Cần gia hạn hợp đồng cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi

24/04/2019 - 12:58
Hiện công nhân, viên chức lao động trong các Khu công nghiệp (KCN) và Khu chế xuất (KCX) khoảng hơn 15 triệu người, trong đó lao động (LĐ) nữ chiếm 47,8%, hầu hết dưới 35 tuổi và đang ở độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, các chính sách dành cho LĐ nữ có con nhỏ hiện vẫn còn nhiều bất cập, cần xem xét sửa đổi trong Bộ luật Lao động.

Một số chính sách thuận lợi cho lao động nữ

Tại một Hội thảo mới đây bàn về “điều kiện làm việc phù hợp với gia đình có con nhỏ” cần sửa đổi trong Bộ luật Lao động do UB Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam tổ chức, bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động VN cho rằng: Thực tế, vấn đề tiền lương, thu nhập, điều kiện chăm sóc con nhỏ đối với người lao động hiện còn nhiều khó khăn.

Lao động nữ được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh, 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Ảnh minh hoạ)

Bà Trịnh Thanh Hằng không phủ nhận rằng, hệ thống các văn bản quản lý nhà nước về lao động – việc làm ngày càng hoàn thiện, góp phần hỗ trợ người lao động có việc làm ổn định, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người LĐ, điều kiện chăm sóc con nhỏ đã được thực hiện tốt hơn như: Luật đã bảo đảm quyền làm việc bình đẳng giữa LĐ nam và LĐ nữ; Không sử dụng lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7, hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.

Không sa thải hoặc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với LĐ nữ vì lý do mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Giảm 01 giờ làm cho lao động nữ làm việc nặng nhọc mang thai từ tháng thứ 7. LĐ nữ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu công việc đang làm ảnh hưởng xấu đến thai nhi...

Ngoài ra, LĐ nữ còn được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh, 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Lao động nam được nghỉ khi vợ sinh con từ 5 đến 14 ngày. Chế độ thai sản của LĐ nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi; khi thực hiện các biện pháp tránh thai; dưỡng sức phục hồi sức khoẻ sau thai sản…

Một số chính sách cho lao động nữ còn nhiều hạn chế

Theo bà Trịnh Thanh Hằng, một số chính sách trên tuy được thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho LĐ nữ, nhưng trên thực tế vẫn còn hạn chế và khó khăn:

Cụ thể là vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo: Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ… Thực tế ở các KCN, KCX nhiều năm qua nhu cầu gửi trẻ rất cao, nhưng khả năng đáp ứng cơ sở vật chất của địa phương, doanh nghiệp lại rất hạn chế. Nhiều lao động nữ buộc phải gửi con về quê nhờ bố mẹ, người thân nuôi dưỡng giúp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tuy đã hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người LĐ, nhưng lại ở mức thấp chỉ từ 50.000 đồng – 100.000 đồng/cháu.

Về chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ: Thực tế, rất ít doanh nghiệp đăng ký sử dụng nhiều LĐ nữ và được hưởng chính sách này. Bên cạnh đó, dù người LĐ được tính với chi phí đào tạo lại, lương giáo viên nhà trẻ của doanh nghiệp, phụ cấp thêm giờ do không nghỉ 60 phút… Đa số LĐ nữ trong độ tuổi mang thai và nuôi con nhỏ lại không được tính với các khoản chi phí xây dựng, giúp đỡ, hỗ trợ nhà trẻ, mẫu giáo lắp đặt phòng vắt trữ sữa… cho phụ nữ sau sinh.

Cần có quy định rõ ràng cho doanh nghiệp giúp đỡ, hỗ trợ nhà trẻ, mẫu giáo cho người lao động 
(Ảnh minh hoạ)

Bộ luật Lao động quy định: Lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp; lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp điều kiện thực tế, nhu cầu LĐ nữ; khuyến khích tạo điều kiện cho LĐ nữ vắt, trữ sữa tại nơi làm việc… Tuy nhiên, Bộ Y tế lại chưa có quy định danh mục khám chuyên khoa phụ sản, quy định chuẩn phòng vắt, trữ sữa và cũng chưa quy định thế nào là có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp cho LĐ nữ tại các doanh nghiệp.

Cần bảo đảm bình đẳng về quyền, nghĩa vụ của lao động nam và lao động nữ

Để khắc phục các vấn đề bất cập trên, bà Trịnh Thanh Hằng đề nghị: Cần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người LĐ, để khi thực hiện không làm suy giảm hoặc mất đi quyền lợi người lao động đã được pháp luật khẳng định.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động sửa đổi cũng cần bổ sung một số nội dung bảo đảm bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của LĐ nam và LĐ nữ trong công việc, trong gia đình theo nguyên tắc bình đẳng giới. Ví như: Chính sách thai sản, trợ cấp khi nghỉ con ốm đối với LĐ nam. Giúp đỡ, hỗ trợ nhà trẻ, mẫu giáo cho người LĐ; Lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc cho lao động nữ nuôi con nhỏ.

Bà Trịnh Thanh Hằng cũng cho rằng, Bộ luật Lao động cũng cần bổ sung thêm nội dung: Khi LĐ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến khi con đủ 12 tháng tuổi.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm