pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô gái khiếm thị tự mang ánh sáng đến cuộc đời mình
Nguyễn Thị Dự (thứ 2 từ trái sang) trong lễ tuyên dương điển hình tiên tiến của Hội người mù tỉnh Hải Dương giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh: Báo Hải Dương
2 chị em cùng mắt kém như mẹ
Nguyễn Thị Dự (sinh năm 1996) - cô gái khiếm thị có diện mạo tự tin, nụ cười tươi - đã thu hút ánh nhìn của mọi người ở buổi tuyên dương gương điển hình tiên tiến của Hội Người mù tỉnh Hải Dương lần thứ III giai đoạn 2015-2020.
Đi cạnh cô là mẹ đẻ - bà Phạm Thị Duyên (61 tuổi. Bà kể, hồi nhỏ, bà bị bệnh sởi, nên ảnh hưởng xấu tới đôi mắt, thị lực chỉ còn 2/10. Hai vợ chồng bà sinh 3 con gái, Dự là con út.
Người con đầu tiên sức khỏe bình thường, con thứ hai và Dự bị khiếm thị từ nhỏ, thị lực chỉ đạt 3/10 giống mẹ. Lúc Dự 5 tuổi, chồng bà Duyên qua đời sau một trận ốm. Lúc này, chị gái cả đi lấy chồng sớm, chỉ còn mình bà Duyên tần tảo nuôi hai con nhỏ trong ngôi nhà toàn người khiếm thị.
Năm 2003, bà Duyên vào Hội Người mù huyện Chí Linh (cũ), học và làm nghề tẩm quất ở cơ sở dịch vụ của hội. Năm 2004, bà Duyên động viên các con theo học tại Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho người mù tỉnh tại TP Hải Dương.
Cũng tại đây, Dự được học chữ nổi Braille, công nghệ thông tin và cô tìm thấy niềm vui trong học tập, cuộc sống. Nhờ sự tận tình của các thầy cô, nhiều năm liền Dự đạt học sinh giỏi, một thành tích hiếm học sinh khiếm thị nào đạt được. Trung tâm trở thành ngôi nhà thứ 2 của Dự, vun đắp ước mơ trở thành một cô giáo.
Vẫn ước mơ ngày nào đó trở thành cô giáo
Dự cho biết: Do thị lực hạn chế, nên học sinh khiếm thị càng khó khăn khi học lên trình độ cao, vì phải tiếp xúc với nhiều kiến thức trừu tượng. Từ cấp tiểu học đến THPT, Dự thường nhờ các bạn ở lớp đọc bài để mình gõ vào máy tính, cũng coi như một lần học lại. Nhiều tài liệu học không có chữ nổi, Dự sử dụng phần mềm Jaws - hỗ trợ tiếng nói cho người mù để tìm kiếm học liệu. Năm 2016, cô tốt nghiệp THPT loại khá.
Để thực hiện mơ ước của mình, cô làm hồ sơ đăng ký vào Khoa Giáo dục tiểu học của Trường Cao đẳng Hải Dương. Ban đầu, cô bị từ chối do nhà trường chưa bao giờ nhận đào tạo người khiếm thị. Tuy nhiên, sau đó, trường đã tạo điều kiện nhận Dự vào học.
Dự không chỉ đăng ký học 1 văn bằng mà đăng ký học 2 văn bằng là giáo dục tiểu học và tin học. "Người mắt sáng học 2 văn bằng đã khó, người khiếm thị học 2 văn bằng như tôi còn gian truân hơn nhiều. Vất vả nhất là các môn chuyên ngành như tập hợp số, xác suất thống kê, bảo trì, lắp ráp máy tính, photoshop...".
Dự cho biết: "Người khác có khi chỉ học 1-2 tiếng là xong, nhưng tôi phải học lâu hơn 3 - 4 lần, vì dù có sự hỗ trợ của công nghệ, nhưng việc tìm tài liệu học tập vẫn vô cùng khó khăn, nhiều tài liệu không có file nghe. Khi các bạn bận tôi không nhờ ai đọc giúp được, đành phải mượn vở của bạn để sách sát mắt, nhìn từng chữ rồi gõ vào máy tính". Tháng 7/2019, Dự tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hải Dương với tấm bằng loại khá.
Hiện Dự là nhân viên tẩm quất cổ truyền tại cơ sở dịch vụ của Hội Người mù TP Chí Linh. Từ khi học hết lớp 10, Dự đã học và tranh thủ làm tẩm quất để có thêm thu nhập. Sau khi trở thành nhân viên chính thức của cơ sở, chị tự mình học cách đắp bùn ngải để làm và truyền nghề cho nhân viên xoa bóp, bấm huyệt của Hội Người mù TP Chí Linh. Là một nhân viên mẫn cán, công việc hiện tại đủ để cô duy trì cuộc sống và tiếp tục nuôi dưỡng mơ ước một ngày nào đó sẽ được đứng trên bục giảng.