Bước qua thất bại và tìm lại chỗ đứng trên thị trường

Bước qua thất bại và tìm lại chỗ đứng trên hành trình khởi nghiệp

Từng là một trong những thành viên của dự án khởi nghiệp được Hội LHPN Việt Nam vinh danh ở hạng mục dự án tiềm năng nhất năm 2020, vượt qua những thất bại và tiếp tục tái khởi nghiệp ở một dự án mới, chị Nguyễn Thị Sơn Hải (tỉnh Phú Yên) chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về hành trình khởi nghiệp của mình.

PV Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Sơn Hải (hiện là người sáng lập và điều hành thương hiệu Tôm sấy dẻo SunSeaFoods) về hành trình khởi nghiệp của chị.

+ Điểm lại hành trình khởi nghiệp của chị từ năm 2017 đến nay, có những dấu mốc nào đáng nhớ?

Chị Nguyễn Thị Sơn Hải: Đến thời điểm này, hành trình khởi nghiệp của tôi đã vượt mốc 5 năm, nó không quá dài nhưng lại nằm trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra nên với tôi, đó là hành trình dài đầy cảm xúc.

Bước qua thất bại và tìm lại chỗ đứng trên hành trình khởi nghiệp - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Sơn Hải - người sáng lập và điều hành thương hiệu Tôm sấy dẻo SunSeaFoods

Năm 2020, tôi cùng những người bạn trong nhóm Vinacrab tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với dự án "Sản xuất cua lột theo mô hình liên kết chuỗi bền vững" và được Hội LHPN Việt Nam vinh danh ở hạng mục dự án tiềm năng nhất. Đó là lúc chúng tôi vui mừng đầy tin tưởng vì ngoài việc thực chiến sản xuất sản phẩm thì chúng tôi đã được các chuyên gia đánh giá về tầm nhìn, sứ mệnh và tạo tác động xã hội.

Với bao sự hân hoan và hỗ trợ đúng lúc từ cuộc thi này, đó là máy móc thiết bị và gói tư vấn của các chuyên gia đầu ngành của Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi mạnh dạn triển khai nhanh việc sản xuất và định hình thương hiệu sản phẩm... Thế nhưng, thật nghiệt ngã khi thị trường sản phẩm đang nhu cầu nhiều hơn cung và khi tinh thần "chiến đấu" đang lên cao thì chúng tôi gặp biến cố, đó là đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp thành lập vào giữa tháng 10/2018. Cả năm 2019, chúng tôi đã dành nhiều tâm huyết để hoàn thiện quy trình vận hành dự án. Năm 2020, chúng tôi vừa mới chập chững bước đi ban đầu thì đại dịch ập đến. Mọi nỗ lực của chúng tôi đều đổ xuống sông xuống biển. Doanh nghiệp lúc này chưa đủ nội lực để ứng phó nên dự án đi vào ngõ cụt, đặc biệt là thiếu nguồn nguyên liệu. Cụ thể, do thực hiện việc cách ly để tránh bị lây lan covid đã làm ảnh hưởng đến việc hướng dẫn trực tiếp kỹ thuật nuôi cua nguyên liệu theo tiêu chuẩn của Vinacrab. Chính vì thế, tháng 7/2021, Vinacrab dời xưởng sản xuất vào Trà Vinh (cũng là thủ phủ nuôi cua xanh có tiếng) với hy vọng khắc phục nguyên nhân thiếu nguyên liệu đầu vào. Những tưởng chỉ bấy nhiêu khó khăn đó, nhưng cảnh "1 chốn 2 quê" cũng làm tinh thần của Vinacrab nhụt chí. Tôi thì có mẹ già, con nhỏ nên đành ở lại Phú Yên không trực tiếp theo xuyên suốt dự án cua lột này. Hành trình khởi nghiệp với cua lột của tôi đã tạm dừng tại đó.

+ Chị đã bắt đầu hành trình khởi nghiệp mới như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Sơn Hải: Trong quá trình tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, ngoài việc được học hỏi về kiến thức thì tôi may mắn được kết nối với rất nhiều người có tư duy khởi nghiệp tốt trong Hệ sinh thái Nông nghiệp Việt Nam. Theo dõi hành trình của rất nhiều bạn khởi nghiệp từ sản phẩm địa phương, tôi bắt đầu nung nấu ý định khởi nghiệp lại và sản phẩm là dựa trên nguồn nguyên liệu địa phương.

Sau thời gian tìm hiểu sự khác biệt của nguồn nguyên liệu tại chỗ, những sản phẩm địa phương thuần túy, những đặc trưng nguyên liệu cũng như năng lực sản xuất, tôi đã bắt tay vào việc tạo ra sản phẩm. Hành trình khởi nghiệp mới bắt đầu vào tháng 7/2023. Các sản phẩm hiện tại Cơ sở chúng tôi sản xuất đó là: Tôm Sấy dẻo Thảo dược; Chà Bông Tôm; Muối Tôm Sông Ba; Gà vườn kho mắm thơm ăn liền; Combo muối rau (muối lá é, muối rau răm, muối xả, muối tiêu lá chanh...).

Bước qua thất bại và tìm lại chỗ đứng trên hành trình khởi nghiệp - Ảnh 2.

Hành trình khởi nghiệp mới của tôi có những thuận lợi, từ việc được tạo điều kiện của các cấp chính quyền trong quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm như chứng nhận OCOP hay kết nối quảng bá sản phẩm tại các hội chợ cũng như nguồn tại nguyên tại chỗ nhưng cũng có những khó khăn riêng như sản phẩm đồng loại chưa có sự khác biệt nhiều, sản phẩm thuần túy địa phương thì cần thời gian để làm quen với thị trường... 

Nhưng với mong muốn đưa sản phẩm địa phương vươn xa, bản thân tôi đã dần có được những ghi nhận cụ thể trong hành trình khởi nghiệp này.

Bước qua thất bại và tìm lại chỗ đứng trên hành trình khởi nghiệp - Ảnh 3.

Các sản phẩm được chứng nhận OCOP

+ Một vài kinh nghiệm, bài học chị rút ra từ hành trình khởi nghiệp và Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp?

Chị Nguyễn Thị Sơn Hải: Sau mỗi biến cố, ai cũng có những bài học rút ra và những kinh nghiệm đúc kết, tôi cũng vậy. Khởi sự với một dự án tiềm năng nhưng vẫn bị thất bại, nguyên nhân khách quan trong trường hợp này là chủ yếu nhưng không thể không nói đến nguyên nhân chủ quan. Trong sơ đồ hoạt động chúng tôi vẫn có đầy đủ các bộ phận chuyên môn: Quản lý có, kỹ sư có, tài chính có, kỹ thuật có... nhưng chúng tôi vẫn chưa thật sự gắn kết để cùng thích nghi và ứng phó với những biến cố. 

Trong hành trình khởi nghiệp, tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội LHPN các cấp. Đó là sự đồng hành, khơi nguồn cảm hứng, sự động viên khích lệ tinh thần khởi nghiệp thông qua các lớp tập huấn về kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, về nền tảng bán hàng trên trang thương mại điện tử, về công nghệ AI bổ trợ lập dự án, viết bài đăng trên các trang cộng đồng mạng...

Nguyễn Thị Sơn Hải, sáng lập và điều hành thương hiệu Tôm sấy dẻo SunSeaFoods

Qua các gói đào tạo, tập huấn của chương trình hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp, tôi nhận ra cái khó là chúng tôi là còn thiếu nhiều kỹ năng trong việc vận hành một doanh nghiệp. Giờ đây khi bắt tay vào hành trình khởi nghiệp mới, tôi đã có kiến thức khởi nghiệp từ cơ bản đến nâng cao hơn qua các lần đào tạo của Hội LHPN địa phương. Từ đó, tôi đã thích ứng hơn trong quá trình khởi sự mới.

+ Là một người đi trước, chị có lời khuyên gì dành cho những thế hệ khởi nghiệp sau, đặc biệt là chị em phụ nữ?

Chị Nguyễn Thị Sơn Hải: Đến giờ này, tôi thấy mình thật may mắn. Bởi lẽ tôi vừa bước chân ra khỏi vùng an toàn là nghỉ việc ở ngân hàng thì được tiếp cận với các đề án hỗ trợ khởi nghiệp.

Là người đi trước và có những trải nghiệm sâu sắc trong thất bại và tìm lại chỗ đứng, tôi có đôi điều chia sẻ lại với các chị em đi sau là: Hành trình khởi nghiệp chắc chắn sẽ có những thăng trầm; sẽ vất vả hơn khi là phụ nữ. Nhưng các bạn hãy cứ mạnh dạn thử sức nếu có một ý tưởng mới. Hãy bám sát những kiến thức cơ bản của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vì có học vẫn hơn. Hãy theo dõi và tham gia các lớp tập huấn từ cơ bản đến nâng cao của các đơn vị, tổ chức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Chọn cho mình lối sống tử tế, trách nhiệm và kinh doanh liêm chính thì chắc chắn cơ hội phát triển bền vững sẽ đến sớm thôi.

+ Xin cảm ơn chị!

Liên hệ: Chị Nguyễn Thị Sơn Hải - Chủ Cơ sở Sản xuất Tôm Sấy Dẻo SunSeaFoods

Địa chỉ: Nguyên An, Sơn Nguyên, Sơn Hoà, Phú Yên

Facebook: https://www.facebook.com/sunseafoods78

Số điện thoại: 0984190266 - 0972928202


01/04/2025 10:00