Văn hóa - giải trí

'Cánh chim lạc trở về' qua giọng đọc Trúc Đào

05/06/2018 - 08:00 AM
Mời bạn đến với Bài dự thi số 16, cuộc thi đọc truyện "Hạnh phúc gia đình" do Báo PNVN tổ chức, với phần thể hiện tác phẩm "Cánh chim lạc trở về " của bạn Nguyễn Thị Trúc Đào (sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM).

Cô Phấn mới đi trại về. Nhiều người kì thị nhưng Sâm lại thương cô nhất. Anh mua cho cô 2 cái áo len. Những đêm lạnh nằm cạnh vợ, Sâm thủ thỉ kể chuyện ngày xưa trong gia đình cho vợ nghe. Trong đó có chuyện, cô Phấn thương anh từ thuở lọt lòng...

Thanh về làm dâu được 3 năm thì cô Phấn mới mãn hạn tù. Ngày được về, chồng Thanh đi đón cô ở cửa trại. Đi mãi từ sáng mà đến tận chiều tối mới về đến nhà. Ai cũng tò mò sau bao năm không biết cô Phấn ra sao. Làng trên xóm dưới đến thăm chỉ để ngó nghiêng mặt một người đàn bà đã từng nổi tiếng cả tỉnh vì gan bạo, phải đi trại vì tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Người ta muốn xem người đàn bà từng có nhiều tai tiếng sau nhiều năm ở trại nay thành thế nào? Xem xong, ai nấy đều ái ngại ra về. 

Đôi mắt cô hơi dại, mái tóc bạc đến nửa phần sau những năm thụ án. Nhiều người nói, bóng dáng của người đàn bà vẫy vùng một thuở đã biến mất. Thay vào đó, là bóng dáng của một người đàn và yếu đuối, co ro trong cái lạnh căm căm của miền Bắc lúc cuối mùa xuân. Nhiều lần trước, Sâm đi lên trại thăm cô, về cũng kể với vợ. Dù cô từng là tội phạm nguy hiểm nhưng khi nghe chồng thủ thỉ thì Thanh lại cảm thấy không sợ, không ác cảm với bà cô này. Có lẽ bởi vậy, nên những ngày cô về, Thanh là người gần gũi cô nhất. Thanh hay trò chuyện, giúp đỡ và đáp ứng những yêu cầu khó tính của cô. Vì thực lòng Thanh thương cô.

Lúc ở nhà, cô Phấn sống trong giai đoạn gian khó rồi bao năm đằng đẵng ở trại nên tâm tính của cô cũng bị nhiễm nhiều thói xấu. Ngày xưa lúc cô còn là người có chút quyền lực (dẫu chỉ là quyền lực của một đàn chị trong giới giang hồ) thì mọi người cư xử với cô khác. Khi vào trại, dường như với tính cách ngang tàn, cô vẫn có một vị thế nhất định. Giờ hết án về quê, dù đã sạch trơn của cải, con cái không ở quê và không còn liên hệ với mẹ, chồng cô thì đã mất vì ung thư và tiêu tan mọi tài sản trong nhà..., thì cô cũng vẫn cố giữ một chút hống hách để đỡ tủi sầu.

Thanh là cô gái sinh ra trong một gia đình cơ bản, được ăn học đầy đủ. Từ bé, Thanh được uốn nắn bồi đắp trong tâm hồn những phẩm chất dịu dàng, khiêm tốn và thương người. Thế nên khi đối diện với người cô như thế, Thanh không khỏi sốc.

Có lần, hai cô cháu ra đồng lấy rau để làm bữa tối. Trong khi Thanh lúi húi nhổ rau thì chỉ một lát biến mất, cô Phấn đã bê về một đống bắp ngô ngọt. Thanh nhìn phát hoảng. Cô đỏ mặt tía tai khi nghĩ tới việc bị bắt gặp vì bẻ trộm ngô. Thanh vội vàng bảo với bà cô: Ngày xưa chuyện vặt trộm vài bắp ngô ở quê mình là bình thường, tuy nhiên bây giờ mọi người sống trong đầy đủ, không ai lấy trộm của ai cái gì cả cô ạ. Chuyện bẻ trộm ngô, hái trộm rau không còn nữa đâu cô.

Sau nghi nghe cháu nói vậy, cô Phấn nói vớt vát để chữa thẹn vài câu rồi ôm đống bắp về. Còn Thanh thì lại muối mặt sang nhà hàng xóm, vờ nhận lỗi về mình và trả tiền mua số bắp mà người cô đã hái.

partial-solar-eclipse-2014.jpg
Ảnh minh họa

 

Chỉ vài hôm sau, Thanh lại thấy cô Phấn hí hửng khoe về chiếc áo mới. Thực ra nhìn qua, là Thanh biết đó là áo của người hàng xóm, cách nhà mình vài nhà, hay phơi ở ngoài đường. Thanh thấy vừa ngại, vừa thương cô. Thanh nói thẳng với cô: “Cô ơi, sao cháu thấy cái áo này giống của chị Vọng bán thịt bò ngoài chợ. Mấy lần cháu thấy chị ấy mặc khi bán hàng?”. Bị điểm trúng tim đen, cô Phấn mới giải thích: Cô đi đường thấy áo rơi, đang cần có áo mặc để đi thăm bố mẹ nuôi ở Hà Nội nên cô tận dụng. Dù gì cô cũng muốn đến nhà bố mẹ tươm tất một chút.

Thoạt đầu Thanh thấy giận nhưng chỉ trong chốc lát, Thanh lại thấy mình thương cô đến thắt ruột. Một thời vẫy vùng, ai nghĩ “nữ quái” lại có ngày khốn khổ đến như vậy!

Thanh bảo với cô:

- Cô ơi, thế thì cô phải mua áo mới chứ, sao lại đi mượn áo của người khác để đi chơi?

Thanh vừa nói đến đó thì cô Phấn vân vê chiếc nhẫn nửa chỉ trên tay rồi bảo: Tiền mọi người cho khi đến thăm, cô đều dành lại để đánh chiếc nhẫn nửa chỉ này rồi, bây giờ bán đi lỗ mà tiếc lắm! 

Thanh thấy chạnh lòng, cảm xúc khó tả. Thanh đề nghị sẽ mua giúp cho cô Phấn một chiếc áo tươm tất và cho cô “ghi nợ”. Mới nghe đến thế, cô Phấn vội vàng đi trả lại chiếc áo mà lỡ “lấy nhầm”, khuôn mặt vui vẻ như trẻ mới được cho kẹo.

Thực ra sau những chuyện như thế, Thanh thấy bối rối. Cô hay giãi bày với chồng. Chồng cô khi ấy lại kể thêm những câu chuyện hồi nhỏ, lúc cô Phấn thương yêu, bao bọc, che chở cho anh để vợ nghe.

Bằng sự nhạy cảm của người phụ nữ, Thanh hiểu rằng chồng cô mang ơn cô Phấn rất nhiều. Bằng con mắt của một giáo viên sư phạm giỏi nghề, Thanh cũng nhận thấy cần sự yêu thương và kiên nhẫn rất lớn với người cô trong quá trình hòa nhập.

Dần dà, những tật xấu của cô Phấn cũng bớt dần. Sự hòa nhập thành công của cô Phấn sau thời gian mãn hạn tù trở về có phần lớn nhờ sợ kiên nhẫn, bao dung, nhân ái của cô cháu dâu hiền thảo.

Mời bạn theo dõi Thể lệ cuộc thi đọc truyện "Hạnh phúc gia đình" tại địa chỉ sau đây 

http://phunuvietnam.vn/cuoc-thi-doc-truyen-hanh-phuc-gia-dinh.html

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn