Liên tiếp "dính bầu", trung bình 3 năm “lỡ” một lần sinh
Chị Lý Thị Nga, sinh năm 1977 là người dân tộc Sán Chí. Năm 1999, khi từ Tuyên Quang di cư vào thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), chị gặp và kết hôn với anh Hoàng Văn Thồng (SN 1973), người dân tộc Nùng. Năm 2000, họ sinh con trai đầu lòng. Kể từ đó đến nay, trung bình cứ 3 năm, chị Nga lại một lần mang thai. Sau 18 năm, chị đã sinh tới 5 người con và hiện tiếp tục mang bầu đứa con thứ 6.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị vào một buổi chiều muộn. Trong khi đám trẻ con lít nhít nhà chị cùng với những trẻ nghèo hàng xóm chơi tha thẩn ngoài sân, trước cửa nhà… thì chị Nga với bụng bầu 6 tháng đang ngồi trên một chiếc võng treo ở phía góc nhà mờ tối. Chị đi lại, dọn dẹp rất khó khăn. Khi khách hỏi chuyện, chị không trả lời. Khi chồng hỏi chuyện, chị nói rất nhỏ, thi thoảng ho nhẹ. Ở tuổi 42, nhìn chị già trước tuổi, gương mặt tỏ rõ sự mệt mỏi
Khi vợ không thể tiếp chuyện với khách, anh Thồng giải thích: “Nó ốm lắm”. Anh cho biết thêm, gia đình mình từ nhiều năm nay thuộc hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào 2 sào ruộng. Nhà đông con, chúng đều không được ăn học đến nơi, đến chốn, luôn thiếu ăn, thiếu mặc...
Về việc học hành, trong 5 đứa con của anh chị, hiện chỉ có 2 đứa được đến trường. Tuy nhiên, do điều kiện nuôi dạy không tốt nên việc học của chúng cũng không tốt. Một đứa năm ngoái đã bị đúp lại lớp 1. Đứa lớn nhất đã sớm phải đi làm để phụ giúp bố mẹ. Với lần mang bầu đứa con thứ 6 này, chị Nga chưa từng đi siêu âm, thăm khám và có thể sẽ đẻ tại nhà.
Anh Thồng cho biết: “Nhà tôi đông con, vất vả lắm. Ngày trước, các cụ bảo đông con thì vui nhưng giờ đông con thì mình phải đi làm thuê suốt. Bây giờ, tôi mới thấy đẻ nhiều vừa khổ mình vừa thiệt thòi cho các con, chúng bị thiếu ăn thiếu mặc, không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng cũng chẳng biết tính sao. Chúng tôi cứ bị “lỡ” hết lần này đến lần khác nên chỉ biết chấp nhận thôi”.
*Chia sẻ của anh Thồng về nỗi khổ sinh nhiều con:
Chị Nguyễn Thị Hà cộng tác viên dân số của thôn Đắk Tân (xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa) cho biết: “Cả thôn có tới 90% là đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều dân tộc khác nhau, đa số là di cư từ miền núi phía Bắc vào. Trong hơn 200 hộ của thôn thì có đến hơn 1 nửa hộ là sinh con thứ 3 trở lên, có nhiều hộ có 4-6 con, rơi vào tình cảnh nghèo và cận nghèo. Những gia đình này có thu nhập bấp bênh, con cái không được đi học đầy đủ”. |
Bụng bầu, đau yếu vẫn không bỏ nương rẫy
Cùng cảnh nghèo và sinh nhiều con ở Đắk Nông còn có gia đình anh chị Y Đức (SN 1979) - H’ Chớt (SN 1984), người dân tộc Mơ nông ở Bon Dru, thị trấn Đắk Mâm (huyện Krông Nô). Tuy mới chỉ 34 tuổi nhưng chị H’ Chớt cũng đã 4 lần sinh (2 trai, 2 gái), cháu nhỏ 5 tuổi và hiện cũng mang bầu con thứ 5.
Khi chúng tôi đến, chị H’ Chớt vừa đi làm rẫy về. Chị vào nhà, tiếp khách trong dáng vẻ mệt mỏi, trên trán, cổ dán đầy băng cao trắng. Chị cho biết: “Thời tiết vừa thay đổi là tôi ốm”.
Mặc dù ốm và đang mang bầu nhưng chị H’ Chớt cho biết hiện vẫn phải cùng chồng làm các công việc nặng nhọc ở rẫy cà phê. Kinh tế gia đình chị dựa cả vào mảnh rẫy ấy và không có điều kiện để nuôi trồng thêm các loại cây con khác. Tuy đó là 1 ha rẫy với 1.000 gốc cà phê nhưng thu nhập cũng đang bị kém so với các gia đình khác.
Ngoài ra, để lo cho đàn con ăn, học và mọi chi phí trong gia đình, vợ chồng chị H’ Chớt luôn phải sống trong tình trạng vay - trả - nợ gối đầu. Tức là đầu vụ đi vay tiền, ứng trước của tư thương vật tư, đến cuối vụ thu hoạch cà phê thì trả - nhưng khoản thu thường không trả đủ nên nợ lại gối nợ cộng với lãi chuyển sang năm sau. Hiện, gia đình anh chị đang nợ ngân hàng 30 triệu đồng cùng các khoản nợ lớn với tư thương…
Anh Y Đức cho biết: “Dẫu biết rằng nhiều con, vất vả, thiếu ăn, thiếu mặc, vợ con lại ốm yếu nhiều nhưng cũng chưa biết tính sao. Ngay như cái nhà để ở, chúng tôi cũng phải xin Nhà nước hỗ trợ”.
Bà Nguyễn Thị Hợi - cộng tác viên dân số ở Bon Dru, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô cũng cho biết: “Cả thôn có 180 hộ thì có đến 152 hộ nghèo và số hộ "siêu đẻ" như gia đình chị H’ Chớt vẫn còn phổ biến. Trong tổng số các hộ nghèo thì chỉ có khoảng 20 hộ sinh đủ 2 con, còn lại gần 80% hộ sinh con thứ 3 trở lên, có nhiều hộ sinh từ 5-7 người con, hộ sinh nhiều nhất là 8 con. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trong những gia đình đông con của thôn đang ở mức cao, chiếm tới gần 40%... |
Bài tiếp theo: "42 tuổi với 8 lần sinh con và xây nhà 3 lần vẫn chưa xong"