pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia nêu 7 lý do dẫn đến "làn sóng" nhân viên y tế nghỉ việc
Phút nghỉ ngơi của nhân viên y tế trong khi chống dịch. Ảnh minh họa
Hiện nay, số nhân viên y tế khu vực công lập nghỉ việc hoặc bỏ việc tăng cao khiến dư luận xôn xao, bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám chữa bệnh. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.
Bộ Y tế cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc. Trong đó, các nguyên nhân chính như thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống của nhân viên y tế, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Hơn nữa, áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, chính sách thu hút nguồn nhân lực của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu rất tốt.
Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua.
Còn theo TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), có 7 lý do chính dẫn đến "làn sóng" nhân viên y tế nghỉ việc trong 1,5 năm qua.
Thứ nhất, y bác sĩ nghỉ việc là do thu nhập thấp - đây là điều kiện tất yếu. Theo quy định hiện nay, một bác sĩ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải có chục năm được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Tuy nhiên, với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng không thể khiến họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến được. Trong khi đó, người giúp việc hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng/tháng. Điều này khiến bất cứ ai cũng phải đặt lên bàn cân để so sánh.
Thứ hai, áp lực công việc nặng nề và an toàn nghề nghiệp chưa bảo đảm. Bên cạnh đó, họ còn phải đối diện với sự xúc phạm, thậm chí đe dọa đến sức khỏe và tính mạng từ phía người bệnh và người thân của họ.
Thứ ba, để nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị cần thiết phải có đầy đủ thuốc, vật tư y tế, như vậy bác sĩ mới có khả năng cống hiến. Tuy nhiên, hiện nay ở các bệnh viện công còn thiếu quá nhiều thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế, trong khi bệnh viện tư sẵn sàng đáp ứng đủ thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế.
Thứ tư, môi trường làm việc chưa thật sự được đáp ứng. Bác sĩ, nhân viên y tế làm việc trong môi trường có áp lực rất lớn nhưng lại chưa được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả các cấp quản lý.
Thứ năm, điều kiện học tập, trau dồi kỹ năng thực hành y khoa của bác sĩ, nhân viên y tế trong khu vực công cũng khác so với khu vực tư nhân. Khi làm ở khu vực công, y bác sĩ muốn đi học phải chờ lần lượt, phải đáp ứng các yêu cầu của bệnh viện... Trong khi đó, ở khu vực y tế tư nhân, nếu muốn đi học, bác sĩ, nhân viên y tế sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để được đào tạo, nâng cao tay nghề.
Thứ sáu, khả năng thăng tiến cũng có sự khác biệt. Tại BV công, muốn làm trưởng, phó khoa phải đi học lý luận chính trị trung cấp, ngoại ngữ, phải ở trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo đã được phê duyệt. Trong khi đó ở bệnh viện tư, chỉ cần có tay nghề, kỹ năng thực hành y khoa, có uy tín, đông bệnh nhân… là đã có thể được bổ nhiệm.
Cuối cùng, quản trị BV công khác so với BV tư. Việc quản lý các BV công vẫn theo thói quen từ trước đến nay nên ít có sự thay đổi, trong khi ở khu vực y tế tư nhân, vấn đề này lại được đặc biệt chú trọng, thay đổi thường xuyên, tiếp cận được với các phương thức quản trị bệnh viện trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân thu hút bác sĩ, nhân viên y tế chuyển đến khu vực y tế tư nhân.
Ngoài ra, sau đại dịch Covid-19, ở nhiều nơi nhân viên y tế phải gánh vác các công việc nặng nề, vất vả không quản ngày đêm nhưng đến nay chế độ phụ cấp vẫn chưa được thanh toán. Điều đó khiến họ thấy không còn động lực để tiếp tục làm việc, cống hiến.
"Để giải quyết tình trạng này phải có giải pháp trước mắt và lâu dài. Nhưng tôi cho rằng dù giải pháp gì cũng đều phải chú trọng vào tăng cường sức hấp dẫn của các BV công lập mới có thể giữ chân được các bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc trong khu vực này", TS. Nguyễn Huy Quang nói.