Chàng trai "trông như nghiện" cưới được vợ "người mẫu", mỗi tháng đều dành vài trăm nghìn để làm việc thiện

Dáng gầy gò, người đen đúa, răng xỉn vàng, môi thâm thâm và lúc nào cũng kè kè cái mũ lưỡi trai trên đầu..., nhiều năm qua, không chỉ người làng mà cả người trong họ cũng nghĩ anh Trần Đình Huy (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là nghiện, thậm chí có lần anh suýt ăn đòn nhừ xương vì bị hiểu nhầm là... kẻ cắp.

Tuy vậy, ẩn sau dáng vẻ bề ngoài đấy, anh Huy lại có một tấm lòng "tốt gỗ" - biết yêu thương và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình; để rồi cảm động trước vẻ đẹp bên trong ấy, cô gái trẻ cùng xã có dáng như "người mẫu" đã đồng ý làm vợ anh.

Tuổi thơ khốn khó và câu chuyện tình lay động bố mẹ nàng

Anh Huy sinh ra trong một gia đình nhà nông có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Phù Đổng 3 (xã Phù Đổng). Nhớ những ngày cách đây hơn 20 năm trước, mỗi khi cơn mưa đổ xuống thì nhà anh lại lõm bõm nước vì dột nát và phải dùng thau tát nước ra sân. Chỉ đến khi bố mẹ anh vay lãi để xây nhà thì cảnh sống đó mới chấm dứt nhưng gia đình lại lâm vào cảnh nợ lần mà mãi cho tới khi Huy và em trai trưởng thành mới trả hết.

Chàng trai "trông như nghiện" cưới được vợ "người mẫu" và lặng lẽ giúp người - Ảnh 1.

Những ngày đó, anh Huy tuy cũng gầy, da cũng đen nhưng chưa đến nỗi đen đúa như bây giờ. Anh Huy kể, thuở bé anh bị suy tim và viêm cơ, về sau tuy được chữa khỏi nhưng thể trạng của anh vẫn luôn thua kém các bạn cùng trang lứa. Lớn lên, tuy có thể lao động để kiếm sống được nhưng anh vẫn không thể nào so bì với những người khỏe mạnh khác.

Năm 2004, mẹ anh Huy không may bị ngã dẫn tới đau đầu. Thời đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chưa có công nghệ chụp CT, anh Huy phải đưa mẹ lên Bệnh viện Việt Đức. Lúc này, khổ nỗi bán cả xe rau mới được 7.000-8.000 đồng, lấy đâu ra chi phí 2 triệu đồng để đưa mẹ đi khám bệnh. Trong cảnh túng quẫn ấy, anh Huy đi vay mượn vài người gần nhà nhưng vì thấy nhà anh nghèo, nên ai khi được hỏi cũng lắc đầu vì biết rằng gia đình anh sẽ không trả nổi. Sau đó, khi  Huy mở lời với một người cậu về đằng mẹ thì được người họ hàng này giúp, "Có lẽ đến cuối đời tôi cũng không thể quên được lòng tốt của cậu, vì đã giúp đỡ và tin tưởng gia đình tôi trong thời khắc đầy bế tắc ấy", anh Huy tâm sự.

Vào khoảng thời gian này xóm 3 (nay là thôn Phù Đổng 3) xuất hiện nhiều nghiện ngập và nhiều người tầm tuổi với anh Huy khi ấy đều nghịch ngợm, ăn chơi, đánh nhau - đưa xóm 3 trở thành một trong những địa phương "đứng đầu" toàn xã về tệ nạn xã hội. Do gia đình thường trú trong khu vực này, cộng với vẻ ngoài giống với biểu hiện của một người nghiện (gầy gò, môi thâm, da đen, răng xỉn vàng….) nên mỗi khi sang khu vực khác, hoặc giao tiếp mọi người, anh Huy thường bị người khác hiểu nhầm là nghiện ngập, nghi hoặc và muốn xa lánh anh.

Đỉnh điểm trong một lần Huy đến thăm nhà bạn gái ở xóm Chợ (nay thuộc thôn Phù Đổng 2), khi đấy anh đang là sinh viên trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị Hà Nội (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm), chuyên ngành Cấp thoát nước. Thấy Huy đi vào, một người hàng xóm bên cạnh nhà bố mẹ vợ anh bây giờ nghi ngại anh là nghiện ngập, cho nên sau khi anh về, người này có sang nói với bố mẹ cô gái là phải cấm con gái không được giao du với anh, nếu không nghe thì con gái sẽ phải khổ một đời. Nghe lời "láng giềng gần", bố mẹ cô cấm con gái không được tiếp xúc với Huy, song cô gái khi đó không vì định kiến của cha mẹ mà ngừng đến với anh.

Chia sẻ về những ngày tháng đó, chị Trang (30 tuổi), vợ anh Huy, cho biết, khi chị vào học lớp 10, anh Huy vừa tốt nghiệp cấp 12 và đang học cao đẳng. Trong thời gian này, ngoài một người anh khóa trên có kèm chị Toán - Lý, thì anh Huy có nhận kèm cho chị môn Hóa. "Khi mới tiếp xúc, ngoài việc giảng bài, anh ấy chẳng nói chuyện gì, lại còn có cái tính cả thẹn. Nhưng khi tiếp xúc lâu rồi, tôi dần cảm nhận được nội tâm của anh ấy đẹp hơn bề ngoài rất nhiều và yêu anh ấy từ lúc nào không hay", chị Trang bồi hồi nhớ lại.

Tướng như ‘nghiện’, chàng trai cưới được vợ ‘người mẫu’ và biết lặng lẽ giúp người  - Ảnh 2.


Tình yêu của chị với anh cứ êm đềm chảy như thế và lớn dần lên bên dòng Đuống hiền hòa. Năm 2012, sau 7 năm yêu nhau và đi cùng nhau qua biết bao định kiến, anh chị đã về chung một nhà. Hiện giờ, anh chị đã có 2 con nhỏ - cháu đầu đang học lớp một, cháu thứ hai đang học mẫu giáo nhỡ, chị Trang đang mang bầu được 7 tháng đứa con thứ 3.

Về phía bố mẹ vợ, khi có nhiều thời gian tiếp xúc với anh hơn, họ lại càng thêm hiểu và thêm yêu quý chàng rể có dáng vẻ bề ngoài "trông như nghiện" ấy. Các cụ cảm động và đã truyền cho anh nghề trồng hoa giấy, cũng nhờ nghề này mà hiện nay anh đã bén duyên thêm với công việc cắt tỉa cây xanh cho một công ty môi trường trên địa bàn huyện. Với đồng lương công nhân của anh và đồng lương kế toán của chị, sau nhiều năm gian khổ, anh chị đã gây dựng được căn nhà 3 tầng khang trang.

Tướng như ‘nghiện’, chàng trai cưới được vợ ‘người mẫu’ và biết lặng lẽ giúp người  - Ảnh 3.

Gia đình nhỏ của anh Huy - chị Trang

Suýt bị "oánh nhừ xương" vì... giúp người

Tuy với đồng lương công nhân ít ỏi - mỗi tháng chỉ được khoảng 4 triệu đồng nhưng đã nhiều năm nay, anh Huy vẫn thường có thói quen dành từ 200.000 - 300.000 đồng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình. Thậm chí có khi, anh không chỉ góp tiền mà còn góp sức mang quần áo lên huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) tặng trẻ em vùng cao. Đường xá khó khăn nên có lúc anh và cả đoàn phải vác bộ gần 10km mới có thể tới được điểm phân phát.

