pnvnonline@phunuvietnam.vn
Công nhân lan tỏa thông điệp phòng chống bạo lực với phụ nữ trong doanh nghiệp
Công nhân - tuyên truyền viên, thành viên nòng cốt Chiến dịch truyền thông sáng tạo có sự tham gia về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tại Công ty CP tập đoàn Hồ Gươm, chi nhánh Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Ảnh PV
Trong các ngày 23 đến 25/11, Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng Ánh sáng – LIGHT với sự hỗ trợ của UN WOMEN, tổ chức khóa đào tạo giảng viên – tuyên truyền viên tại Công ty CP tập đoàn Hồ Gươm, chi nhánh Cẩm Thủy (Thanh Hóa), trong khuôn khổ Dự án "Chiến dịch truyền thông sáng tạo có sự tham gia về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID 19".
Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT, cho biết: Đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều nước trên thế giới gia tăng các hình thái bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Thậm chí, ở các nước như Pháp, Singgarpore đã phải lập ra các trung tâm ứng cứu khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực.
Đối với phụ nữ và trẻ em, các đợt bùng phát dịch bệnh như COVID-19 có thể khiến họ có nguy cơ bị bạo lực cao hơn, bao gồm cả bạo lực trên cơ sở giới. Đối với phụ nữ, dịch bệnh bùng phát có thể làm gia tăng sự tiếp xúc với bạo lực do bạn tình, do chồng, do những thành viên trong gia đình gây ra trong tình trạng căng thẳng gia đình, đặc biệt khi nguồn lực ngày càng cạn kiệt, tác động kinh tế cũng có thể khiến phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực và bóc lột tình dục cao hơn.
Thực hiện Chiến dịch truyền thông sáng tạo về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp và người lao động, theo bà Nguyễn Thu Giang, hoạt động đào tạo giảng viên – tuyên truyền viên tại các xí nghiệp, doanh nghiệp là một trong chuỗi các hoạt động nhằm làm lan tỏa tới tất cả anh chị em công nhân và tạo sức ảnh hưởng ra cộng đồng những thông điệp về phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Điểm mới trong hoạt động này, theo bà Nguyễn Thu Giang, chiến dịch truyền thông nhấn mạnh tới yếu tố sáng tạo của người lao động, họ sẽ chủ động xây dựng thông điệp truyền thông cho phù hợp với điều kiện tại xí nghiệp, đơn vị của mình. Để qua đó các hoạt động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, trẻ em sẽ đi vào thực chất, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Cùng với đó, sẽ có chuỗi các hoạt động do chính người lao động thực hiện như: người lao động nhảy Flashmob tại doanh nghiệp để quay, dựng thành Video nhằm quảng bá thông điệp chính về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh Covid-19. Livestream các sự kiện truyền thông chuyên đề. Đặc biệt, Chiến dịch "14 ngày thách thức" với thông điệp "Phòng chống Covid-19 và Phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em" sẽ được triển khai...
Video Flashmob sẽ được phát trên các kênh online của doanh nghiệp cũng như chia sẻ rộng rãi qua facbook cá nhân của người lao động. Đồng thời các hoạt động vận động doanh nghiệp đưa các động tác nhảy Flashmob với các thông điệp chiến dịch này thành 1 hoạt động thường kỳ giữa các ca làm việc của công nhân, để các thông điệp được duy trì và lan tỏa...
Ông Khương Văn Tài, Phó Giám đốc Chi nhánh Cẩm Thủy (Thanh Hóa), thuộc Công ty CP tập đoàn Hồ Gươm, cho biết: Xí nghiệp May 8 – Chi nhánh Cẩm Thủy, có hơn 600 cán bộ, công nhân may, trong đó hơn 83% là lao động nữ. Trong khi đó, hiểu biết về giới, bình đẳng giới của anh em công nhân vẫn chưa đầy đủ. Công nhân chưa nhận diện được hết các hành vi, hình thức bạo lực trên cơ sở giới; chưa có kiến thức, kỹ năng phòng ngừa và ứng phó khi xảy ra tình huống bạo lực.
Việc đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt về phòng chống bạo lực với phụ nữ, trẻ em trong đội ngũ cán bộ, công nhân của xí nghiệp và rất cần thiết. Theo ông Khương Văn Tài, khi đội ngũ lãnh đạo, quản lý và người lao động được nâng cao được kiến thức, hiểu biết về giới, bình đẳng giới và phòng chống được bạo lực trên cơ sở giới thì cán bộ, công nhân mới có sự an toàn, an tâm và sức khỏe làm việc, tạo năng suất cao hơn.
Theo báo cáo điều tra Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ Việt nam 2019 do UNFPA công bố năm 2020, hầu hết bạo lực đối với phụ nữ đều do người chồng gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác mà không phải là chồng gây ra, thì người gây ra chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%). Có tới 90,4% phụ nữ bị bạo lực về thể xác và/hoặc bạo lực tình dục do chồng gây ra chưa bao giờ tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.