Cấp Hội đa dạng hình thức phổ biến chính sách BHYT, BHXH tự nguyện cho phụ nữ di cư

11/06/2019 - 15:44
Phụ nữ di cư có cuộc sống thiếu bền vững, dễ gặp rủi ro trong môi trường làm việc thiếu an toàn mà lại tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội rất hạn chế. Rào cản lớn nhất từ chính nhận thức và thiếu sự chủ động tham gia các chính sách an sinh.

Hội LHPN Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng – GFCD vừa tổ chức buổi tập huấn về an sinh xã hội cho nhóm nòng cốt là lao động giúp việc gia đình tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Buổi tập huấn là dịp phổ biến, nâng cao nhận thức cho các thành viên là lao động giúp việc thuộc 14 phường của các quận của Thủ đô về các chính sách an sinh xã hội như BHYT, BHXH tự nguyện. Hoạt động này nằm trong Dự án “Hỗ trợ lao động giúp việc gia đình trong tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm”, do Hội LHPN Hà Nội và GFCD thực hiện.

Chị Nguyễn Thị Mai, thuộc câu lạc bộ giúp việc phường Thượng Đình, Thanh Xuân, cho biết: 6 năm trước, chị cùng người bạn quê Ninh Bình ra Hà Nội làm giúp việc. Mọi thỏa thuận về tiền lương, công việc chỉ được thống nhất qua "thỏa thuận miệng". Nhiều khi phát sinh thêm những việc mới như phải làm nhiều hơn khi chủ nhà có khách; lúc thì trông hộ đứa cháu… nhưng cũng không được tính tiền làm thêm giờ. Thậm chí cũng không được chủ nhà hỗ trợ tiền mua BHYT.

Sau 2 năm tham gia câu lạc bộ giúp việc gia đình của Hội LHPN phường Thượng Đình, chị Mai hiểu rõ sự cần thiết phải có hợp đồng lao động bằng văn bản, định rõ quyền và cả trách nhiệm của mình khi làm việc. Đặc biệt, chị cũng ý thức phải “thương thảo” bằng được việc gia chủ hỗ trợ thêm tiền mua BHYT để phòng những lúc ốm đau, trái gió trở trời.

Chị Mai cũng cho biết thêm, chị đã tính toán kỹ và quyết định tham gia BHXH tự nguyện được hơn 5 năm. “Giờ đang ở tuổi 40, chỉ đóng 15 năm nữa là chị sẽ có khoản lương hưu để trông vào khi sức lao động không còn. Chỉ có như vậy chị mới chủ động được cuộc sống, không tạo gánh nặng cho con cháu khi về già”. Hiện nay, các thủ tục để tham gia BHXH tự nguyện cũng rất thuận lợi, chỉ cần ra cơ quan BHXH cấp quận, huyện là được tư vấn và có thể tham gia ngay.

Cách thức tham gia cũng linh hoạt, dễ dàng hơn cho người lao động có thể đóng tiền ở cơ quan BHXH, thậm chí là bưu điện ở xã phường. Thời gian đóng có thể 1 tháng/lần, 3 tháng hoặc 6 tháng/lần theo mức phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, theo chị Mai, hiện nay vẫn không có nhiều chị em lao động di cư tham gia các loại hình bảo hiểm này; bởi nhiều chị em không chủ động và chưa hiểu hết lợi ích khi tham gia.

lao-dong-nu-di-cu-tham-gia-bhyt-bhxh-tu-nguyen.JPG
Buổi tập huấn về an sinh xã hội cho nhóm nòng cốt là lao động giúp việc gia đình tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội)
 

Theo Hội LHPN Hà Nội, những năm qua, các cấp Hội trên địa bàn Thủ đô đã thành lập được 15 câu lạc bộ dành cho người giúp việc gia đình trên địa bàn 14 phường thu hút gần 500 phụ nữ giúp việc gia đình tham gia. Đặc biệt, với những phụ nữ xa quê, trình độ nhận thức còn hạn chế, làm nghề giúp việc gia đình rất cần thiết được nâng cao nhận thức về các quyền lợi của mình thông qua việc ký kết hợp đồng lao động, các vấn đề BHXH tự nguyện, BHYT. 

TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc GFCD, cho biết: Trong số lao động di cư, phụ nữ chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng. Cụ thể, có 42% lao động nữ di cư từ nông thông ra thành phố năm 1989, đã nâng lên tới 54% vào năm 2013. Họ có độ tuổi khá trẻ, là 23 tuổi và đa số có gia đình. Điều đáng lưu ý, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp, trên 90% không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào.

Theo bà Ngọc Anh, lao động nữ di cư phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống khi phải tách ra khỏi gia đình, xóm giềng ở quê. Cư ngụ tại thành phố, họ phải chịu mức phí sinh hoạt cao, môi trường sống không đảm bảo an ninh, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo; có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn bán người, bóc lột sức lao động, nạn nhân của bạo lực, xâm hại…

Vì vậy, lao động nữ di cư ít được tiếp cận dịch vụ xã hội, chưa được hỗ trợ và thiếu cơ hội tiếp cận đầy đủ về các chính sách an sinh xã hội. Theo thống kê, có 90% lao động khó tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và chính sách công tại nơi đến. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm