Chuyên gia Bộ Y tế: Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vẫn còn hiện hữu

Linh Trần
21/04/2020 - 20:45
Chuyên gia Bộ Y tế: Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vẫn còn hiện hữu

Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế triển khai tập huấn phòng chống Covid-19 và giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cách phòng chống

"HIện dịch bệnh trên thế giới cũng như ở Việt Nam diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bùng phát vẫn còn hiện hữu. Vì thế, không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết", PGS. Trần Đắc Phu cho biết.

Tối 21/4, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến 18h ngày 21/4, cả nước không ghi nhận ca nhiễm mới. Như vậy, 5 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca bệnh mới.

Theo thống kê, trong tuần qua cả nước chỉ ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc mới. Số mắc mới trong tuần cao nhất được ghi nhận vào ngày 13/4 với 5 trường hợp, 3 ngày sau đó mỗi ngày chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp. Hiện tại, cả nước có 268 trường hợp mắc COVID-19, trong đó, 216 người đã được được chữa khỏi.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết, liên tiếp trong vài ngày qua cả nước không ghi nhận ca nhiễm mới là tín hiệu vui, nhưng không vì thế mà chủ quan. Bởi dịch bệnh diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bùng phát vẫn còn hiện hữu. Vì thế, không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết.

Theo PGS. Trần Đắc Phu, dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Nếu Việt Nam không quản lý hết tất cả 100% các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là những người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở thì vẫn có thể có ca bệnh xâm nhập vào. Trường hợp BN 268 ở Hà Giang là minh chứng rõ nhất.

Chuyên gia Bộ Y tế: Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vẫn còn hiện hữu - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Hơn nữa, có một số trường hợp bệnh không có triệu chứng hoặc rất nhẹ, không vào BV nên ngành y tế không thể kiểm soát được. Như vậy, vẫn có thể tồn tại ca bệnh ở cộng đồng, người này lại tiếp xúc người kia làm lây lan dịch bệnh thành ổ dịch nhỏ. Do đó, việc tự cách ly tại nhà 2 tuần giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng.

PGS. Trần Đắc Phu cũng cho biết, nếu 1 ổ dịch nhỏ thì phong tỏa sẽ kiểm soát được hết. Tuy nhiên, nếu quy mô ổ dịch cả tỉnh, thành thậm chí cả nước thì không thể quản lý hết được. Và chỉ cần bỏ sót một đối tượng thì dịch vẫn có thể bùng lên.

Theo PGS. Trần Đắc Phu, để hạn chế dịch lây lan, tiến tới khống chế dịch bệnh, người dân cần tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch như hiện nay như đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng/dung dịch sát khuẩn thường xuyên; tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m; không tập trung đông người; không đi ra khỏi nhà khi không cần thiết, đặc biệt là người có bệnh nền và người già. Ngoài ra, người dân cần khai báo y tế đầy đủ với cơ quan chức năng.

Ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng, Việt Nam đã thực hiện công tác chống dịch COVID-19 rất hiệu quả. Trong thời gian qua, Việt Nam không chỉ học hỏi và cập nhật kế hoạch ứng phó dịch bệnh COVID-19 trong từng thời điểm mà còn thực hiện xét nghiệm, truy tìm các đối tượng tiếp xúc với người bệnh.

Theo thống kê của WHO, Việt Nam đang là quốc gia có tỉ lệ ca mắc COVID-19 trên tổng dân số thấp thứ 2 của khu vực Tây Thái Bình Dương, với tỉ lệ 3 ca bệnh/1.000.000 dân. Dù vậy, ông Takeshi Kasai cũng  khuyến cáo, Việt Nam nên cẩn trọng xem xét bắt đầu tháo dỡ hạn chế từng bước, chứ không nên là tất cả cùng lúc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm