Chương trình mục tiêu Quốc gia: Giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em

HH
28/05/2020 - 09:56
Chương trình mục tiêu Quốc gia: Giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em
Tại phiên họp Quốc hội sáng nay (28/5), trong 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội đồng Dân tộc cho rằng: Riêng Dự án 8, về xây dựng, thiết kế nội dung và dự kiến mục tiêu và nguồn lực còn dàn trải, chưa xác định được "vấn đề giới" cần giải quyết, gần như không có sự khác biệt giữa mục tiêu và nội dung hoạt động chủ yếu.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng nay 28/5, Quốc hội xem xét tờ trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết: Hiện nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; cải thiện đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS...

Đặc biệt, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đảm bảo hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia.

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 14.118.232 người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới.

Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu Quốc gia này đến năm 2025, cụ thể như:

- Cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tạo sinh kế giải quyết những vấn đề bức thiết của nhóm dân tộc rất ít người và dân tộc còn nhiều khó khăn đối với hơn 16.100 hộ; hỗ trợ tạo mô hình sinh kế, ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở 382 xã biên giới đất liền; góp phần tăng thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số trên 2 lần so với 2020;

- Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hàng năm trên 3%; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020;

Chương trình mục tiêu Quốc gia: Giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến

- 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại thuận tiện bốn mùa; nhựa hóa, bê tông hóa hơn 2.600km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở 1.400 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và 8.000 thôn đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết nước sinh hoạt cho hơn 217.600 hộ; xây dựng 800 công trình nước sinh hoạt tập trung. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học ở 316 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, 1.097 trường Phổ thông Dân tộc bán trú; 6 cơ sở dự bị đại học và đại học, 3 trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú khu vực;

- Sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 12.000 hộ dân tộc thiểu số chưa được ổn định thuộc diện di cư tự phát; định canh, định cư bền vững cho hơn 1.300 hộ dân tộc thiểu số; bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và khu vực nguy cơ cao về thiên tai cho hơn 51.200 hộ. Giải quyết nhu cầu cấp thiết của hộ dân tộc thiểu số, trong đó:

+ Giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ;

+ Giải quyết nhà ở cho hơn 16.700 hộ;

+ Giải quyết sinh kế cho hơn 227.600 hộ;

- Hỗ trợ, tạo điều kiện ăn trưa cho hơn 1,26 triệu em học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn học tập; thực hiện chương trình "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường" cho hơn 5.000 em học sinh dân tộc thiểu số khó khăn/năm;

- Phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế cho tối thiểu 4.200 phụ nữ trong thai kỳ và sinh con; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

- Dạy nghề cho hơn 3 triệu người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hơn 4 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn;

- Tổ chức khoảng 320 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ hơn 200 dự án sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; xây dựng khoảng 800 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư xây dựng hơn 80 điểm văn hóa gắn với du lịch tiêu biểu đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư 7 lò hỏa táng quy mô nhỏ, phù hợp với văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc Khmer;

- Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho khoảng 30.000 cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho hơn 60.000 người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở; bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 224.900 cán bộ, công chức, viên chức.

Một số chỉ tiêu nhánh của các chỉ tiêu chính đã được thể hiện chi tiết trong Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình.

Chương trình Mục tiêu quốc gia cũng đề ra định hướng đến 2030; trong đó mục tiêu: Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới...

Chương trình mục tiêu quốc gia này có 10 Dự án thành phần, giải quyết các vấn đề như thiếu đất, nhà ở, đất sản xuất; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; Phát triển giáo dục đào tạo... Trong đó, đáng chú ý là Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Chương trình mục tiêu Quốc gia: Giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến

Tổng mức vốn và cơ cấu nguồn lực thực hiện Chương trình

- Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025: tối thiểu 137.664,95 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách Trung ương tối thiểu là 104.954,01 tỷ đồng.

Ngân sách địa phương là 10.016,72 tỷ đồng;

Vốn tín dụng chính sách: 19.727,02 tỷ đồng;

Vốn huy động hợp pháp khác: 2.967,20 tỷ đồng;

- Tổng vốn thực hiện giai đoạn 2026-2030: dự kiến 134.270,70 tỷ đồng.

Thẩm tra Báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng: Chương trình mục tiêu quốc gia cần đầu tư trọng tâm hơn, tập trung vào 5 nhiệm vụ cơ bản như: Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Sắp xếp, bố trí dân cư vùng sạt lở nguy hiểm; Phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế; Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, cơ bản; Quan tâm đúng mức giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm