Đạt và vượt tỷ lệ 30% nữ đại biểu dân cử Khóa XV liệu có khả thi?

TS.Vương Thị Hanh - nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
08/03/2021 - 06:59
Đạt và vượt tỷ lệ 30% nữ đại biểu dân cử Khóa XV liệu có khả thi?

Ảnh minh họa

Tỷ lệ nữ ứng cử tối thiểu 35% là cơ sở quan trọng để phấn đấu đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND khóa 2021-2026 (30% trở lên). Sự quyết tâm và trách nhiệm cao của các tổ chức bầu cử, sự nỗ lực của các ứng cử viên, sự ủng hộ của cử tri và hỗ trợ của các tổ chức cộng đồng trong tổ chức thực hiện sẽ là yếu tố thúc đẩy đạt được mục tiêu giới trong bầu cử.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã ban hành Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội (QH) khóa XV. Tổng số đại biểu Quốc hội là 500, được phân bổ số lượng đại biểu và tỷ lệ tương ứng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương. Đối với cơ cấu kết hợp (1 người ứng cử đại biểu QH có thể có nhiều hơn 1 cơ cấu kết hợp) được dự kiến như sau:

- Đại biểu là người ngoài Đảng: Từ 25-50 đại biểu (5%-10%);

- Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): Khoảng 50 đại biểu (10%);

- Đại biểu là người dân tộc thiểu số: Đảo đảm tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH;

- Đại biểu là phụ nữ: Bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Vì sao cần ít nhất 30% nữ đại biểu trong Quốc hội?

Phụ nữ tham gia cơ quan dân cử có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với những trải nghiệm khác biệt của phụ nữ trong cuộc sống, đại diện tiếng nói bình đẳng của phụ nữ trong cơ quan quyền lực của nhân dân sẽ bảo đảm các chính sách mang tính toàn diện, bao trùm. Việc thực thi chính sách sẽ đáp ứng nhu cầu và lợi ích công bằng cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Tuy nhiên, để phụ nữ từ đại diện trở thành một lực lượng có ảnh hưởng nhất định đến quá trình lập pháp/chính sách và trong các diễn đàn của nghị trường Quốc hội, đại diện nữ trong cơ quan dân cử tối thiểu là 30% (mức tới hạn). Đó là kết luận trong báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc năm 1995, được đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia.

Quy định tỷ lệ giới trong Nghị viện/Quốc hội được nhiều quốc gia đang nỗ lưc đạt hoặc vượt (30%), trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nhiệm kỳ hiện tại, Việt Nam chưa đạt được mức 30% đại diện nữ trong QH và HĐND các cấp.

Đạt và vượt tỷ lệ 30% nữ đại biểu dân cử Khóa XV liệu có khả thi?

Khả năng đạt từ 30% trở lên nữ đại biểu trong QH và HĐND khóa XV là có cơ sở. Bản thân phụ nữ có nhận thức tiến bộ về bình đẳng giới trong đời sống chính trị; Trình độ chuyên môn và năng lực của phụ nữ được nâng lên. Ngày càng có nhiều phụ nữ tự tin, năng động, sáng tạo, bản lĩnh trong công việc chuyên môn và trong quản lý, lãnh đạo. Đời sống được cải thiện, tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia chính trị.

Nhận thức của xã hội và cộng đồng về bình đẳng giới có nhiều tiến bộ. Niềm tin của cử tri vào đại biểu nữ được cải thiện. Định kiến giới về tham chính tuy vẫn còn nhưng không quá nặng nề như trước. Gia đình, cộng đồng xã hội có xu hướng ủng hộ, hỗ trợ phụ nữ tham gia việc xã hộị.

Mặt khác, khung pháp lý tiến bộ về bình đẳng giới với mục tiêu giới 35% trong cơ quan dân cử (theo chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020) và trên 35% tới năm 2030 (theo Nghị quyết 7 Trung ương Đảng khóa XII), là hướng đích để phấn đấu đạt mục tiêu nữ giới tham chính.

Tỷ lệ nữ đại biểu trong QH và HĐND đã tăng lên so với nhiệm kỳ trước. Hiện nữ đại biểu trong QH đạt 26,8%; trong HĐND đạt 26,56% (cấp tỉnh), 27,50% (cấp huyện) và 26,53% (cấp xã). Đây là tỷ lệ đáng khích lệ, gần mức tới hạn (30%).

Đó là cơ sở đặt niềm tin khả năng tỷ lệ nữ đại biểu dân cử khóa 2021-2026 đạt và vượt 30%. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện.

Đạt và vượt tỷ lệ 30% nữ đại biểu dân cử Khóa XV liệu có khả thi? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Khâu tổ chức thực hiện cần sự vào cuộc của cả hệ thống

Thứ nhất, cần có định hướng mục tiêu giới trong bầu cử khóa 2021-2026. Đây là cơ sở để các cấp nỗ lực thực hiện đạt được mục tiêu, hoặc chí ít cũng thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ đại biểu dân cử.

Thứ hai, trong hiệp thương giới thiệu người ứng cử, cấp ủy Đảng và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tốt việc giới thiệu người ứng cử đảm bảo về chất lượng và cân bằng giới về số lương. Trong lập danh sách người ứng cử ở các đơn vị bầu cử, Hội đồng bầu cử Quốc gia và ủy ban bầu cử các cấp cần xem xét kỹ lưỡng sắp xếp nam, nữ tương đồng trình độ, vị trí chức danh.

Thứ ba, về giám sát bầu cử, Hội đồng bầu cử Quốc gia và ủy ban bầu cử các cấp phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan (nòng cốt là Mặt trân tổ quốc và Hội LHPN các cấp) thực hiện giám sát toàn diện các khâu của quy trình bầu cử. Như vậy, sẽ thúc đẩy quy trình bầu cử được thực hiện theo tinh thần "Dân chủ, bình đẳng và công bằng".

Thứ tư, chú trọng nâng cao năng lực vận động bầu cử của ứng cử viên nữ, nhất là nữ ứng cử lần đầu. Hoạt động này cần sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, tạo điều kiện để Hội Phụ nữ và các cơ quan, tổ chức hoạt động về bình đẳng giới phối hợp tổ chức tập huấn cho nữ ứng cử về kiến thức, kỹ năng cần thiết, giúp nữ ứng cử tự tin và thành công trong vận động bầu cử.  

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về bầu cử, giúp cử tri hiểu về quyền bầu cử, ứng cử và nguyên tắc bầu cử, bình đẳng giới trong bầu cử; truyên truyền cho ứng cử viên (nam và nữ); tạo điều kiện để cử tri, tìm hiểu tiểu sử ứng cử viên và tiếp xúc với người ứng cử. Vận động cử tri đi bầu cử, mỗi người 1 lá phiếu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm