pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dấu ấn của phụ nữ trong cộng đồng trí tuệ
Người đọc tìm kiếm tri thức tại thư viện. Ảnh minh họa
Giáo sư Cindy Nguyễn (Khoa Nghiên cứu Thông tin, Đại học California, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt Nam, văn hóa in ấn Đông Nam Á, đã chia sẻ về bản thảo cuốn sách của cô mang tên "Bibliotactics: Libraries and the Colonial Public in Vietnam".
Cuốn sách xem xét lịch sử của các thư viện ở Hà Nội và TPHCM, trong đó có nhiều thông tin về không gian đọc dành cho nữ giới và nam giới ở các thư viện. Trong công trình nghiên cứu của mình, Cindy Nguyễn thấy trong những bức hình lưu lại ở Thư viện Quốc gia vào những năm 1930, rất ít phụ nữ có mặt ở đó.
Lúc này, không gian thư viện là không gian văn hóa, không chỉ là nơi đến để đọc sách mà còn để giao lưu và chỉ có đàn ông, một số ít phụ nữ Pháp có mặt. Bỏ qua xu hướng "trọng nam khinh nữ", số phụ nữ phát triển con đường tri thức, học hành ở giai đoạn lịch sử này không nhiều.
Những phụ nữ ham đọc sách không chọn đến thư viện mà mượn sách về nhà đọc vì họ còn có thể đọc cùng con cái của mình, đọc tranh thủ những khoảng thời gian rảnh rỗi sau khi làm việc nhà. Nhưng gần đây, khi đến thăm Thư viện Tổng hợp TPHCM (Thư viện Quốc gia xưa), cô thấy nhiều phụ nữ đưa con cái của mình đến thư viện cùng đọc sách.
Rõ ràng, theo sự phát triển của lịch sử, của những quan điểm phát triển về nữ quyền, cách phụ nữ tiếp cận tri thức cũng thay đổi rõ rệt.
Vẫn góc nhìn sự phát triển "xuyên văn hóa" của phụ nữ Việt Nam qua văn hóa đọc là những trải nghiệm của Maya Lê (tên tiếng Việt là Mai), một giáo viên tiểu học, người sáng lập MaistoryBook tại Mỹ.
Mai đã truyền cảm hứng cho một thế hệ độc giả mới thông qua video tương tác trên YouTube, bài đánh giá sách dành cho trẻ em trên Instagram, đồ thủ công lấy cảm hứng từ sách và sự kiện "Kể chuyện cộng đồng trực tiếp"…
Cô cho biết, việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trong mỗi gia đình chính là cách để cha mẹ có thể tương tác, chia sẻ nhiều hơn với con cái.
Ở Mỹ, chính những người mẹ, người cô, người chị đã chọn dịch những cuốn sách về văn hóa Việt do các tác giả và họa sĩ người Việt viết, vẽ, để thông qua đó giúp trẻ không quên gốc gác, ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Khoảng cách địa lý cũng nhờ đó mà được xích gần.
Có nhiều chuyên gia văn hóa gốc Việt, người Việt đang sinh sống ở nhiều quốc gia. Một suy nghĩ khá trùng lặp trong trao đổi của họ về những trải nghiệm "đi xa để trở về".
Đạo diễn Quyên Nguyễn - Lê đã chia sẻ một bộ phim ngắn về những trải nghiệm của cô và gia đình từ chính quán nail của mẹ mình - một người phụ nữ Việt Nam sang Mỹ vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chọn công việc mưu sinh làm nail.
Ở nơi người ta không cần nhớ tên mẹ cô, chỉ cần nhớ tên quán Cathy's -tên cô con gái của bà. Và bà tìm thấy hạnh phúc giản dị trong công việc mà nhiều người cho là cực khổ khi bà vừa có thể đưa đón con đi học vừa kiếm tiền nơi đất khách quê người.
Và như nhiều phụ nữ chấp nhận xa quê để thay đổi số phận, mẹ của Quyên Nguyễn-Lê lựa chọn những yêu thương cho cuộc sống của mình: Chọn người chú, người thím, người quen vì nhận ra sự tử tế, thật thà trong cách đối đãi lẫn nhau…
Việc giữ gìn sự thiện lương, trong sáng trong cuộc sống này cũng là cách để những người phụ nữ lao động chân tay "không ai nhớ tên" như mẹ của Quyên Nguyễn - Lê giáo dục các con.