Chương trình PT mới: Giảm thuộc lòng, tăng trải nghiệm

16/01/2018 - 10:55
Dự thảo chương trình các môn học phổ thông mới từ lớp 1 đến 12 vừa công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong tháng 1/2018. Một số môn học chủ chốt thay đổi theo chiều hướng giảm tải kiến thức và tăng ứng dụng, trải nghiệm.

Văn, Toán: Đổi mới đáng kể

Với toán và ngữ văn – hai môn học được “soi” nhiều nhất cho đến thời điểm hiện tại, đã thể hiện sự đổi mới đáng kể theo chương trình phổ thông mới. Theo đó, với môn Ngữ văn, sẽ dựa vào các phẩm chất và năng lực cần có của người học, để lựa chọn nội dung dạy học. Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào 4 kỹ năng lớn: Đọc, viết, nói và nghe.

Với sự thay đổi này, chương trình THPT sẽ chỉ gói gọn trong 6 tác phẩm văn học mang tính bắt buộc. Điều này nhằm tránh tình trạng học thuộc lòng văn mẫu như từ trước đến nay. Dạy học theo hướng tiếp cận kiến thức mở này cũng được cho là thúc đẩy sự sáng tạo và cá tính của người học đối với môn học này.

Chương trình phổ thông mới nhận được sự quan tâm của dư luận vì sự thay đổi đáng kể trong mục tiêu xây dựng môn học. Ảnh minh họa
 

Nhiệm vụ của giáo viên Ngữ văn là tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh, hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ học sinh để các em từng bước hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực mà chương trình giáo dục mong đợi.

Cũng theo dự thảo, giáo viên cần khơi gợi, vận dụng kinh nghiệm và vốn hiểu biết đã có của học sinh về vấn đề đang học, từ đó tổ chức cho các em tìm hiểu, khám phá để tự mình bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện những hiểu biết ấy. Giáo viên cũng cần khuyến khích học sinh trao đổi và tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói và nghe.

Đối với môn toán, mục tiêu của đổi mới môn học là bảo đảm tính tinh giản, thiết thực, hiện đại. Nội dung môn Toán phải phản ánh được những giá trị cốt lõi, nền tảng của văn hóa toán học. Đồng thời chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế hay các môn học khác gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu (như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính...).

Cách tiếp cận giảng dạy môn này cũng thay đổi đáng kể theo hướng dành thời gian thích đáng để thực hiện các hoạt động trải nghiệm toán học cho học sinh như: Thực hiện các đề tài, dự án học tập, đặc biệt là các đề tài và các dự án về ứng dụng toán học trong thực tiễn; tổ chức các trò chơi toán học, câu lạc bộ, diễn đàn...

giáo viên sẽ phải nỗ lực thay đổi rất nhiều trong cách dạy - Ảnh minh họa

Môn Văn- sự thay đổi táo bạo

Nói về đổi mới môn Ngữ văn, cô giáo Huệ Dương (giáo viên THPT ở Huế) cho biết, cô cảm thấy khá hào hứng với dự thảo. Trong đó, cô đặc biệt quan tâm đến việc giảm tải khối lượng kiến thức. Sẽ chỉ có 6 tác phẩm đưa vào chương trình mang tính bắt buộc là bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập. Các tác phẩm văn học khác đưa vào phụ lục.

“Lựa chọn tác phẩm khác nhau để dẫn chứng, minh họa cho bài giảng sẽ thuộc quyền của giáo viên, nhưng cái hay ở chỗ là học sinh hoàn toàn có thể tự lựa chọn tác phẩm mình yêu thích để cùng phân tích, tranh luận. Điều này có thể phát huy được sự sáng tạo của cả người dạy lẫn người học. Đây được xem là một sự thay đổi mang tính táo bạo bởi xưa nay việc dạy học môn Văn thường phụ thuộc khá nhiều vào tài liệu, sách vở” - cô Huệ Dương phân tích.

Tuy nhiên, nữ giáo viên cho rằng, nếu để lựa chọn 6 tác phẩm mang tính bắt buộc như trên, bản thân cô thấy hơi nặng nề khi nhắc đến những tác phẩm như Hịch tướng sĩ, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc… “Nếu có thể chọn những tác phẩm hiện đại khác nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn thấm đẫm lòng yêu nước, sự nhân văn thì cá nhân tôi ủng hộ hơn. Để làm tốt hơn điều này, tôi nghĩ ban soạn thảo nên có một cuộc thăm dò, lấy ý kiến hoặc đưa ra một số tác phẩm để giáo viên chọn lựa và chốt theo số đông”.

Điều cô Huệ Dương băn khoăn chính là môn học đổi mới đồng nghĩa với việc giáo viên sẽ phải nỗ lực thay đổi rất nhiều trong cách dạy. Để làm được điều này, cần chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên. Đổi mới theo hướng của dự thảo rất tích cực, nhưng hiện thực hóa được điều đó đến đâu phụ thuộc không nhỏ vào chính các giáo viên.

Môn Toán- có thể sử dụng trong cuộc sống

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình phổ thông mới, môn toán sẽ được phân theo 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về Toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của Toán học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này, cũng như có đủ năng lực tối thiểu để tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.

“Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm, những học sinh có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ được chọn học một số chuyên đề. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về Toán học, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh”- ông nhấn mạnh.

Về điều này, GS Đỗ Đức Thái- Chủ biên chương trình môn Toán mới, cho biết thêm, môn học sẽ dành thời gian thích đáng để tổ chức các hoạt động trải nghiệm toán học cho học sinh ở từng lớp, giúp các em vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ đã được tích lũy từ giáo dục toán học và kinh nghiệm của bản thân vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn.

Qua đó, học sinh được phát triển năng lực tổ chức và quản lý hoạt động, năng lực tự nhận thức và tích cực hóa bản thân; giúp các em bước đầu xác định được năng lực, sở trường nhằm định hướng và lựa chọn nghề nghiệp. Đây cũng là cách tạo dựng một số năng lực cơ bản cho người lao động tương lai và người công dân có trách nhiệm.

“Học về thống kê, học sinh lớp 6 có thể thu thập nhiệt độ địa phương tại mốc thời gian nhất định trong một tuần lễ; tính trung bình cộng của nhiệt độ, từ đó đưa ra nhận xét về biến đổi thời tiết. Như vậy, học sinh vừa được học về Toán, vừa nắm được kiến thức Địa lý và có ý thức giải quyết vấn đề thực tiễn. Thông qua tiết học, ta có thể dạy về biến đổi khí hậu, để các em có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống...”GS Thái lấy ví dụ.

* Tháng 1/2018, Ban phát triển các chương trình môn học xây dựng xong dự thảo chương trình 19 môn học và hoạt động giáo dục ở các cấp (trừ môn Ngoại ngữ 1 đang được hoàn thiện theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020).

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm