Cô bé bán hàng rong trở thành bà chủ homestay ở Sapa

25/07/2019 - 16:00
Để tìm đáp án cho cho câu hỏi “Làm thế nào để mình hết khổ?”, cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Shu đã nỗ lực vượt qua nghèo đói, mặc cảm, khởi nghiệp cùng Sapa O’Chau, trở thành một chủ doanh nghiệp người dân tộc hiếm hoi ở Sapa, khi mới vừa qua tuổi 20.
Sapa O’Chau là cái tên không còn xa lạ với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi tới Sapa, không chỉ bởi những dịch vụ “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” của một doanh nghiệp chuyên làm về du lịch, mà còn vì những nỗ lực của cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Shu trên hành trình vươn lên thực hiện giấc mơ đổi đời cho mình và trẻ em nghèo ở Sa Pa.
 
tan-thi-su-1.jpg
Cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Shu đã nỗ lực vượt qua nghèo đói, mặc cảm, khởi nghiệp cùng Sapa O’Chau

 

“Làm thế nào để mình hết khổ?”
 
Câu hỏi ấy luôn thường trực trong tâm trí Shu, từ khi còn là cô học trò lớp 3, hàng ngày đã phải theo mẹ đi bộ hơn 2 tiếng đường núi, từ bản Lao Chải đi bán hàng rong, lăn lộn kiếm sống khắp các vỉa hè ở thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
 
Vốn tiếng Việt bập bẹ, tiếng Anh không biết, chỉ mời chào bằng tiếng Mông nên Shu không bán được nhiều hàng như các bạn khác. Lúc ấy, đói, rét, ngủ ngoài mái hiên tại thị trấn đồng hành cùng cuộc sống của Shu.
 
Vất vả, cơ cực là thế, nên dù chỉ mới 9 tuổi, Tẩn Thị Su đã luôn ấp ủ ước mơ làm thế nào để thoát ra khỏi các đói, cái nghèo, khỏi cuộc sống lạc hậu như bà, như mẹ và biết bao người phụ nữ Mông khác.
 
Nhìn thấy những người bạn bán hàng rong biết nói tiếng Anh, có thể chào mời và bán được nhiều hàng cho khách “Tây”, Shu cũng quyết tâm phải học tiếng Anh bằng được. Không có tiền, mà vào thời điểm đầu những năm 2000, nếu có tiền cũng không có lớp dạy tiếng Anh bài bản ở Sapa, Shu cố gắng học theo các bạn, hay theo chân du khách người nước ngoài để học lỏm. Ban đầu là học những câu giao tiếp phổ thông, rồi đến những câu đơn giản.
 
 
tan-thi-su.jpg
Tẩn Thị Shu trên hành trình vươn lên thực hiện giấc mơ đổi đời cho mình và trẻ em nghèo ở Sa Pa.

 

Bằng cách đó, kiên trì tập luyện hàng ngày và đánh liều nói chuyện với người Tây, nhờ họ sửa và dạy thêm, Shu cũng biết nói tiếng Anh và bán được nhiều hàng hơn. Khác với nhiều bạn cùng trang lứa, chỉ cần học vài câu tiếng Anh bồi để bán thổ cẩm, bán vòng, bán đồ lưu niệm. Tẩn Thị Shu muốn học tiếng Anh bài bản để thay đổi cuộc đời mình. Sau khi bán hàng xong, Su tranh thủ vào quán internet ở thị trấn Sa Pa để học tiếng Anh. Vào thời điểm năm 2004, internet mới xuất hiện ở thị trấn du lịch này, để vào mạng có khi phải trả hết tiền công của cả một ngày bán hàng nhưng Shu vẫn quyết tâm. Khi vốn tiếng Anh đã đủ dùng, Shu bắt đầu làm du lịch.   
 
Tiếp tục trau dồi kinh nghiệm và tìm ra được cho mình một con đường đi để thoát nghèo, hết khổ, sau hơn chục năm làm du lịch, đến năm 2007, Tẩn Thị Shu thành lập Sapa O’Chau, cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (thị trấn Sa Pa) theo mô hình du lịch cộng đồng.
 
 
tan-thi-su-4.jpg
Cảnh đẹp thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động của người dân địa phương được giới thiệu đến du khách

 

Sapa O’Chau kết nối các địa điểm, dịch vụ du lịch tại địa phương, tổ chức các tour du lịch đến thăm các bản làng của người dân tộc, cung cấp hướng dẫn viên bản địa thông thạo khu vực và có thể nói tiếng Anh. Du khách tới đây có thể thăm quan khung cảnh thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động của người dân địa phương như làm ruộng nương, nghỉ lại tại các homestay.
 
Khởi nghiệp là miệt mài học tập
 
Những ngày đầu thành lập, khó khăn nhiều lắm, Tẩn Thị Shu nhớ lại. Người thân trong gia đình không ủng hộ, thậm chí còn trách móc Su không lo cho gia đình mình mà lại lo cho người ngoài. Các bạn làm trong công ty đều là người dân tộc, mỗi người một văn hóa, một cách nghĩ khác nhau. Nhiều lúc Shu nản chí, đã nghĩ đến việc dừng hoạt động nhưng nhìn lại động lực để thành lập và phát triển Sapa O’Chau, là phải vượt qua cái nghèo, cái đói của mảnh đất vùng cao, từ những mặc cảm tự ti, Shu lại quyết tâm vượt qua nỗi buồn và càng phải cố gắng hơn.

tan-thi-su-6.jpg
Trên hành trình khởi nghiệp, Tẩn Thị Shu không ngừng trau dồi, học tập.

Khi thành lập Sapa O’Chau, cô gái sinh năm 1986 này cho biết, khó khăn lớn nhất gặp phải là nằm ở kiến thức, khâu pháp lý và vấn đề vốn. Trong đó, kiến thức để quản lý, quản trị một doanh nghiệp, để có thể thực sự trở thành một người lãnh đạo thật sự là một trở ngại vì các kỹ năng quản lý tài chính, nhân lực hay marketing thì Shu không biết và cũng rất khó khăn để tiếp cận, kết nối.

 

 
tan-thi-su-5.jpg
Nhiều dịch vụ kinh doanh du lịch được phát triển tại Sapa O’Chau và thu về lợi nhuận

Mặt khác, thị trường du lịch ở Sapa cạnh tranh khốc liệt, mình lại thiếu kinh nghiệm quản lý lẫn tiền, nhiều lúc công ty lâm vào khó khăn tưởng như phá sản. Mò mẫm tìm cách học hỏi. Năm 2011, qua internet, Su tìm thấy và kết nối được với dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của doanh nghiệp xã hội” được tiếp cận các kỹ năng về quản lý nguồn nhân lực, năng lực tổ chức, đào tạo... Những kiến thức học được đã được Tẩn Thị Shu áp dụng vào điều hành, quản trị doanh nghiệp, mở thêm nhiều dịch vụ kinh doanh tại Sapa O’Chau và thu về lợi nhuận.   

 
Truyền nhiệt huyết cho thanh niên vùng cao
 
Mang theo hành trang khởi nghiệp là đói nghèo, mặc cảm, tự ti như bao em bé dân tộc khác, Tẩn Thị Shu luôn đồng cảm với các em có hoàn cảnh khó khăn và mong muốn làm điều gì đó để hỗ trợ các em có thể tiếp tục đi học. Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp, cùng với các hoạt động kinh doanh, Shu đã mở lớp học tình thương dạy các em nhỏ biết đọc, biết viết và nói tiếng Anh và kỹ năng sống, để các em tự tin trong giao tiếp, giúp đỡ cho công việc, thu nhập gia đình và cuộc sống hàng ngày cũng cải thiện hơn.
 
tan-thi-su-2.jpg
Cô gái Mông truyền nhiệt huyết cho thanh niên vùng cao

 

Không chỉ vậy, Shu còn hỗ trợ chỗ ở cho các em ở xa và  Sapa O’Chau của Shu cũng là một địa chỉ đón các em thực tập, làm việc. Sau nhiều năm, Sapa O’Chau giờ đã trở thành một mái nhà chung của trẻ em dân tộc nghèo từ Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái...
 
Với những đóng góp của mình cho du lịch vùng cao, năm 2016, bên cạnh việc được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 30 gương mặt trẻ Việt dưới 30 tuổi và giải thưởng “World’s Responsible Tourism Award 2016” - giải thưởng Du lịch có trách nhiệm của thế giới năm 2016.
 
Bí quyết thành công của Tẩn Thị Shu:
 
- Luôn nỗ lực, lạc quan trong mọi hoàn cảnh.
 
- Không ngừng trau dồi, học tập.
 
- Khi làm du lịch, mình chính là một đại sứ, nên cần học cách ứng xử cho hay cho đẹp, cách làm việc sao cho chuyên nghiệp.
 
- Luôn có trách nhiệm với thiên nhiên, với cộng đồng, và những người xung quanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm