pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các nhà báo đã mạo hiểm mạng sống đưa tin về Covid-19
Phóng viên tác nghiệp đưa tin về dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Theo Tổ chức Chiến dịch biểu tượng báo chí (PEC) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), tính từ ngày 1/3 đến 31/5 đã có ít nhất 127 nhà báo thiệt mạng vì Covid-19 trên phạm vi toàn thế giới, 2/3 trong số này đang làm nhiệm vụ.
Bà Maria Mercader (54 tuổi), nhà báo, nhà sản xuất và người dẫn chương trình truyền hình kỳ cựu của kênh tin tức CBS News, đã qua đời tại New York (Mỹ) vì Covid-19. Bà Maria đã làm việc tại mạng lưới truyền hình này trong 3 thập niên và gần đây, bà giữ chức Giám đốc chiến lược tài năng của mạng lưới. Sinh ra và lớn lên tại thành phố New York, bà Maria đã tham gia đưa tin nóng cho CBS. Năm 2004, bà từng giành giải Emmy cho một chương trình về thư rác máy tính.
Theo Tổ chức Chiến dịch biểu tượng báo chí (PEC), tính từ ngày 1/3 đến 31/5 đã có ít nhất 127 nhà báo thiệt mạng vì Covid-19 trên phạm vi toàn thế giới, 2/3 trong số này đang làm nhiệm vụ. Chỉ trong tháng 5/2020, đã có 55 nhà báo thiệt mạng vì bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Peru là quốc gia có số phóng viên bị thiệt mạng vì Covid-19 nhiều nhất. Manuel Sánchez (59 tuổi), phóng viên ở Iquitos, đã tử vong trong một bệnh viện công sau 3 ngày mắc Covid-19. Bà Zuliana Lainez, Tổng thư ký của Hiệp hội Nhà báo quốc gia Peru (ANP), cho hay, tính đến ngày 3/6, ít nhất 20 nhà báo Peru đã thiệt mạng vì Covid-19. "Họ là các phóng viên, nhiếp ảnh gia, quay phim... chạy đua để đưa tin về đại dịch lan truyền khắp đất nước nhưng lại không có thiết bị bảo vệ", bà Zuliana nói.
Trong khi đó, Ecuador, Brazil và Mexico có 13 nhà báo, Mỹ có 12 nhà báo, Nga và Anh có 5 phóng viên thiệt mạng vì Covid-19. Nếu tính theo khu vực thì Mỹ Latinh là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với ít nhất 62 nhà báo bị virus SARS-CoV-2 cướp đi sinh mạng so với 23 nạn nhân của châu Âu, 17 của châu Á, 13 của Bắc Mỹ và 12 của châu Phi.
Ông Blaise Lempen, Tổng thư ký PEC, cho biết, các phóng viên, biên tập viên, nhân viên truyền thông có một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Họ phải liên tục thông tin về sự lây lan của căn bệnh này và nhiều người trong số họ đã thiệt mạng vì thiếu các trang thiết bị phòng hộ cần thiết khi tác nghiệp. Theo ông Blaise, số liệu này dựa trên việc thu thập từ nhiều nguồn: Các hiệp hội nhà báo quốc gia, truyền thông địa phương và Tổ chức Chiến dịch biểu tượng báo chí trên thế giới.
Cần có thiết bị bảo vệ an toàn cho nhà báo
Được thành lập vào tháng 6/2004 bởi một nhóm các nhà báo quốc tế, tổ chức PEC có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), là một tổ chức phi chính phủ với mục đích tăng cường bảo vệ pháp lý và an toàn cho các nhà báo trong các khu vực xung đột, khu vực bất ổn hoặc khi thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm. 16 năm qua, các thông tin mà PEC đưa ra về hoạt động của các nhà báo luôn chính xác, đầy đủ và phản ánh cái nhìn nhiều chiều, khách quan về hoạt động của giới truyền thông. Trong khi đó, thông tin từ một tổ chức phi chính phủ khác của Thuỵ Sĩ mang tên Press Badge Club cũng thừa nhận rằng, ít nhất 117 nhà báo tại 31 quốc gia đã thiệt mạng vì đại dịch Covid-19.
Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) tuyên bố họ sẽ theo sát các trường hợp nhà báo bị thiệt mạng vì Covid-19 để có những đòi hỏi cụ thể về quyền lợi và bảo vệ gia đình, người thân của các nhà báo. Điều phối viên của CPJ tại Nam Mỹ Natalie Southwick đã khóc khi trả lời phỏng vấn một tờ báo: "Nhiều nhà báo ở Mỹ Latinh thiếu các thiết bị bảo vệ cơ bản cần thiết để giữ an toàn cho bản thân và nguồn tin của họ trong khi đưa tin. Nhà báo là một nguồn thông tin đáng tin cậy quan trọng trong thời điểm khủng hoảng này. Họ đã mạo hiểm cuộc sống hàng ngày để thông báo cho đồng bào của mình về Covid-19". Cũng theo lời bà Natalie Southwick, CPJ đã yêu cầu các cơ quan báo chí Mỹ Latinh có nghĩa vụ pháp lý cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân cho các nhà báo.