Cô bé miền trung du vượt khó trở thành nhà thiết kế thời trang, đam mê truyền nghề cho phụ nữ

Cô bé miền trung du vượt khó trở thành nhà thiết kế thời trang, đam mê truyền nghề cho phụ nữ

Bên cạnh nỗ lực học hỏi và hoàn thiện chính mình, cho ra mắt những bộ sưu tập chất lượng, nhà thiết kế Thoa Trần còn là người thầy tâm huyết truyền dạy nghề, mở ra nhiều cơ hội cho người trẻ đến với thời trang chuyên nghiệp.

Sau thành công của chương trình giới thiệu bộ sưu tập mới nhất với tên gọi Bông hồng Vàng, nhà thiết kế Thoa Trần tiếp tục thực hiện với những dự án đào tạo về cắt thiết kế thời trang, thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều học viên trên khắp cả nước, mở ra cơ hội nghề nghiệp cho nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ.

- Xin chào nhà thiết kế Thoa Trần, động lực nào đưa chị từ một cô bé từ miền trung du trở thành một nhà thiết kế có chỗ đứng trong nghề thời trang như hiện tại? 

Để có chỗ đứng trong nghề thời trang như ngày hôm nay, Thoa Trần đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Từ nhỏ, tôi đã có sở thích nhìn ngắm những bộ quần áo đẹp và mong muốn tạo ra những bộ cánh đẹp cho mọi người. Ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang dù chưa được gọi tên rõ ràng nhưng đã manh nha từ đó… Học hết phổ thông, tôi từ Phú Thọ về Hà Nội để theo đuổi ước mơ tại khoa Thiết kế, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Cô bé miền trung du vượt khó trở thành nhà thiết kế thời trang, đam mê truyền nghề cho phụ nữ - Ảnh 1.

Nhà thiết kế Thoa Trần

Năm 2014, vì gặp biến cố trong gia đình nên năm 2014, tôi phải gác lại công việc mình mơ ước. Một lần, trong lúc chán chường và tuyệt vọng, tôi chứng kiến cảnh những bệnh nhân ở Bệnh viện K đang giành giật sự sống từng ngày, từng giờ. Nhìn họ, tôi bất giác nghĩ, ở đây có biết bao người đang muốn đánh đổi tất cả để có được sức khỏe mà không được, vậy thì biến cố riêng của mình có là gì… 

Từ suy nghĩ này, tôi quyết tâm làm lại từ đầu bằng việc mở xưởng may và thiết kế mang tên mình. 

Tôi kiếm được rất nhiều tiền từ khi làm xưởng nên ham việc đến mức, một ngày chỉ ngủ 3 tiếng. Chưa bao giờ tôi ngủ trước 3 giờ đêm và dậy sau 6 giờ. Thức đêm nhiều quá tôi bị đại tràng và dạ dày nặng. Duy trì được 3 năm, tôi quyết định dừng hẳn công việc làm xưởng. Từ đó, tôi định hình cho mình hướng đi khác biệt với các nhà thiết kế cùng thời, đó là vừa sáng tạo vừa là nhà đào đạo.

- Thiết kế thời trang và đào tạo, dạy nghề cho người khác là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Chị có bí quyết gì để trở thành một nhà đào tạo thu hút học viên?

Nếu bạn là nhà thiết kế, bạn có thể tự do thể hiện sự sáng tạo của mình trên trang phục. Còn khi đào tạo, dạy nghề, bạn có thể nhân rộng cái đẹp và lan tỏa đi muôn nơi thông qua việc truyền nghề cho các bạn trẻ hay những người mong muốn thử sức với nghề thời trang. 

Tôi chọn lĩnh vực đào tạo bởi tôi luôn trăn trở với một thực trạng là ở Việt Nam, số lượng nhà thiết kế cao cấp, hướng đến tệp khách hàng cấp cao chưa có nhiều và có lẽ là chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cô bé miền trung du vượt khó trở thành nhà thiết kế thời trang, đam mê truyền nghề cho phụ nữ - Ảnh 2.

Khóa đào tạo của Nhà thiết kế Thoa Trần thu hút của nhiều chị em phụ nữ tham gia

Tôi bắt đầu các khóa đào tạo với mong muốn sao cho các nhà thiết kế trẻ được "chuẩn hóa" về kỹ thuật thiết kế, cắt may, lựa chọn chất liệu, vật liệu, chỉn chu từ form dáng thiết kế đến từng chi tiết, phụ kiện… Từ việc có kiến thức và tay nghề vững, các nhà thiết kế cũng sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ nhằm tìm ra phong cách riêng, chuyên nghiệp trong từng sản phẩm, tiếp cận tốt hơn, hiệu quả hơn với khách hàng cấp cao, có gu thời trang.

Mong muốn của tôi không dừng lại ở việc "đào tạo nghề" cho học viên mà còn làm sao để họ trở thành nhà thiết kế chuyên nghiệp, xây dựng được thương hiệu. 

Tôi cũng liên tục tự tìm tòi, nghiên cứu để có thể hướng dẫn những phương pháp, cách thức làm việc mang lại hiệu suất cao nhất, nhanh chóng trong khi đảm bảo chất lượng, để các học viên sau khi học không chỉ nâng cao tay nghề mà còn biết cách để cân bằng công việc - cuộc sống, từ đó có thời gian cho bản thân, cho gia đình và hạnh phúc, vui vẻ hơn với công việc.

Những kiến thức tâm huyết được truyền dạy đến học viên

- Điểm nhấn trong chương trình đào tạo của chị là gì? 

Các bộ sưu tập thời trang hay những khóa đào tạo của tôi đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, có tính toán đến tính xu hướng, hợp lý và phù hợp với sở thích, nhu cầu của khách hàng.

Tôi đang chọn những trang phục cap cấp, trong đó có vest là trang phục để để dạy nghề cho học viên. Đây có thể là một hướng đi mới, với nhiều cơ hội để phát triển. Trước hết, là dù cho có trải qua bao nhiêu thập niên thì vest vẫn chưa bao giờ lỗi mốt, luôn "được lòng, đẹp ý" những người yêu thời trang, phù hợp với xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng. 

Bên cạnh đó, không khó để thấy, ở Việt Nam hiện nay, những thương hiệu thời trang cao cấp nói chung và các brand tập trung vào thiết kế các sản phẩm áo vest có phong cách riêng cực kỳ hiếm. Phân khúc này có nhiều tiềm năng và cơ hội cho các nhà thiết kế trẻ. Nhưng không dễ gì để họ được đào tạo bài bản và có khả năng tự mình thiết kế, hoàn thiện từng bước để tạo ra một chiếc áo vest hoàn hảo, thời trang và độc đáo, khác biệt. Khóa đào tạo kỹ thuật may áo vest cũng chỉ là một trong số những chương trình đào tạo, tư vấn thiết kế chuyên nghiệp mà tôi là người đứng lớp.

Cô bé miền trung du vượt khó trở thành nhà thiết kế thời trang, đam mê truyền nghề cho phụ nữ - Ảnh 4.

Thoa Trần mong muốn cũng có nhiều học viên nỗ lực thực hiện giấc mơ thời trang của mình giống như chị

- Là người truyền dạy nhưng cũng là nhà thiết kế, chị có định "giấu nghề" để đảm bảo và giữ vững thương hiệu của mình?

Với những ngành đặc thù như thiết kế, ai cũng hiểu rằng sẽ luôn có vô số những điều bạn không thể học trong trường lớp. Kinh nghiệm, trải nghiệm của một nhà thiết kế, có con mắt thẩm mỹ tinh tế hay không, cảm quan nghệ thuật thế nào… đều thể hiện rõ qua từng sản phẩm. Mở học viện đào tạo, Thoa Trần chưa bao giờ "giấu nghề". Tôi luôn cởi mở, thoải mái khi chia sẻ từ những trải nghiệm của chính mình, kiến thức tự mình đúc rút.

Cô bé miền trung du vượt khó trở thành nhà thiết kế thời trang, đam mê truyền nghề cho phụ nữ - Ảnh 5.

Nhiều học viên đã được chị chắp cánh, vươn xa

Khi mới "chập chững" vào nghề, chính tôi cũng đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của những nhà thiết kế tài năng và tâm huyết, vì vậy tôi cũng muốn làm được nhiều điều hơn để hỗ trợ các bạn trẻ. Tôi muốn cũng có nhiều học viên giống như tôi, nỗ lực thực hiện giấc mơ thời trang của mình, tôi đã và đang hỗ trợ, giúp đỡ các bạn trẻ đạt được ước mơ thiết kế thời trang của họ.

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Thảo An
12/11/2022 11:00