Chuyên gia BV Nhi TƯ khuyến cáo: Không phải hễ bị cúm là dùng thuốc Tamiflu

Linh Trần
20/12/2019 - 18:40
Chuyên gia BV Nhi TƯ khuyến cáo: Không phải hễ bị cúm là dùng thuốc Tamiflu
"Tamiflu chỉ được chỉ định dùng cho những trường hợp trẻ bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, viêm phổi do cúm A, chứ không phải hễ bị cúm là dùng loại thuốc này", bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm (BV Nhi TƯ) nói.

Những ngày gần đây, tại các BV tuyến TƯ và tuyến cuối, số người mắc bệnh Cúm A gia tăng khiến thuốc Tamiflu tại BV khan hiếm. Thực tế, nhiều người đã phải mua thuốc Tamiflu với giá cao gấp vài lần. Theo đó, giá kê khai thuốc này tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) là 45.000/viên, nhưng nhiều người đã phải mua với giá từ 150.000 đồng/viên đến 200.000 đồng/viên (gấp 3-4 lần).

Đặc biệt, BV Bệnh Nhiệt đới (TPHCM) gửi công văn báo cáo Bộ Y tế cho biết, không còn thuốc Tamiflu 75mg để điều trị cho bệnh nhân do công ty không tiếp tục ký hợp đồng và cung cấp thuốc cho BV; Còn BV Nhi TƯ cũng báo cáo công ty cung ứng thuốc đang hết hàng, không có khả năng cung ứng thuốc Tamiflu 75mg. Các BV trên đã có công văn đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ.

Trước tình hình thiếu thuốc điều trị bệnh cúm Tamiflu đang diễn ra, ngày 19/12, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn số 21264/QLD-KD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các BV, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc chỉ đạo việc đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm (BV Nhi TƯ) không phải trẻ nào bị cúm cũng dùng Tamiflu.

Bác sĩ Tâm cho biết, cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do virus cúm gây ra. Bệnh dễ lây lan và có thể phát thành dịch lớn. Hầu hết, bệnh lành tính và tự khỏi sau từ 3-5 ngày.

Chuyên gia BV Nhi TƯ: Không phải hễ bị cúm là dùng thuốc Tamiflu - Ảnh 1.

Thuốc Tamifu chỉ được chỉ định trong một số trường hợp

Cũng theo bác sĩ Tâm, thuốc điều trị Tamiflu chỉ được chỉ định cho những trẻ bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, viêm phổi do cúm A. Có nghĩa, bác sĩ chỉ chỉ định dùng Tamiflu trên một cơ địa đặc biệt, trong một số trường hợp, chứ không phải trẻ nào bị cúm cũng dùng thuốc này. Nếu trẻ bị thể nhẹ thì phụ huynh cho con uống thuốc hạ sốt, tăng cường miễn dịch nếu sau 2-3 ngày bé không hết sốt hoặc ho nhiều hơn thì bác sĩ mới cân nhắc dùng Tamiflu.

 "Nhiều phụ huynh không hiểu, thắc mắc tại sao con bị cúm nhưng không cho thuốc điều trị. Chúng tôi phải giải thích nhiều lần phụ huynh mới nghe. Nếu trẻ bị cúm, phụ huynh nên bổ sung nhiều nước như nước lọc, nước trái cây hoặc sữa. Bởi bé bị sốt sẽ mất nước qua đường da và hơi thở nên cần bổ sung nước", bác sĩ Tâm chia sẻ.  

Còn theo PGS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) việc người dân lùng mua Tamiflu để điều trị cúm là không cần thiết. Bởi Tamiflu không phải thuốc điều trị đặc hiệu số 1 cho các bệnh cúm, mà chỉ có tác dụng hỗ trợ.

Theo PGS Lương Ngọc Khuê, để không mắc cúm, trước tiên người dân nên đi tiêm phòng vaccine cúm mùa để phòng bệnh chủ động.

Cùng đó, trong điều kiện thời tiết hiện nay, người dân cần chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là giữ ấm vùng cổ, đầu trong ngày lạnh. Trong ngày ăn đồ ăn nóng, đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước và lưu ý phải rửa tay xà phòng thường xuyên. Khi đi ngoài đường về, rửa tay xà phòng, súc miệng nước muối, rửa mũi bằng nước muối sinh lý... sẽ giảm nguy cơ mắc cúm. Khi bị cúm, hãy cách ly, nghỉ ngơi, uống nhiều nước (nước oresol, nước lọc, nước trái cây...), ăn đồ ăn loãng, hạ sốt, thường chỉ sau 2 - 7 ngày bệnh sẽ lui. 

Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo:

- Khi trẻ bị cúm, nếu sốt trên 38,5 độ C phụ huynh cho trẻ hạ số với liều 10-15mg/kg thể cân nặng và chườm nước ấm cho trẻ ở vùng nách, trán, bẹn.

- Hàng ngày, phụ huynh sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, mắt, họng cho bé; thường xuyên rửa ray kỹ bằng xà phòng với nước sạch, tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Để đề phòng lây nhiễm, phụ huynh cần cách ly trẻ bệnh với trẻ lành, mang khẩu trang khi chăm sóc bé. Tắm cho bé bằng nước ấm trong phòng kín, đảm bảo nơi ăn ở sạch sẽ, thông thoáng.

- Phụ huynh cần cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Cho bé bú mẹ nhiều hơn (nếu trẻ còn bú).

- Trường hợp bé sốt cao trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, co giật; trẻ ly bì mệt mỏi, khó thở, thở nhanh, phụ huynh cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm