pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách đơn giản đồng hành học tiếng Anh cùng con từ 0 đến 5 tuổi
Những năm gần đây, việc luyện học ngoại ngữ tại nhà cho con theo nhiều hình thức đã dần trở nên phổ biến, tuy nhiên cũng có nhiều mẹ còn bỡ ngỡ không biết phải áp dụng phương pháp thế nào cho phù hợp với lứa tuổi của con.
Là một bà mẹ đã có nhiều năm kinh nghiệm, Thư Kỳ (33 tuổi, sống tại Hà Nội) đã chia sẻ một số bí quyết đơn giản để bố mẹ có thể đồng hành cùng con cái, hy vọng sẽ giúp ích được cho các phụ huynh khác.
"Quan điểm của mình học ngôn ngữ, tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ, hay bất kì tiếng gì cũng tuân thủ: NGHE - NÓI - ĐỌC - VIẾT. Và mình nghĩ xác định quan điểm như thế nào sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình đồng hành cùng với con", Thư Kỳ nhận định.
1. SỰ ƯU TIÊN NGHE THEO LỨA TUỔI
Giống như câu "As soon as possible" - với tiếng Việt khả dĩ trẻ không cần nghe hay tương tác gì mà đến tuổi con vẫn biết, bởi vì từ trong bụng mẹ con đã được nghe, ra ngoài đời nghe hát ru, nghe người lớn nói chuyện, chỉ trỏ khi có đồ vật, cứ thế mỗi ngày đến khi tận 5-6 tuổi, tính ra thì các con được nghe thụ động và chủ động rất nhiều. Thế nên đến lúc bắt đầu học đánh vần hay học chữ cái, trẻ sẽ có xu hướng học nhanh hơn.
Vậy thì học ngôn ngữ khác cũng thế. Được nghe, tương tác từ sớm càng có lợi thế. Sự khác biệt của trẻ nghe tiếng Anh từ lúc sơ sinh hay từ 2 đến 3 tuổi so với trẻ bắt đầu nghe và tương tác khi 5-6 tuổi và sau 6-7 tuổi lại càng khác nhau nhiều, về cả cách phát âm, tốc độ thẩm thấu, nhớ từ và khả năng nhắc lại, mức độ hiểu khi nhìn theo tranh, vận dụng câu theo ngữ cảnh...
- NHỮNG LƯU Ý NHỎ
Tuy nhiên, cần chú ý đối với các bạn nhỏ nói tiếng Việt chưa sõi hay chưa rành mạch hẳn thì nghe song song cả hai ngôn ngữ, nếu con nghe tiếng Anh bằng đài, loa thì tiếng Việt mẹ cần tương tác nhiều thông qua kể chuyện, hát múa, miễn không lệch về một ngôn ngữ nào cả. Mục đích là để tránh sau này nghe và nói tiếng Anh quen rồi lại chỉ thích nói tiếng Anh, tiếng Việt lại lười, thậm chí cùng chủ đề nói tiếng Anh thì được, nhưng nói tiếng Việt là ngại, câu cú lủng củng.
NHẤT LÀ LỨA TUỔI CHUẨN BỊ ĐI HỌC TIỂU HỌC, SẼ CÓ THIÊN HƯỚNG CHÊNH LỆCH VỀ TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT: Các bé lúc còn nhỏ có thể được ưu tiên nghe học tiếng Anh, nhưng không được trau dồi tiếng Việt, không nghe và được đọc truyện sách tiếng Việt để ngấm cách hành văn câu chữ, đến lúc đi học rất sợ môn Tiếng Việt và tập làm văn.
Đối với những gia đình xác định học tư, điểm số và các môn đó không quan trọng có vẻ sẽ không sao, còn học trường công, học gì thì học, các môn cơ bản vẫn là yêu cầu cốt lõi; không phải giỏi, nhưng ít nhất cũng không được quá kém. Nếu thường xuyên bị nhắc nhở, điểm kém chắc chắn gây trở ngại tâm lý cho con khi đến lớp, đã kém thì hay sợ, mà sợ thì tâm lý, tâm lý rồi thì ảnh hưởng thái độ học tập, ảnh hưởng cả các môn học khác. Đó là môn tiếng Việt, chưa kể mình còn thấy có mẹ chia sẻ: con có năng khiếu tiếng Anh nhưng lại rất sợ môn Toán. Người ta gọi là học lệch.
- NGUỒN NGHE, ĐỌC
Có nhiều nguồn khiến các mẹ băn khoăn có phải chuẩn bản ngữ không? Mình nghĩ thế này: giống Tiếng Việt, tiếng vùng nọ vùng kia, nghe vẫn hiểu, thì tiếng Anh cũng thế, nếu vẫn đúng phiên âm, phát âm thì vẫn được. Mình học tiếng Anh để giao tiếp với nhiều người khác từ các nước biết tiếng Anh, sau này vận dụng đọc tài liệu rồi tra cứu, nên học đủ kiểu, sau này gặp kiểu nào đều có thể giao tiếp được.
Tất nhiên, nếu chuẩn chỉnh thì vẫn tốt hơn, nên nương theo sở thích của con. Dù là học môn gì thì tâm lý thoải mái mới hiệu quả.
2. KIÊN TRÌ TẠO NÊN TRÁI NGỌT
Có những bé còn quá nhỏ thì việc nghe tiếng Anh mỗi ngày chưa gọi là học, chỉ là tạo cách chơi, sự hứng thú trong môi trường ngoại ngữ để cho chúng ngấm dần. Điều quan trọng nhất mà mình vẫn duy trì ngay từ ngày đầu tiên là: THÁI ĐỘ KIÊN TRÌ. Thà ngày nào cũng đọc, học, chơi 1 tiếng, liên tục trong 7 ngày còn hơn học 7 tiếng nhưng chỉ vào một ngày cuối tuần. Vì ngôn ngữ cần có tính lặp đi lặp lại, lại cả về hình ảnh và âm thanh. Càng được lặp lại nhiều thì khả năng ngấm càng tốt.
- THÁI ĐỘ
Mình vẫn nghĩ: TỰ DO THÌ MỚI CÓ TỰ GIÁC; bé được tự do quyết định bài hát, quyết định hình thức học. Giai đoạn đầu có ngày con hát, ngày chơi, ngày chẳng làm gì, chỉ ôm cái đài và nghe. TỰ DO chọn hình thức học (nghe, xem), TỰ DO chọn chương trình tivi (đương nhiên những câu chuyện ngoài lề giữa mẹ và con mình đã định hướng được cho bạn ý cách lựa chọn chương trình bổ ích theo sở thích, xem như thế nào để đỡ hại mắt, hại mắt ảnh hưởng ra sao...), nên hầu như bé nhà mình không xem gì ngoài những kênh mà mẹ đã chọn trong ổ cứng cắm vào tivi, và chương trình đánh vần tiếng Việt. Con được xem đúng giờ tan tầm chờ mẹ về, chơi với mẹ vui hơn nên cũng chẳng thèm xem tivi nữa.
Con có quyền lựa chọn cái gì mà chúng thích (trong khuôn khổ pháp luật mẹ đã lựa chọn, set up), học với toàn bộ đam mê sẽ nhanh hơn nhiều so với bị ép buộc học theo cái mà mẹ cho là phù hợp. Việc này nếu như mẹ mới bắt đầu, chưa biết con mình thích cái gì, biện pháp duy nhất là phải cho con thử, thử tiếp xúc, nghe xem, rồi xem phản ứng của chúng như thế nào, chúng thích rồi mới tấn công mạnh: bày trò chơi, nhảy múa, hát hò theo bài hát, đóng vai trong phim chúng xem, tăng cơ hội tương tác nhiều chúng mới nhanh nhớ. NGƯỜI LỚN, TRONG ĐÓ CÓ MÌNH RẤT HAY BỊ ẢNH HƯỞNG TỪ NHÀ HÀNG XÓM: thấy nhà khác học hay áp dụng gì cũng bê về nhà mình, dù đó không phải sở thích, không phải năng khiếu của con.
- KHÔNG ÉP, KHÔNG THỂ HIỆN THÁI ĐỘ VUI HAY BUỒN KHI CON HỌC HAY KHÔNG HỌC
Phụ huynh nào đi làm về cũng có rất nhiều việc. Lúc mới bắt đầu thì mình cũng chỉ cố gắng dành thời gian chơi trò chơi, hay tương tác qua thẻ để tạo cảm hứng, làm gương cho bạn nhỏ học theo. Sau đó kệ bạn tự học, mẹ còn học, còn làm việc cơ quan, hay việc riêng của mẹ.
AI CŨNG CÓ VIỆC PHẢI LÀM - đó là câu thần chú mình hay nói với bọn trẻ. Việc nuôi con là của bố mẹ, mẹ mua sách cho con, nuôi con là đương nhiên. Sau này con lớn con học sẽ kiếm được tiền nuôi bản thân. Chứ không phải: mẹ nuôi con, mua đồ cho con nên con phải học hay này nọ. ĐẰNG NÀO CŨNG LÀ CHO, NHƯNG CHO NHƯ THẾ NÀO ĐỂ NGƯỜI NHẬN – ĐỨA TRẺ CẢM THẤY THOẢI MÁI MỚI LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG.
- ĐỘNG LỰC
Mình cũng không dụ bằng phần thưởng: tiền, quà, đồ chơi khi yêu cầu chúng làm hay học một cái gì mà mình muốn. Thay vào đó mình dành nhiều thời gian để chơi, để làm gương nhiều hơn. Kể cả việc dụ dỗ học bài theo ý của mẹ để thưởng xem tivi với mục đích tốt nhưng nếu không dụ như thế thì chúng không có động lực làm, hoặc để chúng làm nhanh hơn. Đa số thì sẽ thấy mục đích đó đạt ngay, nhìn thấy hiệu quả ngay. Nhưng dừng điều kiện là hành động dừng, dừng không cho quà nữa là chúng không học tiếp, hoặc sau đó sẽ chậm hơn. Nên mình vẫn chọn cách TỰ: mình chỉ là người hướng dẫn và tạo điều kiện (mua sách, loa, bật cho nghe vì lứa tuổi con chưa tự làm được). Dụ dỗ giai đoạn đầu, sau đó là định hướng và gợi ý, phân tích.
Hy vọng những thông tin trên sẽ có ích cho các phụ huynh muốn rèn con học ngay từ khi còn nhỏ.