pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giáo viên tự chủ hơn trong chuyên môn: Chất lượng giảng dạy có tăng?
Ảnh minh họa: ST
Giáo viên được tự chủ chuyên môn
Theo tinh thần mới của Điều lệ trường tiểu học thuộc Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, hoạt động chuyên môn của các cơ sở giáo dục tiểu học sẽ được tăng cường phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng thành viên, tổ chức và tập thể nhà trường. Từ đó, giáo viên được quyền chủ động nhiều hơn, thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục. Thầy cô không chỉ được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh, mà còn phải chịu trách nhiệm về hiệu quả giáo dục của mỗi một học sinh lớp mình phụ trách. Một điểm nữa là trong các nhiệm vụ của mình, người giáo viên được yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và sinh hoạt chuyên môn; sáng tạo, linh hoạt trong việc tự làm đồ dùng dạy học.
Với những nội dung được cập nhật, phần lớn giáo viên đều đồng tình ở khía cạnh được linh hoạt lên kế hoạch bài giảng, lựa chọn cách thức giảng dạy phù hợp, hiệu quả thay vì phải tuân thủ theo những chương trình được chốt "cứng" như trước. Cô Nguyễn Thu Hiền (giáo viên lớp 1 tại TP.Đồng Hới, Quảng Bình), chia sẻ, riêng việc lựa chọn nhiều đầu sách khác nhau trong bộ sách giáo khoa mới năm nay sẽ tạo động lực sáng tạo không nhỏ cho giáo viên để mang đến không khí mới cho bài giảng.
"Trước đây, cứ dạy hết tiết nào phải dứt điểm tiết ấy để đảm bảo chương trình khung đã được lên nhưng nay giáo viên có thể "co kéo" để miễn sao chương trình mỗi môn học vẫn được đảm bảo nhưng không bị động, phần nào các em chưa hiểu thì có thể gia công thêm thời gian, rồi bớt thời lượng của phần kia, tùy mức độ tiếp thu của các em. Tài liệu phục vụ bài học cũng không bị bó buộc, thầy cô có thể tìm thêm các ngữ liệu khác phù hợp với bài giảng. Đây là những điểm mà tôi cho rằng rất hay trong điều lệ mới, giúp giáo viên sáng tạo, linh hoạt hơn trong giảng dạy", cô Hiền phân tích.
Phụ huynh và thầy, cô cùng băn khoăn
Nói gì thì nói, để thực hiện được yêu cầu về chuyên môn và thực hành việc tự chủ trong công tác giảng dạy, đòi hỏi thầy cô giáo phải trau dồi hơn, đầu tư nhiều hơn trong chuyên môn trên cơ sở có sự thống nhất của cả tổ bộ môn để đảm bảo nhất quán trong chương trình giảng dạy. Cô Ngô Hồng Ngọc – giáo viên lớp 3 một trường tiểu học ngoài công lập tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, đội ngũ giáo viên trẻ sẽ có cơ hội được thể hiện sự sáng tạo trong giảng dạy, tuy nhiên làm thế nào để vừa sáng tạo vừa đảm bảo định hướng, thống nhất của cả tổ, là điều mà cô băn khoăn.
"Giáo viên vừa có sáng tạo riêng, vừa đảm bảo thống nhất chung theo định hướng mục tiêu của nhà trường của tổ chuyên môn. Điều này đòi hỏi tính tập thể cao hơn, giáo viên sẽ phải đầu tư thời gian để ngoài giờ lên lớp còn phải ngồi lại với nhau trao đổi chuyên môn, thống nhất các phương pháp. Khối lượng công việc của chúng tôi vì thế sẽ phải nhiều hơn!", nữ giáo viên băn khoăn
Bên cạnh việc dành tâm trí, quỹ thời gian lớn hơn cho công việc chuyên môn bài giảng, giáo viên còn phải sát sao với từng học sinh nhằm đảm bảo đúng đắn, sát sao trong việc đánh giá từng em. Thực tế với đa số cơ sở giáo dục tiểu học công lập ở các tỉnh, thành phố lớn hiện nay, sĩ số học sinh luôn ở mức cao (trên 50 em) sẽ là áp lực không nhỏ cho thầy cô giáo trong việc bao quát việc học của mỗi học sinh.
Đây cũng là điều mà không ít phụ huynh băn khoăn khi bàn về điều lệ mới. Chị Nguyễn Hương Chanh, phụ huynh có con học trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Q.Ba Đình, Hà Nội), cho rằng, chắc chắn thầy cô giáo sẽ phải sát sao hơn với các con để nắm được mặt mạnh, mặt yếu của từng con, từ đó có phương pháp giảng dạy phù hợp.
"Cuối mỗi kỳ học và cuối năm học, việc này sẽ dồn áp lực không nhỏ cho các thầy cô trong việc đánh giá, bên cạnh đó cũng phải đảm bảo tương tác với phụ huynh nữa. Chúng tôi rất chia sẻ với các thầy cô giáo và để con có kết quả học tập rèn luyện tốt nhất, phụ huynh sẵn sàng tương tác, phối hợp với nhà trường, giảm gánh nặng cho giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay!", chị Chanh cho hay.