Chiêu trò của người phụ nữ giả làm cán bộ để lừa 3,4 tỉ đồng

Nguyên Đình
09/10/2020 - 15:47
Chiêu trò của người phụ nữ giả làm cán bộ để lừa 3,4 tỉ đồng

Bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên tại tòa

Mạc Thị Lệ Quyên (SN 1984, quê huyện Kỳ Sơn, sống tại xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An) "nổ" mình đang làm việc ở Sở Nội vụ Nghệ An có thể xin việc làm ở các bệnh viện, trường học. Nghe theo lời Quyên hứa hẹn, 20 bị hại tin tưởng nộp hàng tỷ đồng cho "nữ quái" để xin việc...

Mắc bẫy cán bộ "dởm"

Quyên bị tàn tật, hiện đang được hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Không có nghề nghiệp ổn định, Quyên tự xưng là cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An nên quen biết nhiều lãnh đạo cấp tỉnh. Quyên còn khẳng định quen biết lãnh đạo các Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An nên có thể xin việc làm và biên chế tại các bệnh viện, trường học, một số cơ quan, đơn vị khác. Mục đích của người đàn bà này là chiếm đoạt tiền của người khác để tiêu xài cá nhân.

Tin lời Quyên, 20 người dân (chủ yếu sinh sống ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An) đã gửi hồ sơ và tiền cho người phụ nữ này nhờ "chạy việc". Để bị hại tin tưởng, Quyên hứa hẹn thời gian hoàn tất công việc, thời điểm nhận quyết định tuyển dụng, thông báo tiếp nhận để đi làm.

Trong các bị hại có chị Hoàng Ly L., tốt nghiệp Cao đẳng Y năm 2018 nhưng chưa có việc làm. Thông qua người quen, L. biết Quyên có khả năng "chạy việc" nên nhờ giúp và được nhận lời. Quyên ra chi phí hết 270 triệu đồng. Khoảng tháng 4/2018, Quyên nhiều lần thúc ép người quen của gia đình chị L. đưa tiền để lo "chạy việc". Gia đình chị L. đã đưa số tiền 100 triệu đồng qua một người trung gian để đưa đến cho Quyên. Một tháng sau, lấy lý do để L. nhanh có quyết định đi làm, Quyên thúc ép gia đình đưa thêm 160 triệu đồng. Để gia đình này tin tưởng mình có hoạt động xin việc, Quyên nói bắt buộc chị L. phải học việc 3 tháng tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, sau khi xong học việc sẽ có quyết định đi làm.

Một tháng sau, lấy lý do thúc đẩy nhanh công việc, hay phát sinh nhiều vấn đề nên Quyên yêu cầu gia đình chị L. đưa thêm tiền. Như vậy, tổng số tiền mà Quyên lấy của gia đình chị L. là 280 triệu đồng và đã sử dụng vào mục đích cá nhân. Để tránh bị phát hiện hành vi lừa đảo, Quyên nhờ người quen xin cho L. vào học việc ở Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An. Đồng thời lên mạng truy cập vào internet tìm mẫu quyết định có con dấu, chữ ký của Bệnh viện Sản - Nhi rồi đánh quyết định tuyển dụng cho chị L. Sau đó, Quyên ghép quyết định này vào chữ ký, con dấu của Bệnh viện Sản - Nhi trên rồi photocopy đưa cho người quen của chị L. Tuy nhiên, khi được yêu cầu đưa quyết định gốc thì Quyên lần lữa, từ chối.

Cũng tin lời Quyên có thể xin việc và vào biên chế, chị Vi Thị D. đặt vấn đề nhờ Quyên giúp cho con gái vào biên chế giáo dục huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Quyên ra giá 160 triệu với cam kết 2 tháng sau con gái chị D. sẽ nhận được quyết định biên chế vào một trường học trên địa bàn huyện.

Nhiều lần thúc giục, hơn 1 năm sau, chị D. được Quyên đưa cho một thông báo tiếp nhận kèm danh sách bổ sung các trường hợp về giảng dạy tại Quỳ Châu của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có tên con gái. Tuy nhiên, khi con gái chị D. đến trường học kia để nhận công tác thì mới ngã ngửa khi nhà trường thông báo không nhận được bất kỳ quyết định nào của cơ quan chức năng về tiếp nhận giáo viên có tên như trên.

Biết bị lừa, chị D. đến nhà Quyên hỏi cho ra lẽ, lúc này Quyên mới thừa nhận không có khả năng xin việc cho con gái chị. Thông báo tiếp nhận và danh sách bổ sung mà Quyên đưa cho chị D. là do người phụ nữ này tìm kiếm trên mạng, ghép tên con gái chị này chèn vào danh sách đã được cắt ghép chữ ký lãnh đạo và con dấu Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Sau nhiều lần đòi lại số tiền đã đưa, chị D. chỉ nhận được 60 triệu đồng.

Trả giá

TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Mạc Thị Lệ Quyên về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Với thủ đoạn trên, Mạc Thị Lệ Quyên đã lừa đảo, chiếm đoạt của 20 bị hại với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Trong đó bị hại bị lừa ít tiền nhất là 60 triệu đồng, người nhiều nhất 330 triệu đồng. Tất cả số tiền lừa đảo, chiếm đoạt được, Quyên đã tiêu xài mục đích cá nhân. Một số bị hại yêu cầu bị cáo phải nói rõ khoản tiền đó đã tiêu vào việc gì nhưng Quyên không trả lời. Tại phiên tòa, bị cáo cũng thừa nhận không làm việc ở Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, Quyên khai nhận bản thân không có nghề nghiệp ổn định nhưng tự "nổ" là cán bộ Sở Nội vụ, quen biết rộng nhằm lừa đảo những người có nhu cầu xin việc làm.

Những người tìm đến Quyên chạy việc chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn. Con ra trường, không có công việc ổn định nên vay mượn tiền để nhờ Quyên "chạy" việc. Các bị hại yêu cầu bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt và yêu cầu Hội đồng xét xử xử nghiêm minh, đúng với quy định của pháp luật.

Do tàn tật nên Quyên được tại ngoại. Đến tòa phải nhờ người khác giúp đỡ, khiêng vào, không ai nghĩ người đàn bà đó lại là kẻ lừa đảo rất nhiều người. Với tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, Mạc Thị Lệ Quyên bị tòa tuyên phạt 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buộc phải hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho các nạn nhân. Hành vi sử dụng con dấu, chữ ký của cơ quan chức năng chèn vào các thông báo tiếp nhận, quyết định tuyển dụng, danh sách... của Quyên là nhằm làm cho bị hại tin tưởng để giao tiền. Do vậy, không có căn cứ xử lý Mạc Thị Lệ Quyên về tội "Sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức".

Qua phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng khuyến cáo người dân cần cẩn thận trong quá trình tìm việc làm. Đừng nghe theo những lời dụ dỗ của các đối tượng lừa đảo "chạy việc" để rồi tiền mất mà vẫn thất nghiệp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm