Cả đời giữ nghề ươm tơ dệt lụa

CẢ ĐỜI GIỮ NGHỀ ƯƠM TƠ DỆT LỤA 

"Suốt cuộc đời làm nghề trải qua biết bao giai đoạn lịch sử, qua từng thời kì tôi lại rút ra những bài học để gìn giữ truyền thống các cụ để lại. Muốn giữ được nghề thì người làm nghề phải có tâm, có đạo đức, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng. Những cái mới, cái hiện đại không thể có được nếu không biết dựa vào truyền thống", nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ.

Nặng lòng với nghề dệt lụa

Từ trung tâm thủ đô Hà Nội đi về phía Nam khoảng 40km, đến làng Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, hỏi thăm nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận, không ai là không biết. Bà Thuận từ lâu đã được biết đến là người nghiên cứu thành công phương pháp biến những con tằm thành thợ dệt, thay vì chúng chỉ nhả tơ, còn con người phải dệt lụa như trước đây. 

Đây là phương pháp lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới và nhanh chóng được ứng dụng bởi hiệu quả cao, tiết kiệm được sức lao động mà giá thành lại cao hơn rất nhiều. Thời gian gần đây, bà còn nổi tiếng hơn nữa với vai trò là nghệ nhân đầu tiên ở Việt Nam sáng tạo ra loại lụa tơ sen, một loại lụa cao cấp vốn từng được coi là sản phẩm độc quyền của quốc gia Myanmar từ xưa đến nay.

Cả cuộc đời ươm tơ dệt lụa giữ nghề - Ảnh 1.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận là người Việt đầu tiên dệt được lụa tơ sen

Sinh ra và lớn lên tại làng Phùng Xá, ngôi làng vốn nổi tiếng với nghề dệt truyền thống, bà Thuận là thế hệ thứ 3 trong gia đình nối nghiệp nghề dệt lụa. Cả tuổi thơ của bà gắn liền với việc nuôi tằm, ươm tơ. Lên 6 tuổi, bà đã được bố mẹ dạy nghề và thành thạo trong các công đoạn dệt vải. Tính đến nay, bà đã có gần 60 tuổi nghề, đồng thời cùng là một trong số ít những nghệ nhân Phùng Xá còn bám trụ với nghề truyền thống mà cha ông để lại.

Trong công xưởng rộng khoảng 500m2 của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do chính bà thành lập vào năm 2010, người phụ nữ 65 tuổi hàng ngày vẫn miệt mài dệt vải và dạy nghề cho 20 nhân công trên những loại máy móc hết sức thô sơ. Tuy nhiên, chính sự thủ công, tỉ mỉ đó đã khiến những sản phẩm lụa do cơ sở của bà sản xuất được khách hàng ưa chuộng và đã xuất khẩu đi các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Đức, Thái Lan.

Cả cuộc đời ươm tơ dệt lụa giữ nghề - Ảnh 2.

Cả cuộc đời bà gắn liền với ươm tơ dệt lụa

Bà Thuận tự nhận mình là một nghệ nhân nghiêm khắc. Bà sẵn sàng chỉ bảo tận tình cho những người muốn học nghề, nhưng không chấp nhận bất cứ sự hời hợt nào trong sản phẩm, không chỉ với những người làm công mà với cả chính truyền nhân đời thứ 4 là con cháu mình. Bà cho hay, hiện đại chẳng tự nhiên mà có, mọi thứ mới mẻ đơn giản cũng phải bắt đầu từ những thứ đơn sơ.

"Suốt cuộc đời làm nghề trải qua biết bao giai đoạn lịch sử, qua từng thời kì tôi lại rút ra những bài học để gìn giữ truyền thống các cụ để lại. Muốn giữ được nghề thì người làm nghề phải có tâm, có đạo đức, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng. Những cái mới, cái hiện đại không thể có được nếu không biết dựa vào truyền thống. Đời con đời cháu tôi chắc chắn phải thay tôi tiếp tục giữ nghề mà theo nhiều người là muôn năm cũ này", Bà Thuận chia sẻ.

