Đại học phải là nơi phát triển các ý tưởng khởi nghiệp và sáng tạo

30/05/2018 - 17:55
Tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo phải được truyền tới sinh viên thông qua giáo dục đại học. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu nêu lên tại phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chiều nay, 30/5/2018.

Tán thành việc sửa 2 luật về giáo dục, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đều trăn trở, với sự phát triển như vũ bão hiện nay của công nghệ, với cuộc cách mạng 4.0, giáo dục Việt Nam phải đưa công nghệ số vào giáo dục càng nhanh, càng mạnh càng tốt. HS-SV Việt Nam phải được chú trọng rèn luyện, đào tạo về các kỹ  năng.

Theo đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TPHCM),  một trong những kỹ năng quan trọng nhất là phản biện, chỉ khi có kỹ năng, tư duy phản biện thì các em mới tìm ra được cách để  giải quyết các vấn đề. Cùng với đó là kỹ năng về khởi nghiệp, kinh doanh.

st.jpg
Nhiều đại biểu đề xuất bổ sung vấn đề khởi nghiệp vào dự thảo 2 luật về giáo dục. Ảnh minh họa
 

“Chính phủ rất chú trọng về  chương trình khởi nghiệp quốc gia nhưng Luật GD sửa đổi  không nhắc tới vấn đề này. Ngoài ra, Luật cũng cần nói rõ về vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đẩy mạnh phân ban ở THPT để các em định hướng rõ hơn về nghề nghiệp, các em chọn môn học phù hợp với nghề nghiệp” – đại biểu Nguyễn Việt Dũng nói.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG TPHCM - cũng đồng tình phải đề cao, nêu rõ vấn đề khởi nghiệp trong luật Giáo dục đại học. Theo ông, đại học phải là nơi phát triển các ý tưởng khởi nghiệp và sáng tạo. Hiện nay nhiều trường đã đưa vấn đề  khởi nghiệp vào giảng dạy, tuy nhiên cần có quy định pháp lý về vấn đề này để thúc đẩy khởi nghiệp.

“Phải khích lệ được sinh viên học không phải chỉ để đi xin việc làm mà phải tạo ra việc làm cho xã hội, muốn thế phải có tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo” – đại biểu  Huỳnh Thành Đạt nêu.

dai-bieu-quoc-hoi.png
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại phiên thảo luận.

 

Một nội dung nữa còn chưa đưa vào trong dự luật, theo đại biểu Dũng là chưa đề cập rõ đến GD&ĐT trực tuyến, trong khi dự báo đó sẽ là xu hướng mạnh trong những năm tới. Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý cho hình thức đào tạo trực tuyến.

Về mô hình quản lý nhà nước đối với giáo dục, ĐB Nguyễn Việt Dũng nêu câu hỏi: Tại sao Bộ GD&ĐT vẫn “ôm” kỳ thi THPT quốc gia? Thay vào đó có thể giao cho địa phương, thậm chí giao trường để họ tự thi và cấp bằng  tốt nghiệp.

“Tất nhiên phải có lộ trình, nhưng cần tiến tới sự tự chủ giáo dục, trong đó có việc trường được quyền thi và cấp bằng.  Ví dụ trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam của Hà Nội hay THPT Lê Hồng Phong của TPHCM hoàn toàn có thể tự thi và cấp bằng tốt nghiệp một cách chất lượng” - ĐB Nguyễn Việt Dũng nêu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm