Cần cụ thể hóa các tiêu chí để bảo đảm vai trò phụ nữ xây dựng nông thôn mới

PV
23/07/2021 - 16:55
Cần cụ thể hóa các tiêu chí để bảo đảm vai trò phụ nữ xây dựng nông thôn mới

Phụ nữ tham gia sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa KT

Chiều 23/7, Quốc hội xem xét Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung mục tiêu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; cụ thể hóa các tiêu chí để bảo đảm vai trò phụ nữ trong xây dựng, thực hiện Chương trình.

Tiếp tục chương trình làm việc chiều 23/7, trình bày trước Quốc hội về Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Cạnh việc tiếp tục các nhóm nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn trước, Chương trình của giai đoạn mới này có một số điểm mới, tập trung thực hiện nhiệm vụ như: Ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí. Chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; thúc đẩy bình đẳng giới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn…

Chương trình xây dựng nông thôn mới đặt mục tiêu đến năm 2025:

Cấp xã: Phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM.

Cấp huyện: Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM

Cấp tỉnh: Cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Cấp thôn: Phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do cấp tỉnh quy định.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện, Chương trình sẽ triển khai 6 đề án/chương trình chuyên đề. Qua đó, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM sau 10 năm thực hiện; cụ thể như: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống trong xây dựng NTM; Đề án môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh...

Tổng nguồn lực huy động thực hiện giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 2,45 triệu tỷ đồng.

Cần cụ thể hóa các tiêu chí để bảo đảm vai trò phụ nữ xây dựng Nông thôn mới - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày thẩm tra báo cáo. Ảnh quochoi.vn

Cần bổ sung mục tiêu lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, thực hiện Chương trình nông thôn mới

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này,  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng: Bên cạnh những thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới.

Về phạm vi và xử lý trùng lặp với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác, Ủy ban Kinh tế tán thành phạm vi Chương trình được thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước bao gồm tất cả các xã, các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh của 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư...

Về mục tiêu cụ thể của Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung mục tiêu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình; nghiên cứu cụ thể hóa trong các tiêu chí về nông thôn mới để bảo đảm vai trò của phụ nữ trong tham gia Chương trình MTQGXDNTM. Tiếp tục quan tâm đến vấn đề cải thiện tình trạng dinh dưỡng phụ nữ, trẻ em tại vùng nông thôn.

Do đặc thù triển khai đồng thời và có sự lồng ghép vốn thực hiện giữa các CTMTQG, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương chung cho cả 03 CTMTQG để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng thời bảo đảm phân công hợp lý, không chồng chéo.

Đến tháng 7/2021, cả nước có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM;

Có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 04 tỉnh đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015;

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm