Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống nông dân, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Trong đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là bước phát triển mới, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập bền vững thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Ngày 01/8/20222, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 919/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình OCOP), trong đó nêu rõ các quan điểm của Chính phủ trong thực hiện Chương trình OCOP: Là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Từ năm 2018 đến nay, chương trình OCOP được triển khai rộng khắp nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở phát huy nội lực và lợi thế đặc thù từng địa phương. OCOP không chỉ đơn thuần là thương hiệu mà là một mô hình phát triển tổng thể, tích hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, tập trung vào nâng cao năng lực, kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường cho sản phẩm nông thôn.
Thực tiễn cho thấy, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh sản xuất và phát triển các làng nghề truyền thống của từng địa phương. Từ đó, nâng cao giá trị nông sản, tăng nguồn thu nhập cho người dân nông thôn.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh sản xuất và phát triển các làng nghề truyền thống của từng địa phương.
Những năm gần đây, nhiều địa phương trên cả nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hướng tới xây dựng các sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Điều này đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Đồng thời khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến tháng 7/2025, cả nước đã có 17.068 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, của 9.195 chủ thể OCOP. Trong đó có 126 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu hướng đến những thị trường khó tính, có giá trị cao. Sản phẩm OCOP đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.
Ông Bùi Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết với lợi thế, tiềm năng đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hoá đặc trưng,… Việt Nam không chỉ thành công về xuất khẩu nông sản thế mạnh, mà còn là quốc gia có nhiều sản phẩm đặc sản, sản vật làng nghề truyền thống, mang giá trị văn hóa địa phương. Các sản phẩm OCOP chính là minh chứng rõ nét nhất, thể hiện tinh hoa văn hóa Việt Nam qua từng câu chuyện sản phẩm.
Đến nay đã có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao vươn ra thị trường thế giới. Kết quả khảo sát và thử nghiệm của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương trong thời gian qua cho thấy nhu cầu của thị trường quốc tế đối với sản phẩm OCOP là rất lớn và nhiều tiềm năng, nhất là từ cộng đồng người Việt Nam ở các nước châu Âu, Mỹ...
Đã có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao vươn ra thị trường thế giới.
Theo ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng ước tính có hàng nghìn trên tổng số 17.038 sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu. Bởi toàn bộ 126 sản phẩm 5 sao và gần 300 sản phẩm tiềm năng 5 sao đều có hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra ở nhiều địa phương, sản phẩm OCOP 4 sao, 3 sao cũng có hoạt động xuất khẩu.
Nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như miến dong Tài Hoan (Bắc Kạn), cà phê Bích Thao (Sơn La), đường thốt nốt Palmania (An Giang), gạo ST24 (Sóc Trăng), gạo đặc sản Thiên Vương (An Giang), chè hữu cơ Bản Liền (Lào Cai), miến dong Việt Cường (Thái Nguyên), mắm tôm Lê Gia (Thanh Hóa), Ladoactiso cao ống (Lâm Đồng), cà phê rang xay Darmark (Kon Tum), muối NADISALT (Nam Định)… đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Đan Mạch, Séc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Quan trọng hơn, các sản phẩm OCOP đều gia tăng giá trị, giúp chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và tăng doanh thu, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư và xã hội.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hơn 60% chủ thể OCOP ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu bình quân 18% mỗi năm. Sự phát triển này không chỉ tạo ra hàng triệu việc làm mà còn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống cho người dân nông thôn, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Chương trình OCOP góp phần việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống cho người dân nông thôn
Để phát triển sản phẩm nông sản và khôi phục các làng nghề truyền thống, hướng đến xây dựng các sản phẩm nông sản và sản phẩm làng nghề trở thành sản phẩm OCOP, các tỉnh đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ như đầu tư hạ tầng, đào tạo nâng cao tay nghề, quảng bá thương hiệu gắn với kinh doanh du lịch… Nhờ đó, các tuyến đường giao thông dẫn vào các làng nghề, hệ thống điện, nước được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
Qua triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả như: tổ chức các hội chợ, triển lãm; vận động, khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia triển lãm tại các tỉnh, thành phố. Hỗ trợ phát triển các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP..., góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP của tỉnh trên thị trường.
Các làng nghề truyền thống được khôi phục
Thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã góp phần tạo việc làm cho nhiều người lao động, đặc biệt là lao động nữ, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Khích lệ các chủ thể nữ sản xuất tham gia chương trình OCOP
Phụ nữ Việt Nam đã và đang đóng một vai trò không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn.
Theo số liệu được công bố tại Diễn đàn "Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp" (tổ chức vào tháng 8/2024 tại Hà Nội), tại các khu vực nông thôn, có khoảng 80% phụ nữ tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, khoảng 25% phụ nữ tham gia quản lý các hợp tác xã nông nghiệp; 39% chủ thể OCOP là nữ. Đặc biệt, ở những vùng khó khăn, tỷ lệ phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo và quản lý các hợp tác xã, chủ thể OCOP càng phổ biến hơn.
Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển sản phẩm OCOP, Hội LHPN các cấp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, động viên, khích lệ được nhiều cán bộ, hội viên tham gia và thành công từ Chương trình OCOP, qua đó khẳng định sự nỗ lực, "bứt phá" của chị em trên con đường làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (thứ 2 từ phải sang) tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của hội viên, phụ nữ tại Hội chợ OCOP
Tiểu biểu có thể kể đến như: Tổ chức các Hội chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP; Diễn đàn "Vai trò của phụ nữ đối với việc lưu giữ giá trị văn hóa và phát huy tài nguyên bản địa trong phát triển sản phẩm OCOP"; hỗ trợ thành lập các cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ…; kết nối để hội viên phụ nữ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các hội nghị, hội chợ thương mại… Với OCOP, mỗi một sản phẩm do chủ thể nữ tạo ra đều mang một thông điệp sâu sắc, được gắn với vai trò như một "đại sứ" chuyển tải những giá trị văn hóa của vùng miền.
Ở Việt Nam, Chương trình OCOP đã được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 có nhiều chính sách nhằm khuyến khích các chủ thể sản xuất kinh doanh ở nông thôn khởi nghiệp sáng tạo, khai thác tiềm năng, chú trọng phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương phát biểu tại Diễn đàn "Vai trò của phụ nữ đối với việc lưu giữ giá trị văn hóa và phát huy tài nguyên bản địa trong phát triển sản phẩm OCOP"
Với sự lớn mại của chương trình OCOP, ngày càng có nhiều điển hình nữ lãnh đạo các hợp tác xã, doanh nghiệp được đào tạo, trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức, với tinh thần mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ tài nguyên bản địa quê hương, thực hiện tốt phương châm "ly nông bất ly hương", góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Chương trình OCOP đã và đang từng bước góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn và được xem là đòn bẩy phát triển kinh tế quan trọng, gắn với chương trình nông thôn mới ở các địa phương.