Cuộc sống bớt màu hồng từ ngày mẹ chồng mất

27/08/2018 - 21:44
Từ ngày mẹ mất, cuộc sống của Lan ở nhà chồng không còn đầy màu hồng như trước. Cô phải thay mẹ gánh vác việc nhà chồng. Tính ra 1 năm gần chục cái giỗ cần phải lo toan. Nào mời mọc họ hàng, nào lên danh sách các món ăn, đi chợ mua bán, nấu nướng ra sao? Trong khi đó, anh chị cả chỉ việc đến như khách.
Tâm là người chồng rất yêu thương vợ. Mới cưới nhau về, đôi uyên ương ríu rít không rời. Hết tuần trăng mật, hai đứa đi làm về đến nhà là chỉ việc ngồi vào mâm cơm, ăn xong hoa quả đã được mẹ gọt sẵn sàng. Cơm nước đâu đấy thì hai đứa về phòng ôm nhau trò chuyện rồi ngủ một giấc thẳng đến sáng bảnh mắt. Lắm lúc, Lan nghĩ trộm: “Cuộc sống đến thế này là cùng. Còn sướng hơn cả lúc mình ở nhà mẹ đẻ của mình. Đúng là số son, vớ được bà mẹ chồng tốt thế không biết”.
 
Thời gian trôi đi, Lan đã bắt đầu quên mất ranh giới giữa con dâu và mẹ chồng. Đôi khi, cô cảm thấy bà chẳng khác gì mẹ đẻ của mình. Nhìn mẹ cặm cụi làm lụng suốt ngày, Lan bảo: “Mẹ ơi, mẹ đừng làm nữa. Mẹ cứ để việc đấy, nghỉ ngơi đi. Lúc nào con về rồi con cùng làm với mẹ”. Nhưng bà chỉ cười nói: “Mẹ còn khỏe, ở nhà làm giúp được các con việc gì thì mẹ làm. Chứ như anh chị cả kia, chúng nó ra ở riêng, mẹ có muốn sang giúp chúng nó cũng ngại. Lắm lúc muốn sang hộ thì chúng nó lại khóa cửa đi mất rồi”.
 
Lan làm dâu được 3 năm thì mẹ chồng mắc bệnh rồi nhanh chóng qua đời. Bà đi xa rồi, lắm lúc Lan bần thần nghĩ: “Ước gì mẹ sống lâu ở mãi với chúng con. Sau này có cháu chắc mẹ vui lắm và chăm cháu thật tốt phải không mẹ?”.
 
Từ ngày mẹ mất, cuộc sống của Lan ở nhà chồng không còn đầy màu hồng như trước. Từ đây, cô phải đưa vai ra thay mẹ gánh vác việc nhà chồng. Tính ra một năm gần chục cái giỗ cần phải lo toan. Nào mời mọc họ hàng, nào lên danh sách các món ăn, đi chợ mua bán, nấu nướng ra sao?. Trong khi đó, anh chị cả chỉ việc đến như khách.
 
Ảnh minh họa

 

Bởi vì trước đây chị cả về làm dâu cũng được mẹ chiều chuộng đúng như Lan nên bây giờ những việc này, chị chẳng quan tâm, coi như em dâu là người đương nhiên phải gánh vác. Khổ nỗi, Lan cũng lại là đứa vụng thối vụng nát, chẳng biết từ đâu đến đâu. Cho nên những chuyến đầu tiên lo giỗ chạp, hai vợ chồng Lan cứ gọi là chạy choạc, đầu tóc mặt mũi bơ phờ, bạc phếch hết cả ra.
 
Có nhiều đêm, sau bữa giỗ, Lan nằm nghĩ ngợi vẩn vơ rồi bảo với chồng: “Giá như trước kia, mẹ đừng có chiều em và chị dâu như thế. Giá mà bà sớm hướng cho hai chị em dâu lo dần trách nhiệm gánh vác việc nhà, việc giỗ chạp thì có phải bây giờ tốt hơn không? Nếu như hai cô con dâu cùng biết việc và chị em biết bảo ban nhau lo lắng thì có phải mỗi lần giỗ chạp, mỗi khi có công có việc trong nhà sẽ nhẹ đi rất nhiều không nhỉ?”
 
Nói là nói vậy nhưng trong đầu Lan bỗng hiện ra dáng vẻ tất tả của mẹ chồng, những giọt mồ hôi chảy dài trên gương mặt khắc khổ của bà nhưng đôi mắt chưa lúc nào thôi ánh lên vẻ lấp lánh, hiền dịu. Bỗng nhiên, Lan thèm một lần nữa được nhìn thấy bóng hình quen thuộc của mẹ trong gian bếp nhà mình, bên mâm cơm nóng hổi mỗi chiều. Dù thật ngắn ngủi thôi nhưng ở bên mẹ chồng, cô đã có một quãng thời gian thật hạnh phúc và êm dịu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm