thời định hướng, quản lý, hướng dẫn hoạt động xuất bản, đặc biệt là Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Sau khi Chỉ thị 42-CT/TW được ban hành, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống tổ chức các NXB được giữ vững, ổn định; năng lực, trình độ của một số NXB được tăng cường; lực lượng lao động có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng; lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm phát triển nhanh về quy mô và số lượng, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhân dân.

Đến nay, nhiều NXB đã và đang có những bước đi thích hợp, tạo sự đổi mới căn bản hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất, hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số.

Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 năm gần đây. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại ra đời, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng.

Doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử tiếp tục gia tăng về số lượng nhờ sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ, qua đó tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.

Sắp diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam

Để nhìn lại hành trình 70 năm vẻ vang của ngành Xuất bản, In và Phát hành, trong tháng 9 và 10/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức những sự kiện trọng điểm. Đó là Hội thảo khoa học Xuất bản Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển; Triển lãm chuyên đề Xuất bản Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển; Lễ trao giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V năm 2022; Hội Sách Hà Nội lần thứ VII năm 2022 với Chủ đề Truyền thống và Hội nhập; Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam và tôn vinh người làm xuất bản tiêu biểu; Phát hành bộ sách "Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển" (3 cuốn)…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm