Để mua cá chất lượng, nhiều người tiêu dùng thường tìm đến quầy đồ tươi sống ở siêu thị thay vì mua cá đông lạnh, song đây có thể là một sự lãng phí tiền bạc.
Một bộ phim tài liệu mới của BBC mang tên: “Sự trung thực của siêu thị: Thực sự trong thực phẩm của chúng ta có gì?”, được phát sóng vào ngày 8/7 đã tiết lộ sự thật bất ngờ về cá tươi tại siêu thị.
Trong chương trình, chuyên gia dinh dưỡng Priya Tew và nhà khoa học về cá Richard Chivers - người đã dành hơn 20 năm để thử nghiệm cá cho các siêu thị và nhà cung cấp - đã thử nghiệm 10 miếng cá tuyết mua từ 5 siêu thị khác nhau.
Trước thử nghiệm, họ đã tiến hành hỏi người tiêu dùng ở siêu thị rằng họ đoán cá tươi mà họ mua đã được đánh bắt cách đây bao lâu. Hầu hết họ đều đoán, nó được đánh bắt không quá 1 ngày trước. Hoặc một số người khác nói nó đã được trữ khoảng 3 ngày.
Nhưng khi chuyên gia dinh dưỡng Priya Tew và nhà khoa học cá Richard Chivers bắt đầu thử nghiệm, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn.
Ông Richard cho biết, người tiêu dùng nói chung hiểu không đúng về khái niệm “tươi” đối với cá.
Thử nghiệm các mẫu cá bằng hệ thống tính điểm Torry tiêu chuẩn công nghiệp, ông Richard đánh giá 10 miếng cá thử nghiệm trên phương diện vẻ ngoài, mùi vị và mùi.
Gắp 1 miếng cá tuyết được cắt tỉa cẩn thận, ông nói: “Điều đầu tiên tôi nhìn vào 1 miếng cá là màu sắc và độ tươi của cá. Chúng tôi muốn nó có độ trong mờ màu xanh”. Miếng cá được ông Richard nhận xét là “đẹp”, nhưng có một con sâu cá tuyết đang ngoe nguẩy trong đó.
“Miếng cá này có màu xanh mờ, tôi thích điều đó. Các khối cơ vẫn được giữ chặt. Đó sẽ là lựa chọn của tôi cho một miếng phi lê cá, trừ con sâu sống ra”, ông Richard nói.
Sau đó, chuyên gia dinh dưỡng Priya giải thích có quy định về “bán cá tươi và các siêu thị kiểm soát sử dụng cá tươi theo ngày, miễn là cá không làm khiến bạn mắc bệnh”.
Ông Richard tiết lộ, rất nhiều cá tươi có thể đã bị đông lạnh trước đó, khi ông vắt nước khỏi một miếng cá. “Theo luật, họ phải đề trên bao bì nếu là cá đông lạnh”, ông Richard cho biết.
Sau đó, ông Richard tiếp tục nấu tất cả các mẫu cá thử nghiệm để kiểm tra mùi và vị. Sử dụng hệ thống tính điểm Torry (thang điểm từ 1 cho cá tươi vừa bắt từ biển, đến 10 cho cá không thể ăn được), nhà khoa học Richard cho biết bất cứ miếng cá nào thấp hơn 6 điểm cũng không nên được bán trong siêu thị.
Một số mẫu thử nghiệm vẫn đạt điểm tốt nhưng có một mẫu đã bị ông Richard đánh giá chỉ đạt 6 điểm và cho biết: “Nó giống như nhai bông gòn”.
Ngay cả các mẫu trông có vẻ tươi cũng bị đánh giá thấp khi được nấu chín. Mặc dù vậy, ông Richard vẫn quyết thử tất cả, vì theo ông, cá tuyết “có thể có vị rất kinh khủng nhưng không bao giờ có thể khiến bạn bị bệnh như cá thu hay cá mòi”. Tất nhiên, ông Richard vẫn gặp phải những mẫu có vị cực kỳ tệ khiến ông phải nhổ ra và nói: “Miếng cá này có thể đã được đánh bắt cách đây khoảng 20 ngày”.
Khi chuyên gia dinh dưỡng Priya hỏi: “Vậy phần lớn cá chúng ta mua trong siêu thị có vị như để lâu không?”, ông Richard đã gật đầu, nói thêm: “3 trong số những mẫu này không nên được bày bán nữa và 2 mẫu cần phải ăn ngay trong hôm nay. Điều mà chúng tôi thấy ở đây là từ thời điểm cá được đánh bắt, cho đến khi vận chuyển và phân phối là một khoảng thời gian quá lâu”.
Chia sẻ về việc nên chọn cá tươi hay đông lạnh, ông Richard nói: “Cá nhân tôi sẽ chọn cá đông lạnh, vì nó được đông lạnh trên tàu ngay sau khi bắt và tất cả hương vị của nó được bảo toàn nguyên vẹn trong quá trình đông lạnh”.