Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương, Côn Đảo tích cực "tìm đường" phát triển du lịch bền vững với các tour trải nghiệm độc đáo, mới mẻ gắn với bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học.
Theo báo cáo của UBND huyện Côn Đảo, tổng lượt khách du lịch trong năm 2023 ước đạt 586.000 lượt khách, đạt 117,85% nguyên quý, tăng 11,94% so với cùng kỳ (khách quốc tế chiếm khoảng 17.000 lượt).
Trong đó, có 33.237 lượt (4.144 lượt khách nước ngoài) tham quan du lịch sinh thái; 242.207 lượt (3.032 lượt khách nước ngoài) khách tham quan di tích Côn Đảo. Những con số tăng trưởng tích cực này cho thấy Côn Đảo vẫn là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, tâm linh cũng như đa dạng các loại hình du lịch mới mẻ khác.
Nằm cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách TP Hồ Chí Minh 120 hải lý, Côn Đảo nổi tiếng với khí hậu ôn hòa, khung cảnh thiên nhiên rừng, biển hùng vĩ. Nhìn từ trên bản đồ, Côn Đảo như một chú gấu vươn mình ra biển Đông, tụ hội cùng 16 hòn đảo nhỏ. Màu xanh thẫm của những quả đồi nằm giữa biển khơi, kết hợp với nền trời xanh trong veo, nước biển óng ánh dưới nắng rực rỡ, Côn Đảo hiện lên lấp lánh như viên kim cương giữa đại dương.
Vẻ đẹp biển trời bao la giúp Côn Đảo nhận được hàng loạt giải thưởng ấn tượng như tốp 10 hòn đảo bí ẩn, lãng mạn nhất thế giới do tạp chí Lonely Planet bình chọn năm 2011, tốp 9 hòn đảo mang vẻ đẹp tiềm ẩn đáng để du lịch trong mùa đông, theo tạp chí nổi tiếng Vogue Paris năm 2019 hay tốp 16 hòn đảo du lịch hè đáng khám phá nhất trong năm 2023, theo bình chọn của CNTraveler.
Sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, giao hòa đất trời, từ xa xưa, Côn Đảo được biết đến là vùng "đất lành chim đậu", người Việt ra đây sinh cơ, lập nghiệp hàng bao đời. Nhiều sự tích, truyền thuyết thiêng liêng về nơi đảo ngọc hoang sơ nhưng cũng đầy lãng mạn. Đó là giai thoại về bà thứ phi Phi Yến – vợ Chúa Nguyễn Ánh tự vẫn để giữ gìn danh tiết hay câu chuyện chị Võ Thị Sáu – Anh hùng lực lượng vũ trang kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Đây được coi là hai vị phúc thần bao năm chở che cho người dân trên hòn đảo thiêng này.
Nhắc đến Côn Đảo, người Việt còn tưởng nhớ về một thời kháng chiến hào hùng nhưng cũng đầy đau thương. Những Chuồng Bò, Chuồng Cọp, Sở Muối, Sở Lò Vôi… trong nhà tù Côn Đảo khắc nghiệt đã giam giữ và lưu đày hàng vạn tù nhân chính trị đấu tranh cho quyền độc lập, tự do và thống nhất Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp.
Ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đi trước, nghĩa trang Hàng Dương được lập nên để người Việt ở khắp mọi nơi trên tổ quốc đến thăm viếng, bày tỏ lòng biết ơn với những người chiến sĩ cách mạng, chí sĩ yêu nước anh hùng đã nằm xuống. Có lẽ không có nghĩa trang nào ở Việt Nam lại đặc biệt như ở nơi này. Nghĩa trang Hàng Dương luôn đông người viếng cho đến tận 21h đêm, nghi ngút hương khói từ các khách thập phương thăm viếng.
Ngoài ra, bảo tàng Côn Đảo, chùa Vân Sơn, chùa Đất Đỏ, đền Cô Thạch, đền Cô Ba… với kiến trúc độc đáo và khung cảnh yên bình cũng là những địa điểm du lịch tâm linh giúp du khách hiểu sâu hơn về văn hóa và lịch sử của Côn Đảo.
Không những vậy, các lễ hội truyền thống và các hoạt động tôn giáo thường xuyên được tổ chức, tạo nên không khí linh thiêng và trang nghiêm. Việc kết hợp giữa tâm linh và văn hóa tạo nên một bức tranh độc đáo, đặc trưng nơi đảo thiêng, thúc đẩy ngành du lịch tâm linh phát triển ở Côn Đảo.
Những hành động thiết thực để phát triển du lịch mà vẫn bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học ở Côn Đảo được các cấp lãnh đạo và người dân tích cực thực hiện. Nhiều loại hình du lịch sinh thái; du lịch kết hợp với bảo vệ thiên nhiên, động vật quý hiếm được triển khai tại nơi đây.
Độc đáo nhất có thể kể đến tour du lịch bảo tồn vích biển, xem rùa đẻ trứng, thả rùa về biển. Du khách khi tham gia tour sẽ được tìm hiểu quá trình ấp và bảo tồn trứng, đồng thời trải nghiệm thả rùa con mới nở ra biển vào lúc sáng sớm. Nhân viên trạm kiểm lâm sẽ phổ biến cách thức thả rùa con về biển như không chắn lối ra biển, không giẫm đạp hay sờ nắn mạnh tay với rùa con...
Cảnh tượng hàng trăm chú rùa con chập chững bò trên bãi cát, trước khi hòa vào dòng nước biển xanh trong còn ngoái đầu nhìn lại khiến nhiều du khách trải nghiệm không khỏi bùi ngùi xúc động. Đồng thời, tìm hiểu về cách rùa đẻ trứng cũng như chứng kiến bản năng đi tìm sự sống của rùa con sẽ giúp du khách có thêm nhiều kiến thức về thế giới đại dương bao la, từ đó lại thêm yêu và muốn khám phá thiên nhiên hoang dã.
Ngoài ra, những tour trekking xuyên rừng cũng thu hút những du khách ưa trải nghiệm mạo hiểm tham gia. Hiện 2 tour trekking xuyên rừng nổi tiếng nhất tại Côn Đảo là Sở Rẫy và Thánh Giá. Du khách trekking xuyên rừng sẽ thực sự được hòa mình vào thiên nhiên xanh trong lành, khám phá hệ sinh thái đa dạng trong khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, nhiều cây cổ thụ, dây leo và động vật quý hiếm. Đặc biệt, khi lên tới đỉnh Thánh Giá cao 557m so với mực nước biển, du khách được chiêm ngưỡng toàn bộ Côn Đảo với một tầm nhìn rộng lớn, ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ một cách trọn vẹn nhất.
Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã xác định nhiệm vụ tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong khu dự trữ sinh quyển, rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Côn Đảo và đầu tư mở rộng cảng hàng không Côn Đảo.
Để thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, Côn Đảo chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên đảo như: bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển với nhiều biện pháp như xây dựng hệ thống xử lý nước thải và rác thải; xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong du lịch; bảo vệ môi trường sống thiên nhiên, cảnh quan; tăng cường giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ… Đồng thời, tích cực kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại đảo.
Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia trải nghiệm lặn biển, ngắm nhìn thế giới đại dương bao la với san hô đủ sắc màu cùng những loài sinh vật biển tuyệt đẹp khác như ốc biển, hải sâm, rùa biển, cá giò, cá nược… Khu vực có hệ sinh thái biển phát triển nhất phải kể đến Hòn Tài hay Hòn Bảy Cạnh Côn Đảo với nước biển trong vắt, hệ sinh thái nhiệt đới hải đảo tạo nên 882 loài thực vật và gần 150 loài động vật.
Đa dạng hóa trải nghiệm du lịch, du lịch gắn liền với bảo tồn sinh học không chỉ kích thích trí tò mò, giúp du khách hiểu hơn về tầm quan trọng của thiên nhiên mà còn tạo ra nguồn thu gián tiếp cho các dự án bảo tồn môi trường và động vật. Đồng thời, tạo thêm cơ hội cho người dân địa phương tham gia vào ngành du lịch, kiếm thu nhập từ việc hướng dẫn, cung cấp dịch vụ và bán các sản phẩm độc đáo của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Để các tour du lịch mới mẻ, độc đáo tại Côn Đảo phát triển mà không phá vỡ cân bằng sinh học, mô hình "kinh tế tuần hoàn" đã và đang được thực hiện tại Côn Đảo để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các tồn tại và thách thức về vấn đề môi trường, năng lượng.
Theo đó, 6 nhóm giải pháp được thực hiện gồm: Giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn; Giảm thiểu rác thải, không rác thải nhựa; Tuần hoàn nước; Phát triển giao thông xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng; Bảo tồn đa dạng sinh học; Du lịch bền vững gắn với áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Lãnh đạo địa phương đề xuất Côn Đảo có thể tái sử dụng đất suy thoái cho canh tác nông nghiệp kết hợp du lịch. Theo đó, cộng đồng địa phương có thể tái tạo và bảo tồn các khu rừng nguyên sinh thông qua các khu nghỉ dưỡng sinh thái.
Đồng thời, địa phương có thể phục hồi đa dạng sinh học bằng việc bổ sung các loài động vật hoang dã hoặc các tour du lịch cho du khách trồng cây tại điểm đến. Ngoài ra, những tour du lịch gắn với di tích văn hóa lịch sử, làng nghề hay sản phẩm thủ công của địa phương cần được phát triển, không những giúp quảng bá du lịch gắn với các giá trị truyền thống mà còn tạo cơ hội cho du khách chia sẻ trách nhiệm xã hội, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, địa phương cần tìm kiếm nguồn kinh phí từ các quỹ quốc tế để đóng góp vào các chương trình toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy giá trị văn hóa, xã hội. Không những vậy, thu hút thêm nguồn kinh phí từ tư nhân và doanh nghiệp thông qua các dự án thử nghiệm sản xuất, xây dựng các chính sách quản lý và khuyến khích để khuyến nghị việc chuyển đổi nền kinh tế hiện tại theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn thành công tại Côn Đảo, lãnh đạo địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để họ nhận thức rõ mô hình kinh tế tuần hoàn và áp dụng vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Từ những hành động nhỏ như giảm sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, phân loại rác, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện… đều có thể tạo ra những thay đổi lớn trong tương lai, góp phần giúp Côn Đảo ngày một xanh - sạch - đẹp.
Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo sẽ phát triển nhanh chóng và bền vững, với những bước tiến đột phá. Việc triển khai đề án cũng hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cụm ngành kinh tế chủ lực, thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, thu hút khách hạng sang, tăng doanh thu ngành du lịch cho Côn Đảo cũng như kéo theo sự phát triển bền vững của các cụm ngành kinh tế phụ trợ, tái tạo nguồn vốn tự nhiên, con người và xã hội dựa trên cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn cho các hoạt động thực tế tại địa phương.
Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông
Côn Đảo - Viên ngọc xanh