Cử tri rất sợ phải luẩn quẩn trong thí điểm, thay sách

21/05/2019 - 16:12
Triết lý giáo dục là vấn đề được đưa ra tranh luận không phải lần đầu tại nghị trường Quốc hội. Bàn tới bàn lui, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) dù sẽ được thông qua vào kỳ họp này, song vẫn chưa đi đến thống nhất vấn đề việc đặt vấn đề triết lý giáo dục như thế nào để toát lên được tinh thần trong dự luật.

Sợ… thí điểm triết lý giáo dục

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) trong phát biểu góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại nghị trường Quốc hội sáng nay, 21/5, đã thẳng thắn cho rằng không cần phải “đẻ” ra triết lý giáo dục làm gì. Lý do ông đưa ra là cử tri rất sợ phải luẩn quẩn, loay hoay trong thí điểm, trong thay sách, thay thiết bị, rồi lại tập huấn lãng phí tốn kém.

Theo ông, Luật Giáo dục có tầm ảnh hưởng lớn tới từng gia đình, là nền tảng cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Giáo dục là sự nghiệp của nhân dân, toàn dân và trách nhiệm của từng gia đình. Các nghị quyết của Đảng và cụ thể là Nghị quyết số 29 đã quy định rất rõ quan điểm, mục tiêu, mục đích, giải pháp về giáo dục.

201806041528129650_dinh-duy-vuot-gia-lai.jpg
Đại biểu Đinh Duy Vượt. Ảnh: VPQH 

Ông dẫn lời Bác Hồ dạy, rằng ai cũng hiểu về mục tiêu, mục đích của giáo dục, về vị trí, vai trò của người thầy, thực tiễn lịch sử đã chứng minh giáo dục nước nhà đã sinh ra các nhà chính trị, quân sự, khoa học… được thế giới ngưỡng mộ và nay thì thêm nhiều doanh nhân có tên tuổi góp phần phát triển đất nước. Tất cả đều là sản phẩm của nền giáo dục cách mạng xưa và nay.

“Triết lý giáo dục, theo tôi đã rõ cả về lý luận và thực tiễn, thuyết phục hiệu quả. Ở từng giai đoạn chỉ cần chắt lọc tinh hoa giáo dục, thích ứng, bổ sung, cập nhật phù hợp trong xu thế hội nhập quốc tế. Vì vậy cử tri tha thiết đề nghị và mong muốn đừng đẻ ra triết lý giáo dục rồi lại luẩn quẩn, loay hoay trong thí điểm, trong thay sách, thay thiết bị, rồi lại tập huấn lãng phí tốn kém, nhân dân sẽ không đồng tình, không ủng hộ” – ông thẳng thắn.

Còn theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), ông đồng tình với phương án giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là sẽ không quy định cụ thể triết lý giáo dục trong điều khoản cụ thể của luật mà thể hiện thông qua những quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, đại biểu này lại cho rằng, các quy định nói trên về cách thể hiện vẫn phải làm sao để toát lên được một triết lý của nền giáo dục Việt Nam hiện đại, làm nền tảng cho việc cụ thể hóa toàn bộ quy định của dự thảo luật.

“Vấn đề này trong dự thảo luật còn thể hiện một cách mờ nhạt, hay nói cách khác còn chưa thể hiện hết được, đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan thẩm tra quan tâm” – ông đề xuất.

Luật Giáo dục vốn đã hoạt động theo triết lý

Giải trình thêm về các ý kiến tranh luận của đại biểu, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội - khẳng định, đại biểu vẫn đặt lại vấn đề triết lý, song thực ra từ khi thành lập nước đến nay chúng ta đều hoạt động theo triết lý.

hoc-sinh-1.jpg
Ảnh minh họa 

Triết lý này thể hiện 4 tính chất là nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại. “Có đại biểu nhấn mạnh từ "nhân văn", thực  sự dân tộc chúng ta rất nhân văn, khi nói về dân tộc nghĩa là ta nói về bản chất của chúng ta. Tuy nhiên để viết ra rõ ràng như thế nào thì tôi nghĩ rằng những vấn đề này thuộc về vốn từ, chúng ta sẽ có cách trao đổi” – ông Bình cho hay.

Cũng theo ông Bình, trong bản giải trình của Thường vụ Quốc hội ghi rất rõ, dù cho chúng ta thể hiện ở nghị quyết hay nằm trong Hiến pháp hay nằm trong Luật Giáo dục thì luôn luôn thể hiện bốn tính chất đó là nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại.

“Bốn tính chất này xuyên suốt, khống chế toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta. Nếu chúng ta đọc kỹ hơn trong luật thì đã ghi rõ: nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Tôi nghĩ nếu cần gom lại thì chúng ta lấy điều này để hình dung” – ông Bình giải thích.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm