Nước mắt tủi hờn
Người trong thôn Nội Lễ (xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) gọi gia đình bà Nguyễn Thị Bình (56 tuổi) với cái tên thân mật là "gia đình tí hon". Nhà có 3 người thì bà Bình và cậu con trai Nguyễn Thành Công (20 tuổi) có chiều cao chưa đầy 80cm. Còn ông Nguyễn Văn Lâm (44 tuổi, em trai bà Bình) nhỉnh hơn một chút, nhưng cũng chỉ cao 1,1m.
Nhà bà Bình nằm ở cuối con ngõ nhỏ hẹp, lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng. Nhìn từ bên ngoài, màu thời gian của căn nhà phủ kín lên từng chiếc cột kèo, từng viên ngói. Phía bên trong, ngôi nhà trông còn hoang tàn hơn. Mái nhà thủng lỗ chỗ khiến cho nắng có thể chiếu vào tận bên trong, còn ngày mưa thì nhà ngập bì bõm.
Ngồi trên chiếc ghế nhựa nhưng chân chẳng chạm nổi xuống đất, bà Bình cho biết, bố mẹ bà đều bình thường, không cao cũng không lùn. Thế nhưng vì ông tham gia chiến tranh nên bị nhiễm chất độc da cam, di chứng khiến các con bị ảnh hưởng. Cũng vì ảnh hưởng của chất độc nên bố bà Bình mất từ khi còn rất trẻ, năm đó em trai bà Bình là ông Lâm mới lên 3 tuổi.
Quá đau buồn vì người chồng đột ngột qua đời, sau nhiều năm rầu rĩ buồn chán, mẹ bà Bình cũng lâm trọng bệnh rồi qua đời bỏ lại các con khi còn quá nhỏ. Mồ côi sớm, chị em bà Bình lại chẳng khỏe mạnh, to lớn như "con nhà người ta". Lên 5, lên 10 nhưng thân hình chị em bà Bình vẫn như đứa trẻ.
Sức khỏe yếu ớt, nhà lại nghèo, gia sản bố mẹ để lại cho hai chị em chỉ là 3 sào ruộng, nhưng ruộng cũng không làm được, có làm năng suất cũng không cao vì toàn chỗ trũng, nước ngập mênh mông.
Một lần, cả hai chị em đánh liều lội xuống ruộng để cấy, vừa bước xuống thì bùn đã ngập đến cổ, càng vùng vẫy để thoát thân thì càng lún sâu. Khi tưởng như cơ hội sống không còn thì may mắn có người hàng xóm đi ngang qua nên đã xuống bế hai chị em lên bờ.
Đến tuổi trưởng thành, thân hình chị em bà Bình vẫn chỉ như đứa trẻ lên 5, sức khỏe yếu. Đi đâu xin việc, hai chị em cũng chỉ nhận được ánh nhìn thương hại và cái lắc đầu từ chối.
Bà Bình kể: Tôi cũng đã đi nhiều nơi để xin việc nhưng không được nhận. Khi tôi đến, họ nhìn khắp một lượt từ chân lên đến đầu, rồi nói "ở đây không tuyển diễn viên xiếc"... Bế tắc, đau khổ, 2 chị em nuốt nước mắt dắt nhau đi ăn xin.
Không chỉ khó khăn trong tìm việc, đi đến đâu, hai chị em cũng gặp phải những ánh mắt dò xét, những lời xì xèo bàn tán về chiều cao hạn chế: "Họ cười đùa, chế nhạo, rồi chỉ trỏ khiến chị em tôi rất tủi thân. Trước đây, hai chị em cũng nhận hạt sen về để thông tâm, nhưng chân tay vụng về toàn làm vỡ hạt sen. Có người còn tìm đến nhà để bắt đền tiền", bà Bình kể.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, hai chị em sống vạ vật, quen ăn cơm nguội, uống nước lã, xin quần áo cộc của người ta để làm quần áo mùa đông cho mình. Đến tuổi đôi mươi, nhìn đám bạn cùng trang lứa lần lượt lên xe hoa về nhà chồng, bà Bình cũng ao ước một ngày nào đó mình sẽ được khoác trên người chiếc váy cưới màu trắng, nhưng vì gia cảnh khó khăn, ngoại hình xấu xí, chỉ dám nghĩ vậy thôi chứ "nói ra người ta cười cho".
Cuộc tình ngang trái
Tưởng mơ ước về "ngôi nhà và những đứa trẻ" chỉ là ước mơ không có thật của bà Bình nhưng bất chợt nó lại đến. Bà Bình còn nhớ như in cái ngày ngập tràn hạnh phúc ấy. Lúc đó, người đàn ông bảnh bao ở xã bên bất ngờ ngỏ lời yêu. Lần đầu được tỏ tình bằng những lời nói ngọt ngào bà Bình không thể từ chối. Tuy nhiên, trái tim cô gái lần đầu thổn thức vì yêu cũng không thể biết rằng, đau khổ và những tấn bi kịch đang chờ mình ở phía trước.
Khi hay tin cô gái bé nhỏ mang bầu, gã đàn ông kia hiện nguyên hình là tên sở khanh. Hắn "lặn" mất tăm. Dù đã cố gắng liên lạc nhưng bà Bình không thể tìm thấy bố của đứa con đang lớn dần trong bụng mình. Năm 2000, sau 9 tháng 10 ngày mang thai, bà Bình đón đứa con trai đầu lòng và đặt tên là Thành Công. Cái tên mà bà Bình kỳ vọng sẽ thành công sau này.
Trước đây, một thân một mình bà Bình còn phải sống lay lắt, nay có thêm đứa con vất vả càng tăng gấp bội, nhất là với người tí hon. "Tôi không có sữa cho con bú, cũng chẳng có tiền mua sữa. Nhiều đêm con quấy khóc vì đói, cậu em tôi phải đi gõ cửa những nhà đang nuôi con nhỏ trong xóm để xin sữa về cho cháu lót dạ. Thằng bé lớn lên chút, thì tôi nấu cháo lấy nước cho uống", bà Bình rơm rớm nước mắt kể.
Bà Bình bảo, từ lúc biết mình mang thai, điều mong ước lớn nhất của bà là con sẽ có chiều cao bình thường. Khi sinh con ra, Thành Công cũng như bao đứa trẻ khác khiến bà Bình vui lắm. Thế nhưng, tháng này qua tháng khác trôi đi mà đôi chân của Thành Công cứ ngắn lủn củn y chang như mẹ. Lúc này bà Bình biết chắc con đã mang gen di truyền của mẹ. Nhiều đêm nước mắt nhạt nhòa nhưng số phận đã vậy bà cũng chẳng biết làm gì hơn.
Nhắc về bố đứa trẻ, bà Bình ngậm ngùi nói: "Đến bây giờ, tôi cũng không biết anh ta (bố Thành Công) ở đâu nữa. Anh ấy tên là Hà hay Hòa gì đấy, có khi cả hai tên đều là giả. Chỉ biết anh ấy ở xã bên, gia đình rất nghèo, không lấy được vợ mới sang đây tìm hiểu tôi.
Hồi bấy giờ, anh ta tỏ ra nhiệt tình và chân thành lắm. Anh ta nói lời yêu đương, hứa hẹn rất nhiều với tôi. Thế là tôi cũng xiêu lòng và... mang bầu khi chưa biết nhiều về con người này. Cứ nghĩ sẽ được làm vợ, làm mẹ như những người đàn bà khác là hạnh phúc nhưng hoàn cảnh của tôi lại khác nên khổ lắm.
Tôi bụng mang dạ chửa, người thì lùn tịt nên cũng chẳng thể đi đâu mà tìm người đàn ông bội bạc ấy. Nhưng thôi chẳng sao, dù gì người ta cũng cho mình được mụn con, nó chính là "của để dành" cho mình lúc về già nên tôi nghĩ thế cũng là may mắn lắm rồi".
Điều may mắn cho bà Bình là bà có được người em hiền lành, yêu thương bà hết mực. Người dân trong làng kể, dù nhỏ bé và sức khỏe yếu nhưng ông Lâm rất hiền lành và chịu khó. Vì tính cách dễ gần này nên cũng có người thương tình cho đi phụ hồ nhưng đồng lương mà ông nhận được chỉ "gọi là", đủ nuôi thân. Kiếm được đồng nào, ông lại mang về giúp chị nuôi con.
Tuy nhiên, vì quá vất vả nên làm được một thời gian thì ông Lâm đành phải bỏ việc. Bây giờ ông nhặt ve chai kiếm sống qua ngày.
Kể về những ngày đi phụ hồ thuê, ông Lâm chua chát nói: "Có ngày, họ chỉ trả công cho bơ gạo hoặc họ cho vài ba chục, muốn ăn gì thì ăn. Nghĩ cũng cám cảnh và tủi thân lắm. Tuy nhiên, dù gì thì họ cho mình đi làm cũng là may mắn rồi không lại phải đi ăn xin".
Khi được hỏi, có bao giờ định lấy vợ không hay cứ ở vậy đến hết đời? Người đàn ông bé nhỏ hài hước: "Cũng yêu mấy người đấy, nhưng mà sau đó họ chê nên lại bỏ. Bây giờ, con gái khôn lắm, không có nhà lầu xe hơi thì khó lấy vợ lắm. Mình thế này, thấp bé mà hoàn cảnh lại éo le, chấp nhận số phận thôi".
Chỉ mong con sớm tìm được bố
Hơn 10 năm về trước, trong lúc đi mua thuốc cho con, bà Bình bị một chiếc xe máy đâm phải. Dù đau đớn lắm nhưng sợ bị mắng là ăn vạ nên bà cố nén lại. Đến khi đi viện, bác sĩ nói bà đã gãy rời chân, phải đóng 11 cái đinh để cố định. Đã quá thời hạn tháo đinh từ lâu, nhưng vì không có tiền nên đến bây giờ bà Bình cũng để mặc cho những cái đinh sắt trong cơ thể mình "muốn ra sao thì ra".
Điều an ủi lớn nhất đối với bà Bình là con trai Thành Công vô cùng hiếu lễ. Dường như đã được mẹ chuẩn bị trước tinh thần sẽ bị người đời mỉa mai, đùa cợt nên Thành Công đón nhận điều đó… rất nhẹ nhàng.
Công kể, lúc đi học, em thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, chế giễu vì ngoại hình khác thường: "Em phải học lại lớp 1, lớp 2 hai năm vì bé quá. Có mấy bạn nói em là đồ vô dụng, không làm được gì cho đời… nhưng em cũng mặc kệ. Em thấy mình được sinh ra trên đời là điều may mắn".
Điều kiện kinh tế không cho phép nên Công chỉ học hết lớp 9. Hàng ngày Công cùng cậu Lâm đi lang thang khắp nơi nhặt ve chai, ai cho gì thì ăn nấy.
Mấy năm nay, sức khỏe bà Bình giảm sút trông thấy, thường xuyên đau chân mỗi khi trái gió trở trời, bà không còn đi đó đây để nhặt đồng nát được nữa. Bây giờ, bà thường quanh quẩn ở khu vực đền An để hóa vàng giúp du khách thập phương.
"Đền cũng cách nhà khá xa, hàng ngày tôi đều phải đi bộ ra đó, trực người ta làm lễ xong thì xin nắm xôi, gói oản để ăn, sau đó ở lại dọn dẹp đến tối mịt mới về. Đợt này nhiều người hầu đồng nên mới có cái ăn đấy, chứ đa phần tôi đều phải uống nước cầm hơi cho đỡ đói", bà Bình nghẹn ngào kể.
Thông thường, bà Bình, ông Lâm và Công chỉ ăn một bữa buổi tối. Thức ăn chủ yếu là rau luộc, sang lắm thì có bìa đậu hoặc ít thịt vụn. Buổi trưa, nếu đói quá thì mua cái bánh đa nướng, chia làm mấy nửa để ăn dần. Hiện tại, gia đình bà Bình đang sống chủ yếu dựa vào số tiền 180.000 đồng/tháng được chính quyền xã trợ cấp theo diện người tàn tật.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, bà Bình tâm sự: "Chẳng dám ước mơ gì cao sang, chỉ ước được xã trợ cấp cho chút vốn liếng để sửa lại mái nhà. Nhà cũ, ngói hở, mỗi lần mưa xuống ba mẹ con, chị em phải trú sát vào góc tường cho đỡ ướt. Tuổi của tôi cũng chẳng sống được bao lâu nữa, tôi chỉ mong cháu Công sau này tìm được bố, để có nơi nương tựa".