pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Cơn ác mộng” bạo lực súng đạn tại Mỹ
Người thân an ủi một bé gái bên ngoài trường tiểu học Robb
"Căn bệnh trầm kha"
Salvador Ramos, kẻ được cảnh sát xác nhận là nghi phạm chính, đã bị tiêu diệt tại chỗ. Đây là vụ bạo lực súng đạn mới nhất xảy ra tại Mỹ trong vòng 10 ngày qua, sau khi một thanh niên 19 tuổi dùng súng trường giết chết 10 người ở khu Buffalo, New York.
Theo Gun Violence Archive, một tổ chức thu thập dữ liệu độc lập, tính đến ngày 24/5 (ngày thứ 144 trong năm 2022), nước Mỹ đã chứng kiến 212 vụ xả súng đẫm máu. Năm 2021, nước Mỹ ghi nhận 693 vụ xả súng, trong đó có 34 vụ xảy ra tại các cơ sở giáo dục. Con số 2 năm trước đó lần lượt là 611 và 417 vụ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dùng hai từ "đại dịch" để mô tả về vấn nạn bạo lực súng đạn diễn ra tại đất nước này thời gian qua.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), số người chết vì súng đạn ở Mỹ đã tăng cao kỷ lục trong năm 2020, một phần đến từ tác động của đại dịch Covid-19 và tình trạng nghèo đói ở nhiều bang. Có tổng cộng 45.222 người chết vì nhiều nguyên nhân liên quan đến súng trong năm 2020. Con số này thể hiện mức tăng 34% so với năm 2019 và tăng 75% so với thập kỷ trước.
Còn Everytown for Gun Safety, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, công bố báo cáo cho thấy, thương vong do bạo lực súng đạn trên đường phố Mỹ tăng báo động. Theo đó, năm 2021, trung bình cứ 17 giờ lại có 1 người bị bắn trên đường phố Mỹ, tăng hơn 200% so với năm 2016.
Những vụ xả súng liên tiếp đã gióng lên hồi chuông báo động về nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ. "Căn bệnh trầm kha" này tiếp tục đặt ra thách thức lớn đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc tìm ra phương thức hữu hiệu để sớm bịt những "lỗ hổng" trong quản lý súng đạn, đưa nước Mỹ thoát khỏi nỗi ám ảnh kéo dài nhiều năm qua.
Vũ khí càng nhiều, bạo lực súng đạn càng tăng
Số lượng súng khổng lồ ở Mỹ, nơi người dân có thể sở hữu dễ dàng, được coi là nguyên nhân chính khiến nước này ghi nhận hàng loạt vụ xả súng. Việc gia tăng bạo lực súng đạn xảy ra ở khắp các thành phố cũng đặt gánh nặng lên lực lượng thực thi pháp luật sở tại.
Ngành công nghiệp vũ khí ở Mỹ đã bùng nổ trong hơn 20 năm qua. Giai đoạn năm 2000, cả nước Mỹ có 2.222 công ty sản xuất vũ khí đang hoạt động thì năm 2020, đã có 16.963 công ty. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, trong 2 thập kỷ, các nhà sản xuất súng đạn tại Mỹ đã cung cấp cho thị trường thương mại nước này hơn 139 triệu khẩu súng, trong đó có 11,3 triệu khẩu tính riêng năm 2020. Có 71 triệu khẩu súng được nhập khẩu trong cùng kỳ. Con số súng được xuất khẩu chỉ rơi vào khoảng 7,5 triệu.
Các nhà chức trách cũng phải đối mặt với sự gia tăng của cái gọi là vũ khí "ma", vũ khí có thể được sản xuất tại nhà với giá vài trăm USD và một số bộ phận có thể được mua trực tuyến hoặc sản xuất bằng máy in 3D. Không giống như súng do nhà máy sản xuất, chúng không có số series. Vì loại tự chế này không được coi là súng nên không yêu cầu giấy phép sử dụng súng hoặc lý lịch hình sự và sức khỏe tâm thần của người mua. Theo báo cáo, năm 2021, cảnh sát Mỹ đã thu hồi được 19.344 vũ khí "ma", so với 1.758 vào năm 2016.
Theo nghiên cứu của giáo sư Adam Lankford, nước Mỹ chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu nhưng sở hữu tới 42% số súng trên thế giới. Còn theo hãng tin CNN, người Mỹ sở hữu trung bình 120,5 khẩu súng/100 dân, gấp đôi so với Yemen là 52,8 khẩu súng/100 người. Trong năm 2020, đã có 23 triệu khẩu súng được mua ở Mỹ, mức cao kỷ lục. Trong hơn một nửa số vụ xả súng tại Mỹ, nghi phạm đều sở hữu nhiều hơn một khẩu súng và nhiều người trong số này chưa từng có súng trước khi thực hiện tội ác.
Lý giải về vấn đề này, giáo sư Lankford cho biết: "Việc tiếp cận súng ở Mỹ rất dễ dàng, thậm chí ngay cả với những người có nguy cơ cao. Khả năng người Mỹ bị giết trong một vụ xả súng ở nơi làm việc hoặc trường học còn cao hơn nguy cơ trúng đạn gần các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Theo luật, các cửa hàng súng chỉ được bán các phiên bản bán tự động nhưng người mua súng vẫn có thể cải tiến nó thành súng tự động với báng súng đẩy".
Mỹ là một trong số ít quốc gia trên thế giới quy định quyền sở hữu súng trong Hiến pháp. Song, siết chặt quản lý súng là một trong những chủ đề gây chia rẽ sâu sắc tại chính trường Mỹ nhiều năm qua. Do có quan điểm trái ngược, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể tìm được tiếng nói chung trong việc thúc đẩy các chính sách về vấn đề này. Hơn nữa, ngành sản xuất và kinh doanh súng đạn mang lại lợi nhuận khổng lồ mỗi năm.
Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) được coi là tổ chức có khả năng vận động hành lang mạnh mẽ, từng ngăn Hạ viện Mỹ thông qua các dự luật về kiểm soát súng đạn. Theo dữ liệu của tổ chức phi chính phủ Open Secrets, NRA chi khoảng 3 triệu USD một năm để gây ảnh hưởng đến các chính sách về súng đạn. Năm 2016, NRA đã gây quỹ 55 triệu USD cho các ứng cử viên Tổng thống và Hạ viện. Đây là lý do khiến qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, các dự luật về kiểm soát súng đạn không thể đi đến đích.
Năm ngoái, Hạ viện Mỹ thông qua 2 dự luật để mở rộng kiểm tra lý lịch với việc mua vũ khí. Một dự luật sẽ xử lý được lỗ hổng trong việc bán súng đạn trực tuyến và bán tư nhân. Dự luật còn lại kéo dài thời gian kiểm tra lý lịch. Tuy nhiên, cả 2 dự luật đều không vượt qua được ải Thượng viện đang có tỉ lệ 50-50, nơi đảng Dân chủ cần ít nhất 10 phiếu của đảng Cộng hòa để có thể được thông qua.
Ngay sau vụ xả súng xảy ra ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu người dân nước này đấu tranh và gây áp lực đối với các thành viên của Quốc hội nhằm thông qua các dự luật kiểm soát súng đạn.