Cách chọn thực phẩm của gia đình GS Nguyễn Lân Dũng

26/08/2016 - 20:57
GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng, rau bị sâu ăn lá hoặc rau có sâu cũng chưa an toàn. Gia đình ông thường chọn loại rau đắng, rau mầm, giá đỗ và… nói không với hoa quả ngoại.
Lấy sâu đảm bảo… rau sạch

Bà Lệ Thị Trang (53 tuổi ở Mỗ Lao, Hà Nội) kể: Giờ tôi ra chợ, cứ rau nào xanh mơn mởn, đẹp mã là tôi không mua đâu. Rau nào xấu xấu một chút, lá bị rách lỗ chỗ… thì mới yên tâm mua, vì như vậy là sâu ăn lá rau, không sợ rau bị “dính” thuốc trừ sâu”. Tâm lý của bà Trang cũng là tâm lý chung của rất nhiều bà nội trợ hiện nay.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, hiện nhiều người bán rau đã “lấy sâu để đảm bảo rau sạch” bằng cách bắt sâu bên ngoài rồi cho bò lổm ngổm trên rau. Cũng có khi, người trồng rau để cho sâu ăn 1 ít lá rồi mới phun thuốc và người tiêu dùng thấy lá rách lỗ chỗ lại tưởng là rau không bị phun thuốc trừ sâu.
rau-qua7.JPG
Nghịch lý lấy sâu đảm bảo rau rạch 
Trước vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan, GS Nguyễn Lân Dũng “chua chát” nói: “Chưa bao giờ người ta cho nhau rau sạch, thực phẩm sạch lại quý giá như hiện nay”.

Mỗi năm, nước ta nhập 4.100 loại thuốc trừ sâu, trong đó có 1.643 hoạt chất khác nhau. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập về 70.000 - 100.000 tấn thuốc trừ sâu. “Đây thực sự là một con số quá khủng khiếp. Vì thế, việc kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu trên thực phẩm là rất khó” - GS Dũng cho hay.

Nỗi lo thuốc trừ sâu đã khiến nhiều bà nội trợ tự trồng rau tại nhà. Chị Nguyễn Thanh Hoa (31 tuổi, ở Khương Thượng, Hà Nội) tự hào khoe về “vườn” rau tự trồng trong thùng xốp ở nhà mình. Nhưng khi được hỏi làm thế nào để rau lớn nhanh, chị hồn nhiên kể với đồng nghiệp “…thì bón ít phân hóa học vào chứ sao…”.

Bên cạnh nỗi lo về thuốc trừ sâu, Giáo sư Dũng cho hay, hiện nay nhiều người dân đã tự trồng rau nhưng lại sử dụng phận đạm hóa học để bón cho rau. Trên thực tế, rau xanh sử dụng phân đạm hoá học cũng nguy hiểm chẳng kém. Rau sẽ tồn dư rất nhiều nitrit và đây là loại chất gây ung thư cho người sử dụng.

Cách chọn thực phẩm của gia đình GS Lân Dũng

Theo GS Lân Dũng, các bà nội trợ nên chọn rau rừng, rau có vị đắng thì những loại rau này ít sâu bệnh, ít sâu ăn nên người trồng sẽ không phải phun thuốc trừ sâu nhiều. Hoặc các loại rau mầm, giá đỗ… cũng không có sâu.

Ngoài ra, chúng ta có thể trồng rau sạch bằng cây chùm ngây. Đây là loại rau không có sâu bệnh. Đặc điểm của cây rau chùm ngây là trồng càng nhiều càng không có sâu ăn. Hiện nay, rất nhiều gia đình ở Hà Nội đã thực hiện trồng loại rau này.
la-rau-chum-ngay.jpg
Lá rau chùm ngây 
GS Dũng cũng nói không với hoa quả nhập khẩu vì “mua hoa quả nhập khẩu ở những nơi đảm bảo, giá cả không hề rẻ, còn giá phải chăng thì dễ mua phải hoa quả không rõ nguồn gốc, nhập khẩu từ Trung Quốc”. Vì thế, gia đình ông hầu như chỉ sử dụng hoa quả trong nước với mùa nào thức đó.
hoa-qua-ngoai.jpg
 Mua hoa quả nhập khẩu ở những nơi đảm bảo, giá cả không hề rẻ, còn giá phải chăng thì dễ mua phải hoa quả Trung Quốc 
Các biện pháp như khử ôzon hay các máy đo lượng tồn dư hoá chất của người tiêu dùng, GS Dũng khẳng định không có giá trị bởi có hàng nghìn loại hoá chất khác nhau như thế thì không có loại máy nào có thể đo hết được.

                                 Trồng rau trong nhà lưới, nuôi lợn bằng ốc bươu vàng

GS Dũng cho rằng, để trồng rau không có sâu thì nhất thiết người nông dân phải trồng rau trong nhà lưới, như vậy sẽ không có bướm thì không có sâu, không có sâu thì không cần thuốc trừ sâu.

Về nguồn thực phẩm thịt sạch, mới đây, Giáo sư Dũng đã hướng dẫn một số hộ nông dân mô hình nuôi lợn bằng ốc bươu vàng và lợn vẫn béo tốt, nhanh lớn.

Ốc bươu vàng cho vào nghiền nguyên con, sau đó trộn với ngô và giun quế. Giun quế thì nuôi rất dễ từ rơm rạ ủ với phân lợn. Còn ốc bươu vàng cũng có thể tự nuôi trong điều kiện có ngăn lưới rất cẩn mật và dùng thức ăn là rau cỏ rẻ tiền, đặc biệt là cỏ voi.

Kết quả cho thấy, thịt lợn luộc lên hồng, nước trong, không đục hay cặn như thịt lợn nuôi bằng cám công nghiệp.

Tuy nhiên, để làm đươc việc này thì cần phải có sự phối hợp của cơ quan Nhà nước cũng như các doanh nghiệp, chứ người nông dân không thể tự mình đầu tư nhà lưới cũng như chuyển sang mô hình nuôi lợn bằng ốc bươu vàng thay vì cám công nghiệp như hiện nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm