Công chức, viên chức sống bằng lương, thu nhập tăng thêm hay bằng “lậu”?

Hưng Long
31/10/2020 - 06:46
Công chức, viên chức sống bằng lương, thu nhập tăng thêm hay bằng “lậu”?

Giáo sư Trần Hồng Quân (ảnh nhỏ bên trái) và Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (ảnh nhỏ bên phải).

Từ sự việc ông Lê Vinh Danh – cựu Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng hưởng mức thu nhập hơn 556 triệu đồng trong tháng 9 đã có một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Thời gian qua, dư luận xã hội xôn xao về thông tin Trường Đại học Tôn Đức Thắng chi trả thu nhập tháng 9 cho ông Lê Vinh Danh – cựu Hiệu trưởng nhà trường hơn 556 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, đã có sự chênh lệch lớn trong cách phân phối thu nhập của Hiệu trưởng và các giảng viên, nhân viên của Nhà trường.

Trước đó, ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng bị Đảng Ủy khối Đại học - Cao đẳng TPHCM và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam kỷ luật cách chức về Đảng và chuyên môn do vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, công tác cán bộ, quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng và chấp hành các chỉ đạo của cấp trên.

Cán bộ công chức, viên chức đang dần bỏ nghề để đi làm kinh doanh

Câu chuyện chi trả thu nhập cho người lao động theo cơ chế tự chủ tài chính luôn là mối quan tâm của dư luận xã hội. Trao đổi với Phóng viên Báo PNVN, Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội đại học và cao đẳng Việt Nam - nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo đã phân tích về cơ chế tự chủ trong các trường đại học.

Giáo sư Trần Hồng Quân nói, thực ra, mức lương của các trường hay mức lương của bộ máy nhà nước cũng thế. Cán bộ, viên chức có mức lương không đủ sống thì người lao động phải tìm công việc khác để làm thêm. Nếu chính đáng đi nữa thì cũng phải "chân trong, chân ngoài" và không chuyên tâm với công việc.

Ngoài ra, nếu để kiếm sống thì có khi phải làm những công việc không chính đáng. Thậm chí, có thể lợi dụng chức quyền của mình để "làm khó, làm dễ" nhằm kiếm tiền thêm...

Dù sao người lao động vẫn phải sống. Một nghịch lý là, cái gọi là lương để trả cho cái gọi là lao động, nhưng lương không ra lương nên không thể ép người ta phải lao động để ra lao động được, vì người ta phải làm cái khác để sống. Đây là tính phổ biến của hệ thống không thể không khắc phục.

Một xã hội xét cho cùng vẫn 2 câu chuyện lớn nhất đó là lao động và thu nhập. Lao động tạo ra sản phẩm và tất cả cuộc sống cho xã hội. Thu nhập tạo ra động lực cho lao động đó. Nếu không giải quyết thỏa đáng thì sẽ gây rối cho xã hội. Đây là vấn đề cụ thể và kể cả hệ thống bộ máy nhà nước phải trả lương tương xứng cho lao động. Vì vậy, người lao động có quyền đòi hỏi mức lương cho phù hợp với công sức đã bỏ ra.

Đối với cán bộ nhà nước nếu lương không đủ sống thì làm sao chuyên tâm làm công việc của cán bộ, nên phải đi làm những công việc khác. Nên như thế sẽ gây ra sự phân tâm và gây ra tiêu cực. Vấn đề này đang là sự quan tâm và kéo dài trong thời gian qua.

Giáo sư Trần Hồng Quân đánh giá về mức lương của giáo viên mà nhất là giáo viên phổ thông, có những người yêu nghề và cống hiến hàng chục năm luôn chịu cảnh thiếu thốn. Với sức lao động như thế khi đi làm công việc khác, ở môi trường giáo dục ngoài công lập thì đầy đủ hơn để lo cho cuộc sống gia đình. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không tính toán đến mức thu nhập hợp lý cho người lao động thì không thể giữ chân được đội ngũ thầy giáo.

Công chức, viên chức sống bằng lương, thu nhập tăng thêm hay bằng “lậu”? - Ảnh 1.

Trường đại học Tôn Đức Thắng

Đáng lý ra, hệ thống giáo dục công lập phải giữ chân được nhiều nhà giáo giỏi, nhà giáo ưu tú, có phẩm chất tốt để làm thầy giáo và trả lương và thu nhập thật sự tương xứng. Những người thầy giáo yêu nghề thì bám lấy nghề nhưng cuộc sống rất khổ sở.

Giáo sư Quân băn khoăn: "Những người không yêu nghề thì bỏ nghề để đi làm việc khác. Câu chuyện thầy giáo bỏ nghề cũng như cán bộ công chức, viên chức đang dần bỏ nghề để đi làm kinh doanh".

Việc có tiếng ra, tiếng vào là điều khó tránh khỏi

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng: Cơ chế tiền lương và phân bổ thu nhập của Đại học Tôn Đức Thắng chính là chìa khoá hay cách thức giải quyết bài toán mà Việt Nam đã đau đầu trong nhiều năm qua.

Lương không đủ sống mà ai cũng sống phản ánh thực trạng của Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác. Cái phần giúp nhiều người làm trong khu vực công sống được đó chính là tiêu cực và tham nhũng. Nói thẳng ra đó là sự xấu xa cần loại bỏ. Chúng đã và đang làm băng hoại đạo đức xã hội, gây ra tình trạng bất công, giảm sút niềm tin của công chúng.

Chiến dịch chống tham nhũng hiện tại có lẽ đã ngăn chặn được việc Việt Nam có khả năng rơi vào vết xe đổ của một số nước mà tham nhũng làm tan rã các chế độ, đẩy lùi sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn phải là đưa những thu nhập không chính thức trở thành chính thức.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du lập luận, con voi lù lù giữa phòng mà ai cũng thấy là thu nhập của không ít những người làm ở các đại học, nhất là những người có vị trí lớn hơn rất nhiều tiền lương chính thức của họ - có thể còn cao hơn đáng kể mức thu nhập được công bố của ông Lê Vinh Danh. Có ai đảm bảo đó là những khoản thu nhập do công sức của những người đó đóng góp cho sự phát triển của nhà trường hay nhờ vị trí của họ? Hơn thế, thường thì những khoản thu nhập như vậy là không đóng đủ thuế thu nhập.

Trái lại, với cách làm của trường đại học Tôn Đức Thắng, thu nhập của các vị trí tương xứng với công sức của mỗi cá nhân bỏ ra và họ đóng thuế đầy đủ. Họ đã thiết kế ra được cơ chế mà những ai có khả năng là có thể phát huy và sống khỏe bằng chuyên môn và năng lực của mình. Với mức thu nhập dựa vào chuyên môn đủ sống như vậy thì giá trị và nhân cách của các thầy cô được đảm bảo hơn, vì họ không phải lo "mánh mung".

Ông Lê Vinh Danh và các đồng sự của mình đã có thể sử dụng hiệu quả các nguồn lực được giao, tận dụng được các cơ hội để biến một trường đại học rất ít được biết đến thành một trường có tên tuổi, với cơ sở vật chất và thực lực có thể cạnh tranh sòng phẳng với những "cây đa cây đề" trong ngành giáo dục Việt Nam được ưu ái rất nhiều về ngân sách và các nguồn lực khác.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du nhận xét, trong một cơ chế với vô số bất cập, việc sai sót của những người, những nơi tìm cách thoát ra khỏi cái áo cơ chế chật chội thúc đẩy sự phát triển của xã hội là điều khó tránh khỏi. Hơn thế, không mô hình nào có thể thỏa mãn tất cả mọi người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm