pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô hiệu trưởng tâm huyết với giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật
Cô Bùi Thị Nguyệt (bìa trái), Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Châu I, tâm huyết với công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.
Hiểu được những khó khăn trong công tác giáo dục hòa nhập, cô Nguyệt đã nghiên cứu "Một số giải pháp giúp giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác giáo dục trẻ khuyết tật học hòa nhập". Đề tài nghiên cứu này của cô đã được áp dụng vào thực tiễn từ 2 năm nay và đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Năm 2020, đề tài được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là Sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp tỉnh.
Tại sao cần cho trẻ khuyết tật hòa nhập?
Theo cô Nguyệt, giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung trẻ em khuyết tật với trẻ em bình thường trong cơ sở giáo dục tại nơi trẻ sinh sống. Giáo dục hòa nhập cần dựa trên quan điểm tích cực. Mọi trẻ em dù khuyết tật nhưng vẫn có những năng lực nhất định. Cộng đồng xã hội cần tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động và hòa nhập xã hội, tạo ý chí vươn lên trong khả năng của mỗi em.
Công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Giáo viên chủ nhiệm áp lực nhiều về công việc nên sự quan tâm sâu sát chưa nhiều. Một số nơi cơ sở vật chất phục vụ cho việc giáo dục trẻ hòa nhập còn nhiều thiếu thốn. Gia đình học sinh thường mặc cảm không muốn cho trẻ đến trường hoặc tiếp xúc với người ngoài… Vì vậy, số lượng trẻ em khuyết tật không được ra lớp hoặc chỉ đến lớp một thời gian ngắn sau đó bỏ giữa chừng còn rất nhiều, nhất là trẻ khuyết tật ở nông thôn.
Cô Nguyệt chỉ ra rằng: "Việc huy động trẻ khuyết tật ra lớp học hòa nhập luôn được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm nhưng hiệu quả đem lại chưa như mong đợi. Đội ngũ giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Năng lực của một số cán bộ quản lý còn hạn chế trong các khâu điều hành. Gia đình học sinh chưa phối hợp tốt. Vậy nên, tôi quyết tâm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật ngay tại trường của mình".
Từ tháng 10/2018, khi về làm Hiệu trưởng Trường TH Tân Châu I, cô Nguyệt có nhiều thuận lợi hơn để giúp trẻ khuyết tật hòa nhập. Các giải pháp của cô đã bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, năm học 2018 - 2019, trường có 8/570 học sinh khuyết tật học hòa nhập, chiếm tỷ lệ 1,4% (cuối năm có 2 em hoàn thành chương trình bậc Tiểu học). Năm học 2019 - 2020 có 6/553 học sinh khuyết tật học hòa nhập, chiếm tỷ lệ 1,1%, gồm nhiều dạng khuyết tật như câm điếc, trí tuệ chậm phát triển, khuyết tật về ngôn ngữ…
Nỗ lực "gieo mầm trên đất khó"
Để có được những phương pháp giảng dạy hiệu quả và tìm kiếm giải pháp cho công tác giáo dục hòa nhập, cô Nguyệt đã không ngừng học hỏi khắp nơi. Cô tham gia nhiều lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh về trẻ khuyết tật, kể cả các chương trình tập huấn của chuyên gia nước ngoài về công tác giáo dục hòa nhập. Càng đi nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh thiệt thòi thì cô lại quyết tâm giúp đỡ các em khuyết tật như người nông dân "gieo mầm" trên đất khó.
Trong quá trình nghiên cứu của mình, cô Bùi Thị Nguyệt đã đề ra 5 nhóm giải pháp để thực hiện gồm: công tác quản lý của Hiệu trưởng; Tổ khối chuyên môn; giáo viên chủ nhiệm; Công tác phối hợp với các đoàn thể trong nhà trường; Sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và cộng đồng.
Trong đó, giáo viên chủ nhiệm được xác định là nhân tố đóng vai trò quyết định. Vì vậy cô đã cho ứng dụng "Một số giải pháp giúp giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác giáo dục trẻ khuyết tật học hòa nhập" ra ngoài thực tế. Theo đó, mỗi lớp được phân bố không quá 2 học sinh khuyết tật, và chọn giáo viên có kinh nghiệm để dạy các lớp này.
Cô Nguyệt cho biết: "Giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi với các em vì vậy họ phải là người hiểu rõ nhu cầu và năng lực của từng trẻ khuyết tật để xây dựng mục tiêu giáo dục phù hợp, tổ chức các mối quan hệ giữa học sinh bình thường với học sinh khuyết tật. Từ đó xây dựng chương trình học phù hợp cho từng em"
Cô Phan Thị Thắm, giáo viên chủ nhiệm của lớp 4A3,Trường TH Tân Châu I chia sẻ: "Tôi đã áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy từ cô hiệu trưởng hướng dẫn. Ví dụ như giáo viên phải đặt câu hỏi dễ để khuyến khích em trả lời. Qua mỗi lần trả lời sẽ giúp các em mạnh dạn hơn. Đặc biệt là phải hiểu cảm xúc của từng em. Nhờ vậy mà thời gian qua, nhiều em đã có những chuyển biến rõ rệt và tiến bộ nhiều về mọi mặt, đặc biệt là những kỹ năng hòa nhập cộng đồng".
Bằng trái tim yêu thương của người mẹ và kiên nhẫn của người cô giáo, công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật ở địa phương của cô Nguyệt đang từng ngày được quan tâm. Phụ huynh cũng đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của giáo dục hòa nhập. Quan trọng hơn, nhiều trẻ em khuyết tật đã vượt qua mặc cảm và khó khăn của tật nguyền mà mạnh mẽ vươn lên với ý thức "tàn nhưng không phế".