pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại biểu Quốc hội: Phụ nữ dễ bị tác động nhiều hơn với biến động giá cả, biến đổi khí hậu
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - ĐBQH tỉnh Bình Định
Cần đánh giá, điều chỉnh về tình trạng lao động ở khu vực phi chính thức
Sáng 29/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV đã thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Quan tâm đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy dẫn chứng, theo Báo cáo Khoảng cách giới do diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 nước (tăng 11 bậc), là một trong những nước có chỉ số bình đẳng giới phát triển nhanh trên 4 khía cạnh: kinh tế, giáo dục, y tế, chính trị; có 11/20 chỉ tiêu về bình đẳng giới đã đạt và vượt mục tiêu.
Tại diễn đàn Quốc hội, nữ đại biểu chia sẻ, bà quan tâm đến khoảng cách giới về thu nhập và cách đánh giá công tác bình đẳng giới của Việt Nam hiện nay.
Về kinh tế, tại Việt Nam đang tồn tại khoảng cách giới về việc làm trong thời đại công nghệ số, khoảng cách về mức thu nhập giữa nữ giới và nam giới.
Phụ nữ đang làm việc ở vị trí giản đơn hơn, đối mặt với nguy cơ thiếu việc làm, có việc làm không bền vững, phụ nữ tham gia vào các khu vực việc làm phi chính thức nhiều hơn nam giới và có thu nhập thấp hơn nam giới. Trong khi đó, với những công việc không được trả công thì nữ giới lại luôn đảm nhận nhiều hơn nam giới (cao gấp 1,8 lần).
Trong khi đó, theo thống kê, 4 tháng đầu năm, có đến 30,6% hộ gia đình đang chịu ảnh hưởng khi giá cả tăng cao. "Với thiên chức làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ dễ bị tác động nhiều hơn với những biến động, tác động về kinh tế, giá cả cũng như biến đổi khí hậu" - đại biểu Thu Thuỷ nhận định.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, lao động phi chính thức tồn tại là một điều khách quan nhưng muốn có một nền kinh tế phát triển bền vững thì không thể có một tỉ lệ lao động phi chính thức cao như vậy. Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị cần có nghiên cứu đánh giá cụ thể về tỉ lệ lao động ở khu vực phi chính thức và có những phương hướng điều chỉnh phù hợp.
Người dân Việt Nam có khoảng 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật
Quan tâm về vấn đề bền vững lao động và dân số, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, tình trạng chênh lệch về chỉ số tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng giữa các vùng ở nước ta chưa được cải thiện nhiều. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa giảm, gây bất bình đẳng giới tính. Mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa có bền vững, có biến động khó lường, mức sinh giữa các vùng còn có sự chênh lệch đáng kể và chưa có giải pháp đồng bộ để phát huy thời kì dân số vàng.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao, đat 73,6 tuổi vào năm 2022 nhưng số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh mới chỉ đạt 65 năm, như vậy người dân Việt Nam có khoảng 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật. Tất cả điều này tạo áp lực lớn đối với hệ thống y tế, an sinh xã hội và các dịch vụ chăm sóc y tế nhưng chưa có giải pháp hiệu quả ứng phó.
Đưa ra các giải pháp hiệu quả để làm chậm quá trình già hóa dân số, đại biểu cho rằng cần khuyến khích tỉ lệ sinh, tăng cường giáo dục sức khỏe sinh sản; hỗ trợ chăm sóc trẻ em; giảm thiểu phân biệt đối xử về giới… Đồng thời, cải thiện hệ thống y tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế, đào tạo nhân lực y tế và phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân ở mọi lứa tuổi…
Bên cạnh đó, phải bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số, cần đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số. Ổn định tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ dân số.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sỹ y khoa, trên cơ sở hỗ trợ học phí với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước. Như vậy vừa đảm bảo nguồn sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đạt được nguyện vọng trở thành bác sỹ, đồng thời giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu bác sỹ.