Cả cuộc đời ươm tơ dệt lụa giữ nghề - Ảnh 3.

Bà luôn gìn giữ và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ

Người Việt đầu tiên dệt được lụa tơ sen

Cơ duyên gắn kết bà Thuận đến với nghề dệt vải từ tơ sen rất tình cờ. Đầu năm 2017, trong một lần đón đoàn đại biểu Quốc hội cùng cán bộ huyện Mỹ Đức tới thăm cơ sở sản xuất, bà Thuận đã được một nữ đại biểu gợi ý thử nghiên cứu và sáng tạo sản phẩm lụa bằng tơ sen. "Ban đầu tôi thấy rất lạ, tò mò vì chưa nghe thấy sản phẩm này bao giờ. Tuy nhiên khi lên mạng tìm hiểu thì mới biết, việc dệt lụa từ tơ sen khá phổ biến và được ưa chuộng ở Myanmar", bà Thuận nói.

Vốn từ lâu đã ấp ủ dự định chế tạo ra một loại vải mới, sau 2 năm vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho ra mắt những chiếc khăn quàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ của sen. Đây là thứ sợi vô cùng quý giá được lấy từ cuống sen. Hiện nay, ngoài Myanmar nổi tiếng với sản phẩm lụa tơ sen từ nhiều năm nay, thì chỉ có một số ít nghệ nhân tại Campuchia là sản xuất được thứ lụa này.

Bà nghiên cứu, mày mò tạo ra sợi tơ từ cuống lá sen

"Sen là quốc hoa của Việt Nam. Người ta hay nói tới việc ngắm sen, dùng cánh hoa sen ướp trà chứ ít người nghĩ rằng nó còn có thể làm được lụa. Tôi đã sáng tạo cho con tằm tự dệt tơ thì cũng có thể sáng tạo ra sợi tơ từ cuống lá sen", bà Thuận bộc bạch.

Nghĩ là làm, bà tự bỏ tiền túi, đầu tư mua một đám ruộng về trồng sen thử nghiệm và tìm tòi cách lấy sợi. Những ngày đầu tự mày mò nghiên cứu cộng với việc thiếu kinh nghiệm, nghệ nhân Phan Thị Thuận liên tục phải đối mặt với thất bại. Nhiều người khuyên bà nên từ bỏ, để tập trung nghiên cứu, nữ nghệ nhân 65 tuổi đã phải đóng cửa ở trong phòng một mình nhiều tháng trời.

Sau những nỗ lực bền bỉ, bà đã trở thành nghệ nhân Việt Nam đầu tiên dệt được lua tơ sen. Bà kể, tất cả các công đoạn làm sợi tơ sen đều thực hiện thủ công và rất cầu kì. Tất cả các cuống sen phải được xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, không rút được sợi và hỏng hoàn toàn. Để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất đến gần một tháng nên giá bán một chiếc khăn làm từ tơ sen trung bình khoảng trên 4 triệu đồng. Do giá thành cao nên sản phẩm này chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ các dòng khách cao cấp, khách nước ngoài. Năm ngoái, xưởng sản xuất của bà chỉ làm được 12 chiếc khăn lụa tơ sen và vinh dự khi lụa sen của bà đã được sử dụng trên những sản phẩm may đo cao cấp của thương hiệu Giovanni.

Sản phẩm của nghệ nhân Phan Thị Thuận nổi tiếng trong nước và thế giới

"Cầm chiếc khăn lụa trên tay, bạn có thể cảm giác rõ sự mịn màng, êm của sợi tơ và đặc biệt là sự tinh khiết mà không một loại tơ nào có thể sánh được. Hiện tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, làm sao để nâng cao chất lượng, rút ngắn các công đoạn sản xuất", nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết thêm.

Bà cũng mong muốn nhận được sự đồng hành và ủng hộ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đảm bảo đầu ra cho lụa tơ sen, đồng thời đưa sản phẩm này đến với tất cả người tiêu dùng như một biểu tượng mang đậm dấu ấn của Việt Nam và tôn vinh những thành tựu trong nghề dệt vải thủ công của người Việt.

Hoàng Oanh
29/10/2022 10:00