pnvnonline@phunuvietnam.vn
Công nhân ở Bình Dương rơi nước mắt vì mất việc trước Tết
"Chưa có năm nào như năm nay, khổ dữ lắm"
"Vợ tôi đang tìm chỗ để rửa chén, giặt đồ cho người ta để trang trải", nói với chúng tôi, ông Cao Văn Hùng (sinh năm 1954, ngụ Kiên Giang) không khỏi sốt ruột khi phải ở nhà chờ vợ từ sáng tinh mơ đến lúc trời tối khuya, một mình đi tìm việc lắm khắp nơi. Tình cảnh của vợ chồng ông Hùng hiện tại nếu nói xác đáng hơn là "sống qua ngày nào, hay ngày ấy".
"Không tiền không bạc, bà ấy đi tìm việc làm không có, về cũng nghĩ nhiều, lo lắng rồi sinh bệnh. Tôi thấy cũng sốt ruột theo. Chưa có năm nào như năm nay, khổ dữ lắm", ông Hùng nói.
Cách đây 1 năm trước, tai nạn giao thông đã cướp đi khả năng lao động của ông Hùng, mọi sinh hoạt, chi tiêu trong gia đình đều nhờ một tay bà Bảy vợ ông gánh vác. Tuy nhiên, từ thời điểm bà Bảy mất việc bất ngờ, mỗi một ngày trôi qua, là một ngày khó khăn thêm chất chồng với cặp vợ chồng gần 70 tuổi này.
Sau khi bị tai nạn giao thông, ông Hùng mất khả năng lao động, sinh hoạt trong gia đình toàn phần đều dựa vào vợ.
"Tiền phòng, tiền điện, tiền nước chưa kể gạo, mắm, muối trong nhà là hơn 1 triệu đồng. Nếu vợ tôi làm ra tiền thì cả hai vợ chồng ăn được con cá còn nếu không có sở làm (việc làm) thì ăn cơm trắng qua ngày. Bà con lối xóm thương người cho chút gạo, tôi ở nhà thôi thì ăn sao cũng được, còn vợ tôi đi làm, tôi muốn phụ nhưng chân tôi đi đứng không được, có xin người ta cũng không nhận".
Hai vợ chồng ông Hùng đã có 10 năm sống và làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, trong đó có hơn 4 năm bà Bảy hơn gắn bó với công ty hiện tại, việc bà Bảy bị cắt hợp đồng một cách bất ngờ là điều mà cả hai vợ chồng không lường trước được.
"Người vào chính thức người ta còn để lại, còn người làm thời vụ như tôi đều bị cho nghỉ. Ở quê không có đất cát, gia đình cũng ly tán đi hết, không còn người thân. Nên vợ chồng tôi chỉ có thể ở lại Bình Dương. Giờ có ai kêu gì vợ tôi đi làm đó, sáng sớm là bà ấy đi dài xuống dưới chợ tìm việc làm, tối thì về nhà ăn cơm."
"Chưa có năm nào như năm nay, hồi dịch thấy vậy mà còn được người ta phát cơm, cho tiền. Chân của tôi như vậy tôi không mong gì hết, nhưng mà vợ tôi tôi chỉ mong bà ấy có chỗ làm để bà ấy không lo lắng, không nặng lòng nữa", ông Hùng Nói tiếp.
Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, điều này đã tác động rất lớn đến đời sống của người lao động đặc biệt là trong giai đoạn cận Tết 2023. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Bình Dương đã có hơn 20.000 lao động bị nghỉ việc không lương, đó là chưa kể có đến hơn 200 nghìn người lao động khác bị giảm giờ làm.
Tại cụm khu công nghiệp toạ lạc ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, phần lớn người dân tại khu vực này đều biết đến câu chuyện các công ty, nhà máy đồng loạt sa thải nhân viên, cả chính thức lẫn thời vụ, câu chuyện thưởng Tết từ hiển nhiên giờ đây đã trở thành câu chuyện "nằm ngoài mong đợi" của hàng chục nghìn người lao động.
Làm công nhân để kiếm tiền trả nợ, nhưng nào ngờ...
Không khá hơn hoàn cảnh của ông Hùng, vợ chồng chị Trương Thị Hà (1988, ngụ Phan Rang) cũng rơi vào tình cảnh mất việc một cách bất ngờ trước Tết.
"Họ bảo tôi làm ngày chủ nhật, trong khi đó từ thứ 2 đến thứ 7 hai vợ chồng tôi đều làm tới 9 giờ tối, vì làm không nổi chủ nhật nữa nên họ không cho làm nữa", chị Hà kể.
Chị Hà cho biết từ thời điểm công ty cho thôi việc bất ngờ, vợ chồng chị rơi vào cảnh gian nan tìm việc làm xoay sở từng ngày. Đồ đạc đều được xếp gọn, chị Hà chỉ còn chờ chồng về để tính việc nên về quê hay ở lại Bình Dương.
Chị Hà rời quê lên Bình Dương trông chờ một cơ hội mới, nhưng công nhân thất nghiệp khắp nơi nên chỉ còn biết trông chờ vào số phận.
"Từ trước giờ tôi không biết làm công nhân như thế nào, tôi chỉ buôn bán ngoài chợ sau đó vì lỗ và quá khó khăn nên chồng mới nói tôi lên Bình Dương làm công nhân. Nhưng tôi thấy nó bấp bênh, khó khăn nối tiếp khó khăn, trước kia tôi buôn bán lỗ nên còn nợ tiền người ta, định làm rồi dành dụm trả dần nhưng giờ đến cả tiền thưởng Tết còn không dám mong".
Cả hai vợ chồng chị Hà có tổng cộng 3 người con, cả ba đều đang sống với ông bà và mỗi tháng đều chờ tiền lương của ba mẹ gửi về.
Theo chị Hà, cả hai vợ chồng chị đã bàn tính việc cùng nhau về quê làm lại, người nhà cũng đang rất mong quyết định về quê hay ở lại Bình Dương của cả hai vợ chồng. Những ngày chồng đi tìm việc bên ngoài, đồ đạc trong nhà chị Hà đã sắp xếp sao cho gọn nhất có thể, chỉ chờ ngày được về lại quê hương.
Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều người lao động xung quanh cụm nhà máy ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương sau thời gian dài không tìm được việc, gặp nhiều khó khăn nên đã thu xếp về lại quê nhà. Số lượng nhà trọ trống bắt đầu gia tăng, nhiều khu vực trống đến 50% số phòng, trong khi đó thời điểm trước dịch Covid-19, những dãy trọ ở khu vực này đều kín người.
"Sau dịch người ta tìm phòng không có mà ở, giờ công nhân họ thất nghiệp họ trả phòng về quê hết rồi, nên giờ trống phòng rất nhiều", anh Xuân (chủ sở hữu hơn 50 phòng trọ ở gần Công ty Gỗ Đức Thành) cho hay.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Xuân cho biết thời điểm dịch bệnh, nhiều người lao động vì túng thiếu phải mượn nợ sống qua ngày, việc về quê vào thời điểm này là lựa chọn cuối cùng của họ.
Số liệu của đơn vị Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại đã có 13 nghìn người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động. Cũng theo đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương chia sẻ, đơn vị sẽ kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh trích kinh phí hỗ trợ cho người lao động mất việc trước dịp Tết Quý Mão 2023.