Chuyện xin ra khỏi diện hộ nghèo ở Ân Nghĩa (Bình Định): Sự lựa chọn của lòng tự trọng và sẻ chia

Nhuận Kiệt
03/08/2021 - 11:25
Chuyện xin ra khỏi diện hộ nghèo ở Ân Nghĩa (Bình Định): Sự lựa chọn của lòng tự trọng và sẻ chia
Đã hơn 70 tuổi, khả năng lao động suy giảm vì tai nạn, vợ mất, con bị thiểu năng nên chuyện ông Nguyễn Văn Tình (ngụ thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định) xin ra khỏi diện hộ nghèo khiến nhiều người hết sức ngạc nhiên.

Hết ngặt, xin thoát nghèo

Ông Tình lý giải: "Năm 2016, gia đình được hưởng chính sách dành cho hộ nghèo khi vợ phát bệnh nan y, sau đó tôi bị tai nạn nặng. Mất mát nhưng dẫu sao với tôi, biến cố, giai đoạn tiêu tốn chi phí nhất đã qua đi. Cuộc sống hiện tại, tôi phải thích ứng và cố gắng cải thiện, bởi giúp qua đoạn ngặt, không giúp được hết nghèo".

Chuyện xin ra khỏi diện hộ nghèo ở Ân Nghĩa (Bình Định): Sự lựa chọn của lòng tự trọng và sẻ chia  - Ảnh 1.

Điều khiến ông Nguyễn Văn Tình (ngụ thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định) vui nhất là được các con hiểu và ủng hộ quyết định ra khỏi diện hộ nghèo

Suy nghĩ tích cực trên cũng là nguyên nhân để chị Phan Thị Loan (ngụ thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa) đi đến quyết định rút tên gia đình mình khỏi danh sách hộ nghèo. Chồng chị, anh Nguyễn Thi Nhất, vốn hạn chế về sức khỏe và thần kinh không ổn định. Chị là lao động chính trong gia đình. Công việc của chị là chặt keo mướn. Có 2 con đang đi học, việc làm của chị Loan khiến nhiều người cho là "dại" bởi các ưu đãi từ hộ nghèo rộng hơn so với hộ trung niên, cao tuổi. "Quan tâm tìm hiểu và biết tính linh hoạt trong công nhận hộ nghèo, tôi luôn tin nếu sau này chẳng may gia đình gặp rủi ro hay cần vay cho con học đại học... địa phương sẽ thấu đáo xem xét. Còn chuyện cải thiện kinh tế phải mất cả quá trình, gia đình phải tự vươn lên", chị Loan chia sẻ.

Đến nhà bà Bùi Thị Xuân (ngụ thôn Bình Sơn), chúng tôi không khỏi ái ngại bởi nhà cửa đơn sơ của trường hợp xin ra khỏi diện hộ nghèo này. Căn nhà chỉ tầm 40m2, chưa được sơn, phần lớn diện tích được dùng để bán tạp hóa, món đồ đáng giá nhất có lẽ là chiếc tủ lạnh. Bà Xuân chia sẻ: "Sau khi chồng mất, từ xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), gia đình người anh ruột đã gọi 3 mẹ con tôi về quê ngoại sinh sống và được cho một phần đất cha mẹ đẻ để lại để cất tạm ngôi nhà, mở tạp hóa làm kế sinh nhai. Thời gian đầu khó khăn, địa phương, bà con đã quan tâm, cho hưởng chính sách hộ nghèo. Qua 3 năm cuộc sống dần tạm ổn, tôi ngừng nhận ưu đãi. Đây là việc nên làm".

Trách nhiệm và sẻ chia

Ông Võ Xuân Quang, Trưởng thôn Bình Sơn, nhận xét, những hộ xin ra khỏi diện hộ nghèo phần lớn điều kiện kinh tế ở mức trung bình. Cá biệt vài hộ còn khó khăn như có người khuyết tật, di chứng tai nạn, đau ốm làm mất khả năng lao động... Trong những hoàn cảnh như vậy, có thể có người vin vào đó mà đấu tranh xin vào hộ nghèo hoặc "ở lì" không chịu ra. Nhưng trong những trường hợp trên, họ đã chủ động, tự nguyện chọn dừng thụ hưởng ưu đãi. Những hộ chủ động xin ra khỏi diện hộ nghèo có cùng tâm tư, lý do đi đến quyết định. Đó là sau những năm được đưa vào danh sách hộ nghèo, hưởng chính sách, qua đó mỗi gia đình có điều kiện khắc phục khó khăn nên ngay khi "tạm ổn", họ muốn rút để nhường cho hộ khác.

"Trong lúc gia cảnh lâm khó khăn, bà con nhất trí đưa tôi vào hộ nghèo để đỡ túng quẫn, chính sách như vậy là rất kịp thời, nhân văn. Xã hội còn biết bao hộ nghèo, nếu những hoàn cảnh như mình cứ ở mãi thì là gánh nặng, ảnh hưởng đến đại cục vươn lên của đất nước. Trằn trọc mãi, tôi đem nỗi lòng đó nói với vợ chồng con trai út ở cùng nhà, bởi mất đi các khoản hỗ trợ đồng nghĩa gánh nặng chuyển sang con. Điều an ủi với tôi là con trai, con dâu đều ủng hộ", ông Tình bộc bạch.

Dù kinh tế gia đình còn nhiều bộn bề, bà Bùi Thị Xuân (bên phải, ngụ thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định, vẫn quyết định xin ra khỏi diện hộ nghèo

Dù kinh tế gia đình còn nhiều bộn bề, bà Bùi Thị Xuân (bên phải, ngụ thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định, vẫn quyết định xin ra khỏi diện hộ nghèo

Tại hộ gia đình ông Nguyễn Thường và bà Nguyễn Thị Phố (ngụ thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa), ngay khi sửa sang được căn nhà, xong nỗi lo an cư về già, việc mà ông bà thực hiện ngay đó là xin ra khỏi diện hộ nghèo. "Mấy năm nay, bên cạnh làm nông, ông nhà tôi mày mò học thành công nghề đúc chậu cảnh. Tôi cũng phụ làm những khâu đơn giản. Vợ chồng già có thêm đồng ra đồng vào, tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng thấy ý nghĩa. Cuộc sống tuổi già, chúng tôi xác định lao động vừa sức, khi cần còn có con cháu hỗ trợ, chính sách hỗ trợ nhường lại cho bà con khó khăn hơn", bà Phố cho hay.

Ngoài trường hợp của bà Phố, ở thôn Kim Sơn còn có những trường hợp khác tuy chưa hết khó khăn nhưng cũng chủ động xin ra khỏi diện hộ nghèo. Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng thôn Kim Sơn, cho biết, hơn 20 năm làm Trưởng thôn, trải qua hàng chục cuộc họp về công tác hộ nghèo, cận nghèo, ông đã quen với chuyện người dân xin vào hộ nghèo nhưng nay lại chứng kiến những trường hợp xin ra khỏi hộ nghèo. Tất cả các hộ xin ra khỏi diện hộ nghèo rất quyết tâm với lựa chọn của mình, xuất phát từ ý thức vươn lên và tấm lòng sẻ chia. "Khi thông báo lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, chúng tôi bất ngờ khi biết đây cũng là những trường hợp đầu tiên ở huyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Hy vọng tinh thần tự lực sẽ được lan tỏa", ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, chia sẻ.

Ông Tạ Ngọc Định, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hoài Ân, cho biết: "Đằng sau việc các hộ dân ở xã Ân Nghĩa xin ra khỏi diện hộ nghèo có đóng góp của chính quyền địa phương trong tuyên truyền, nhất là việc triển khai hiệu quả các chương trình, mô hình hỗ trợ giảm nghèo".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm