pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyện vợ chồng nhà văn Sơn Tùng bán nhẫn cưới vào Nam tìm tư liệu về Bác
Khó khăn trùng điệp
Năm 1975, nhân dịp miền Nam vừa được giải phóng, nên mọi sự trong này vẫn còn mới mẻ và chưa bị tác động thay đổi. Do đó, nhà văn Sơn Tùng có bàn bạc với vợ về việc cần nhanh chóng vào Nam để kịp thời tìm gặp những người đã từng gặp gỡ, tiếp xúc với Bác Hồ trong khoảng thời gian Người sinh sống tại đây.
Nghe ông nói vậy, biết rằng suốt cả đời ông luôn có tâm niệm duy nhất là viết về danh nhân, đặc biệt viết về Bác Hồ dù bản thân ông là thương binh nặng hạng 1/4. Cảm động và khâm phục trước nghị lực phi thường đó của ông, nên bà đã đồng ý và đi cùng để chăm sóc ông bởi bản thân ông mang thương tật nặng. Tuy nhiên lúc đấy tâm trạng của bà cũng lo lắng vô cùng. Cả đời bà chưa từng rời Hà Nội quá 100km trong khi vào Nam "đường xa dặm thẳm" với biết bao khó khăn, trở ngại của những ngày nước nhà vừa thống nhất.
Trước mắt, để có tiền cho chuyến đi dài ngày này, ông bà đã phải bán cả nhẫn cưới. "Lúc lấy kéo cắt chiếc nhẫn cưới ra từ tay ông, bà buồn lắm nhưng biết làm thế nào được", bà Mai tâm sự.
Khi đã có kinh phí cho chuyến đi, ông bà bắt đầu cuộc hành trình vào khoảng tháng 7/1975. Thời điểm đất nước mới giải phóng nên việc đi lại rất khó khăn, không có máy bay, không có xe khách, ông bà phải bắt xe tải qua rất nhiều chặng đường. Do trên người ông mang di chứng chiến tranh khi tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam với 14 mảnh đạn trên người, trong đó có 3 mảnh đạn nằm trong sọ não không thể phẫu thuật lấy ra được... khiến cho việc đi đường càng vất vả hơn. Trên thùng xe tải chở thực phẩm, nhà xe có buộc ngang cái sào để ông bám vào đó cho khỏi bị ngã. Những lúc xe qua đoạn đường xấu, hoặc phải lên đèo xuống dốc, bà Mai phải dang hai tay bám chặt vào thành xe để đỡ ông, trên hành trình ấy, khi thời tiết nóng bức hoặc trở trời là vết thương của ông tái phát. Mỗi lần tái phát, trên đỉnh đầu ông mấy mảnh đạn nhú nhọn hẳn lên, tấy đỏ, ông lên cơn co giật. Những lúc như vậy, đôi mắt bà lại đỏ hoe, trong tim dường như có ngàn mũi kim châm, bà chỉ mong làm sao có thể chịu một phần đau đớn ấy để san sẻ cùng ông.
Có lẽ gian nan vẫn chưa thử đủ độ "vàng mười" tấm lòng của ông bà nên khó khăn không chỉ dừng lại ở đó. Ông bà mang tiền vào nhưng không tiêu được, vì càng trở vào trong thì người ta chủ yếu tiêu tiền Nam, tiền mang theo không đổi được nên khiến ông bà lâm vào cảnh túng tiền đi xe, thiếu tiền ăn uống.
Tuy nhiên, ông trời không phụ người có tấm lòng bao giờ. Bà Mai kể lại rằng, nhiều người khi biết ông là nhà văn đang trên đường vào Nam để thu thập tư liệu về Bác Hồ thì ở đâu người ta cũng quý và giúp đỡ ông bà rất nhiều - cho đi nhờ xe, mời ăn cơm...
Tư liệu quý cho những tác phẩm để đời
Trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng ông bà đã đến Sài Gòn – nơi từng in dấu chân Bác Hồ xuống tàu vượt trùng dương đi tìm đường cứu nước. Ở đây, bà Mai có may mắn gặp người chị ruột của mình là bà Phan Thị Phong ở đường Sư Vạn Hạnh (nay thuộc Q. 10, TP. HCM). Thời khắc gặp gỡ 2 chị em vỡ òa niềm hạnh phúc. Bà Phong vào Nam lập nghiệp từ khi bà Mai còn nhỏ, từ năm 1954 cho tới 1975 là đã cách xa 21 năm rồi, vừa bằng cuộc kháng chiến chống Mỹ. Về sau, chính bà Phong là người đã giúp đỡ vợ chồng chị gái rất nhiều trong những ngày ông bà ở lại Sài Gòn để tìm kiếm tư liệu về Bác Hồ.
Chị em trùng phùng chưa được bao lâu thì bà lại cùng ông tiếp tục cuộc hành trình xuống miền Tây - ấp Rạch Cái Tấp, xã Hòa An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc để gặp ông Nguyễn Thành Tây (học trò của thầy giáo Nguyễn Tất Thành giai đoạn 1909-1910, khi thầy dạy học tại Trường Dục Thanh). Tuy nhiên, thật không may, ông Nguyễn Thành Tây vừa mới mất. Tại đây ông bà có cơ duyên gặp được ông Nguyễn Thành Mậu (em trai ông Nguyễn Thành Tây), lúc bấy giờ là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sa Đéc, trưởng ban xây dựng lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Trong thời gian ở Cao Lãnh, ngoài những tư liệu về thời gian Bác Hồ dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), ông bà còn được ông Mậu giới thiệu đến gặp bà Hồ Tường Vân (con gái cụ Hồ Tá Bang, một trong những người sáng lập Trường Dục Thanh) và ông Lê Hương (một học giả thời trước, từng làm tại một cơ quan Văn hóa Quốc vụ khanh của Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu). Đặc biệt, thông qua ông Lê Hương, nhà văn Sơn Tùng gặp được cụ Lê Thị Huệ (con gái quan Bộ công Lê Quang Hưng triều vua Thành Thái), người bạn gái thân thiết của Nguyễn Tất Thành năm xưa. Đây cũng là hình mẫu nhân vật trong các tác phẩm lớn của ông được sáng tác về sau.
Được biết, sau chuyến đi này ông bà còn thực hiện một chuyến đi nữa vào TP.HCM năm 1980 (khi ấy Sài Gòn đã đổi tên). Một thời gian sau không lâu sau đó, các tác phẩm lớn của nhà văn Sơn Tùng lần lượt ra đời như: "Búp Sen Xanh" (1982), "Trái tim quả đất" (1990), "Bông Sen Vàng" (1990), "Mẹ về" (1990)... Những tác phẩm đó khiến ông trở thành một trong những hiện tượng trong văn học Việt Nam hiện đại và là một trong những nhà văn thành công nhất khi viết về Bác Hồ. Ghi nhận những đóng góp của ông, năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Chia sẻ về những yếu tố làm nên thành công của mình, trong một buổi trò chuyện với nhà báo của Báo Phụ nữ Việt Nam cách gần 20 năm trước, nhà văn ông Sơn Tùng nói, "Không có vợ thì tôi - không - làm - được - gì - hết!". Trong các tác phẩm của ông mỗi khi ký tặng bạn bè đều có chữ ký biểu tượng "Cây tùng trên núi" - cây tùng thể hiện chữ "T" là tên ông, còn núi thể hiện chữ "M" là tên bà và chữ ký này còn thể hiện ý nghĩa "Núi Mai nâng đỡ cây Tùng".