Một lần anh Huy tới đường Gia Thượng (quận Long Biên) để trao số tiền 27 triệu đồng cho một hoàn cảnh bị ung thư não, vừa bị tai nạn ngã gãy bả vai nhưng không bắt đền người gây nạn. Do con đường vào nhà người này nhỏ hẹp, hơn nữa trên đường lại đang có đám giỗ, nên anh Huy và người bạn đi cùng đã để xe máy ở một khoảnh đất trống gần đó rồi đi bộ vào.  

Tướng như ‘nghiện’, chàng trai cưới được vợ ‘người mẫu’ và biết lặng lẽ giúp người  - Ảnh 4.

Anh Huy đại diện những nhà hảo tâm trao cho người thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

Trao xong, lúc đi ra để lấy xe, khi đó người đến ăn giỗ đông, xe để cùng chỗ với xe anh Huy rất nhiều, thấy anh và bạn đang lảng vảng ở đó, họ tưởng 2 anh đang có ý định ăn trộm xe, nên hàng chục người đàn ông từ trong nhà lao ra với vẻ mặt đỏ bừng, chẳng hỏi chẳng rằng đã sẵn sàng "oánh hội đồng" các anh một trận.

"Một thằng nhìn mắt rất sắc, tạng người hơi béo, tóc thì cụt, trông có vẻ du côn, nhìn nghiêng ngửa, cắm cái gì đó vào ổ khoá cái xe máy, không đầy 3 giây đèn mo bật sáng. Thằng còn lại đen thui gầy gò, môi thâm như nghiện, đội mũ vải che nửa mặt, đứng đầu ngõ hình như giả vờ nghe điện thoại để cảnh giới.

Nhanh như chớp, một thanh niên tướng mạo phi phàm vỗ vai hỏi thằng mở khoá xe máy:

- Mày vào đây làm trò gì đấy?

- Bọn em vào trao quà từ thiện cho một cậu bé bị ung thư, tai nạn gãy vai, không còn bố mẹ nhà cửa, trọ mấy năm rồi, ở cuối ngõ này!

- Ở đây không có ai làm sao cả, làm gì có ai như thế, đừng bịa chuyện, muốn chết không, từng này người thì bọn mày ra bã!

Một anh thanh niên quát to:

- Kể ra tụi mày giỏi thật, chui vào tận đây, không may cho bọn mày là ngõ cụt chạy đằng trời.

Thằng đen như nghiện tay vẫn cầm điện thoại nghe như không nghe thấy chuyện gì! Một bàn tay vạm vỡ định vồ lấy thằng tóc ngắn, bất ngờ bị hắn gạt phắt chơi vơi suýt ngã. Cả đám thanh niên định nhao lên. Thấy vậy, thằng béo gằn lên như rít từng tiếng:

- Chúng mày có thể gọi công an, chứ đừng hòng động vào người tao, kiểm tra kỹ những thứ tao nói, hoặc là chúng mày vô tình không cần biết ai sắp chết cuối ngõ đi chăng nữa nhưng tao nói là thực. Việc thứ 2, có thể hỏi tất cả đám cỗ giỗ họ này, có ai có xe như thế này không, xe này là của tao, ngõ nhỏ tao phải mang đồ vào, đường này không phải nhà chúng mày, tao buộc phải để ở đây vì không đi được nữa. Tao vào hơi lâu, nên những người đi sau để cùng vào chứ không phải tao lấy. Tao nhắc lại câu nữa, thằng nào động tới tao thì ăn đòn!

Cả bọn sững lại, có vẻ ăn cướp lại la làng. Một bác lớn bảo cứ thử làm theo lời hắn xem sao, người xuống cuối ngõ hỏi xem có người bệnh như vậy không, người vào trong đám giỗ họ hỏi có ai mất xe không. Cuối cùng thì số người bỏ cả mâm cỗ nhao ra đông hơn. Phen này, 2 thằng du côn chết chắc, chuyến giang bạt kỳ hồ có lẽ tạm dừng nơi ngõ cụt này. Một ông có vẻ như trưởng họ ôn tồn nói:

- Xin lỗi hai anh, chúng tôi có vẻ như đã cảnh giác quá và cũng đã vô tâm với người đang hiểm nghèo nơi cuối ngõ. Xin hai anh thông cảm cho.

Hai gã leo lên xe, rồ ga vút đi, để lại một vệt khói ngoằn ngoèo trong ngõ sâu hun hút, giữa buổi trưa vàng vọt nắng nóng gần 40 độ C. Hai thằng đó, có một thằng chính là Người Nhà Quê, một thằng là Nhà vườn Huy Trang, đại diện cho Hội chăm sóc và trao đổi kinh nghiệm trồng lan, tặng món quà đấu giá 27 triệu cho một người không còn nơi bấu víu với hoàn cảnh ngặt nghèo".

Anh Nguyễn Ngọc Dũng (41 tuổi, xã Phù Đổng), nguyên Phó trưởng Công an xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), hiện là giảng viên Đại học Phương Đông, người đi cùng anh Huy hôm đó, kể lại.

Lắng nghe câu chuyện trên, ngay cả người viết bài này cũng không tránh khỏi mấy lần máu dồn lên não. Vậy mà, khi được hỏi về cảm giác lúc đó ra sao, anh Huy chỉ mỉm cười: "Mình bị người ta hiểu lầm nhiều lần như vậy nên cũng quen rồi. Lúc ấy, mình chỉ tự nhủ, ai nghĩ thế nào thì kệ họ, cứ sống đúng với bản chất của mình là được. Cuộc sống này vốn ngắn ngủi, nên dù có khó khăn thế nào thì hãy cứ mỉm cười mà sống".

Tướng như ‘nghiện’, chàng trai cưới được vợ ‘người mẫu’ và biết lặng lẽ giúp người  - Ảnh 6.

Ngay cả với anh Dũng, tuy anh Huy có quan hệ họ hàng đằng vợ nhưng  ban đầu anh Dũng cũng không nghĩ rằng với dáng vẻ bề ngoài và sống ở môi trường như vậy thì anh Huy có thể là người tốt được. "Trước khi anh em quen thân nhau, mỗi lần nhìn thấy Huy, lúc nào tôi cũng có tinh thần cảnh giác - "Chơi với nó làm gì, nhỡ đâu nó ăn trộm xe mình thì sao?", anh Dũng chia sẻ.

Tướng như ‘nghiện’, chàng trai cưới được vợ ‘người mẫu’ và biết lặng lẽ giúp người  - Ảnh 7.

Tuy nhiên từ khi làm công an xã, Phó trưởng Công an xã giai đoạn 2015-2018 và được phân công nắm về vấn đề nhân khẩu, anh Dũng mới dần hiểu thêm về con người của anh Huy, "Tôi có hỏi nhiều hội nhóm từ thiện trên địa bàn, ai cũng nói Huy đều tham gia, cậu ấy luôn đóng góp âm thầm và không muốn ai biết về việc làm của mình".

Công việc của anh Huy trong các nhóm tình nguyện chủ yếu là thẩm định gia cảnh của người cần ủng hộ. Ngoài ra, anh Huy còn được phân công tổ chức những phiên đấu giá hoa lan, số tiền đấu giá này có khi lên tới vài trăm triệu đồng và được dùng để ủng hộ những bệnh nhân nghèo, không có khả năng chi trả viện phí, tiếp tục tiến hành phẫu thuật ở Bệnh viện K.

Những ngày này, khi mà cái nắng ngày càng gay gắt, anh Huy vẫn tiếp tục công việc cắt tỉa cây của mình ở những cung đường, con phố trên địa bàn huyện Gia Lâm. Có lẽ, da của anh cũng vì thế mà sạm đi, có thể đến một lúc nào đó không đen thêm được nữa. Nhưng ẩn sau "cái tướng như nghiện" ấy là một tấm lòng vị tha.

Bài: Trường Hùng

Ảnh: Trường Hùng, NVCC