Dấu ấn nhà báo nữ

Lệ Thủy
20/06/2022 - 15:14
Dấu ấn nhà báo nữ

Chân dung nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, chủ bút báo Nữ Giới Chung - Ảnh: TTTXVN

Mềm mại, dịu dàng nhưng cũng rất kiên cường và mạnh mẽ, các nhà báo nữ qua từng thế hệ đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình, đóng góp vào thành tựu chung nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Cùng với sự phát triển của báo chí Việt Nam và dòng báo nữ, đội ngũ những người phụ nữ làm báo đang lớn mạnh không ngừng. Trong suốt hơn một thế kỷ vừa qua, trong những giai đoạn quan trọng nhất của đất nước, luôn có dấu ấn của những nhà báo nữ. 

Đó cũng là quá trình các nữ nhà báo hoàn thiện và khẳng định vai trò của mình trên các lĩnh vực, đặc biệt là trên diễn đàn báo chí, họ cất lên tiếng nói độc lập về sứ mệnh của mình với đất nước, với xã hội.

Có thể nói, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (con gái nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu) là lớp nhà báo nữ đầu tiên của Việt Nam. Với vai trò chủ bút tờ Nữ giới chung ra đời năm 1918, bà chính là nữ Tổng Biên tập đầu tiên của dòng báo nữ tại Việt Nam. Qua 20 số báo, bà đã dành trọn cả tài năng và tâm huyết của mình để thức tỉnh và cổ vũ các độc giả nữ và làm đa dạng, phong phú, hoàn thiện thêm nền báo chí non trẻ của Việt Nam. 

Từ đó tạo tiền đề tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này và truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trí thức của các thế hệ tiếp nối xuất bản báo, viết báo. Họ có thể là người đứng đầu các tờ báo phụ nữ như bà Nguyễn Đức Nhuận (báo Phụ nữ tân văn), bà Lê Thành Tường (báo Phụ nữ tân tiến), bà Thụy An (báo Đàn bà mới, Đàn bà) hoặc là nữ phóng viên như Nguyễn Thị Kiêm, Phạm Vân Anh, Vân Đài, Lê Thị Huỳnh Lan, Bảo Hòa...

Dấu ấn nhà báo nữ - Ảnh 1.

Báo Phụ nữ tân văn

Chị Nguyễn Thu Hiền, cán bộ phòng nghiệp vụ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, trong số gần 30.000 hiện vật, tài liệu được trưng bày tại Bảo tàng có nhiều hiện vật liên quan đến nữ nhà báo, như: Thẻ nhà báo của nữ nhà báo chiến trường Nguyễn Khoa Bội Lan, đặc phái viên của báo Cứu quốc khi bà được cử vào Huế hoạt động; hình ảnh nữ nhà báo trong kháng chiến (lớp học báo chí Huỳnh Thúc Kháng) Lý Thị Trung; bản viết tay Nhật ký chiến trường của nhà báo Lệ Thu; báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, số 1, ra ngày 19/5/1975, chỉ 19 ngày sau khi miền Nam giải phóng; bức ảnh chụp nhà báo Nguyễn Minh Hiền, phóng viên báo Giải phóng tác nghiệp trên đường phố Sài Gòn ngày 2/5/1975... Mỗi tài liệu, hiện vật là một câu chuyện cho thấy sự xuất hiện, dấn thân của những nữ nhà báo trong từng giai đoạn quan trọng của đất nước.

Liệt sĩ - nhà báo Dương Thị Xuân Quý, báo Phụ nữ Việt Nam

Liệt sĩ - nhà báo Dương Thị Xuân Quý, báo Phụ nữ Việt Nam

Câu chuyện về nhà báo liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý để lại nhiều xúc động với nhiều thế hệ sau. Là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968, với cá tính mạnh mẽ, cứng cỏi, bà đã viết nhiều bài báo, một số truyện ngắn và bút ký, có những tác phẩm viết ngay tại tuyến lửa khu IV. Ngã xuống ở tuổi 28 phơi phới thanh xuân, Nhà báo - Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị cùng tấm gương ngời sáng của một nhà văn - chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của đất nước.

Ngày nay, khi đất nước hòa bình và đổi mới, phát triển, tiếp nối các thế hệ đi trước, đội ngũ những người làm báo làm việc, cống hiến tại các vị trí, công việc khác nhau trong các cơ quan báo chí ngày càng đông đảo. Các nữ nhà báo, đặc biệt là các nữ lãnh đạo đã tham gia đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo thông tin từ Ban công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam, tính đến hết tháng 4/2022, sau khi đổi thẻ hội viên giai đoạn (2022-2026) Hội Nhà báo Việt Nam có 21.201 hội viên trong đó khoảng 40% hội viên là nữ (khoảng 8.500 hội viên nữ).
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm