Chuyện đau lòng ở nơi có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất thế giới

09/03/2016 - 07:00
Swaziland (quốc gia ở nam châu phi) là nơi có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất thế giới, ảnh hưởng tới 26% dân số của quốc gia này.

Nokwanda Dlamini xét nghiệm dương tính với HIV khi 14 tuổi. Trước đó, vì bệnh tật và để thuận tiện cho việc học hành, Nokwanda sống với bà ngoại 1 năm tại Siphocosini trong ngôi làng cách Thủ đô Mbabane của Swaziland 20km. Khi nhận được kết quả xét nghiệm của cháu gái, bà ngoại Nokwanda thực sự sốc: “Sao lại như thế? Cháu đã làm gì vậy? Cháu còn quá trẻ để bị bệnh này”.

Nokwanda cũng sốc nhưng cô không dám nói sự thật làm sao mà cô bị nhiễm HIV. Cô đã bị một người chú hãm hiếp. “Tôi cảm giác như mình đã mất hết tất cả” - cô bé thổn thức – “Tôi đã tự hỏi, tại sao lại là tôi?”. Nokwanda cho biết, cô đã nhiều lần bị người chú giở trò đồi bại. Có lần mẹ cô phát hiện ra, bà đã ra tay đánh hắn nhưng không báo cảnh sát. Bà sợ xấu mặt gia đình và thương cho con gái sẽ mất hết tương lai nếu câu chuyện vỡ lở ra.

Câu chuyện của Nokwanda giờ đã trở nên quá quen thuộc ở Swaziland, nơi có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất thế giới, ảnh hưởng tới 26% dân số của quốc gia này. Nhìn chung, số những ca nhiễm HIV mới đang giảm nhưng những phụ nữ trẻ dưới 24 tuổi lại có nguy cơ lây nhiễm cao gấp 3 lần so với nam giới. Điều này xảy ra do nguyên nhân của tình trạng bạo lực tình dục cao ở một xã hội gia trưởng, nơi phụ nữ không thể quyết định sức khỏe cho bản thân mình.

Hiện tại, Nokwanda 21 tuổi đang làm tình nguyện viên mỗi tháng 1 lần cho một tổ chức hỗ trợ trẻ em và trẻ vị thành niên bị nhiệm HIV. “Bà tôi không tin rằng tôi đã bị hãm hiếp” - cô nói - “Cho đến bây giờ, tôi vẫn không chắc rằng bà có tin tôi không”.

 

 Ảnh: AP

Theo một báo cáo của UNICEF, trung bình 1 trong 3 bé gái Swaziland phải chịu đựng bạo lực tình dục trước 18 tuổi. Hleli Luhlanga làm việc cho tổ chức Mạng lưới phụ nữ trẻ Swaziland có trụ sở tại Mbabane nói rằng, bạo lực tình dục bắt nguồn từ văn hóa gia trưởng ăn sâu vào trong tư tưởng người Swaziland, nơi phụ nữ bị xem như “tài sản hay vật sở hữu của đàn ông”.

Những người thuộc nhóm chỉ trích cho hay, hành vi hiếp dâm tại Swaziland là bất hợp pháp và hình phạt cho loại tội phạm này lên đến 15 năm tù giam nhưng trên thực tế, tỷ lệ tội phạm được tha bổng hay tòa xử qua loa lại rất cao. Pháp luật hiện hành của Swaziland đã quá cũ kỹ khi nó có tuổi đời gần 100 năm. Trong khi đó, dự luật “Tội phạm và bạo lực gia đình” (có xác định rõ tội phạm hiếp dâm và quấy rối tình dục) - được ban hành từ năm 2006 nhưng cho đến nay vẫn chưa được thông qua.

Nokwanda nhận được thuốc điều trị HIV miễn phí 2 lần 1 ngày từ phòng khám nơi cô làm tình nguyện viên. Cô đến nhận thuốc kín đáo để không ai có thể nhìn thấy. Những người bị nhiễm HIV vẫn bị kỳ thị tại Swaziland và Nokwanda muốn càng ít người bị về tình trạng của mình càng tốt. Cô cho biết, HIV đã khiến các mối quan hệ của cô thêm phức tạp.

Tỷ lệ nhiễm HIV trên thế giới đã giảm đáng kể từ năm 2010 nhờ sự can thiệp của y học cũng như ngăn chặn thành công tình trạng mẹ truyền sang con. Nhưng tại Swaziland, những phụ nữ dễ bị lây nhiễm HIV lại không có bất kỳ chương trình hỗ trợ nào cho trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Chính phủ chưa đưa ra được những biện pháp đủ để giải quyết vấn đề từ tình trạng nghèo đói và bạo lực giới. Tiếp cận thông tin cũng là một trở ngại lớn khi giáo dục giới tính cho các bé gái tại trường học bị hạn chế.

Theo khảo sát của chương trình Khảo sát tỷ lệ nhiễm HIV tại Swaziland (SHIMS) năm 2011, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm tuổi phụ nữ từ 18 đến 19 là 14% và 31% với nhóm tuổi 20-24, tương ứng chỉ 1% và 7% nam giới ở cùng nhóm tuổi.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, 63% dân số Swaziland sống dưới mức nghèo khổ, với tỷ lệ thất nghiệp ước tính 40%. Nghèo đói dẫn đến sự chênh lệch giới tính lây nhiễm HIV tại quốc gia này vì không được trao quyền kinh tế, phụ nữ trẻ có nhiều khả năng tham gia vào con đường mại dâm.

Theo báo cáo mới nhất của  Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), phụ nữ trẻ thường xuyên và ngày càng nhiều người “đổi tình lấy tiền” với những người đàn ông lớn tuổi hơn mình. Trong khi đó, những người đàn ông lớn tuổi hơn lại có nhiều mối quan hệ bất chính nên HIV lây truyền dễ dàng hơn.

Lindiwe Simelane, điều phối viên khu vực của Mạng lưới những người sống chung với HIV và AIDS nói rằng, rất nhiều bé gái và phụ nữ trẻ trở thành trụ cột gia đình, khi cha mẹ họ bị mất vì HIV. Cô cho biết, nhiều cô gái đã phải bán thân để có tiền để nuôi sống gia đình. Họ sẵn sàng ra ngoài và quan hệ với bất kỳ người đàn ông nào để có tiền.

Trong một bài báo trên tờ Độc lập của Nam Phi xuất bản vào cuối năm 2014 cho biết, Chính phủ Swaziland đang lên kế hoạch thực hiện một chương trình nhằm hỗ trợ tài chính cho các cô gái vị thành niên. Mỗi cô gái sẽ được trợ cấp 20 USD mỗi tháng đủ để trang trải cuộc sống mà không phải bán thân lấy tiền. Ngân hàng Thế giới cũng cam kết đóng góp cho chương trình.

Theo Simelane, những người đàn ông có quan hệ tình dục với các bé gái thường đã kết hôn. Có nhiều bạn tình và hôn nhân đa thê ở nam giới là thực tế phổ biến ở Swaziland dẫn đến tình trạng phụ nữ thường không được trao quyền đủ để bắt các ông chồng và bạn tình của mình sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục.

Mặc dù tỷ lệ sử dụng bao cao su đã tăng trong những năm gần đây song vẫn có đến 94% các ca nhiễm mới xảy ra từ quan hệ tình dục không an toàn. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân là do đàn ông Swaziland thiếu giáo dục về việc sử dụng bao cao su và những giai thoại về bao cao su “chứa những con sâu độc” khá phổ biến tại quốc gia này.

Nokwanda hiện đang chờ kết quả kỳ thi trung học của mình và cô muốn trở thành một y tá. Cô có một người bạn trai không bị nhiễm HIV nhưng hiểu biết về tình trạng sức khỏe của cô. “Thật khó khăn khi phải sống chung với HIV - bạn không bao giờ biết mọi người phản ứng thế nào. Dù khó khăn, chúng ta vẫn phải sống...”, Nokwanda tâm sự.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm