Dấu ấn nhiệm kỳ nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam

PV
30/03/2021 - 12:33
Dấu ấn nhiệm kỳ nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội.

Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV với nhiều dấu ấn đổi mới trong hoạt động được cử tri và nhân dân đánh giá cao, đặc biệt là những thành tựu nổi bật về công tác lập pháp, giám sát tối cao, hoạt động ngoại giao… Những kết quả đó có sự đóng góp to lớn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - vị nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV với phương châm hoạt động "Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước" có những đổi mới mạnh mẽ trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có nhiều điểm nhấn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Một số dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV dưới sự lãnh đạo của nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam:

1. Sáng 31/3/2016, Quốc hội đã bỏ phiếu thống nhất bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV (ngày 22/7/2016), Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV.

Dấu ấn nhiệm kỳ nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhận chức ngày 31/3/2016

2. Trong 3 lần lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào các năm 2013, 2014 và 2018, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều đạt số phiếu tín nhiệm cao. Đặc biệt, đợt lấy phiếu tín nhiệm năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đạt 437 phiếu tín nhiệm cao.

Dấu ấn nhiệm kỳ nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 2.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (25/10/2018)

3. Về công tác lập pháp, Quốc hội đã chú trọng thể chế hóa đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, tạo ra những điểm đột phá cho quá trình phát triển.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, với 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân.

Nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã thông qua 72 luật, 02 pháp lệnh, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta

4. Hoạt động giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tiếp tục có nhiều đổi mới, đi sâu vào nhiều vấn đề lớn, gai góc, bất cập, bao trùm các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động quản lý của Nhà nước.

Trong đó, năm 2020 Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em". Đến 27/5/2020, Quốc hội Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các hoạt động giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em được quan tâm. Trong ảnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” (tháng 4/2020; và Quốc hội Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (tháng 5/2020)

5. Hoạt động ngoại giao nghị viện tiếp tục được đẩy mạnh, thể hiện rõ vai trò là thành viên chủ động, tích cực, là đối tác tin cậy và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới.

Trong đó, Đại hội đồng AIPA-41 là Đại hội đồng đầu tiên trong lịch sử AIPA được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thành công tốt đẹp, có nhiều sáng kiến được đánh giá cao, để lại ấn tượng sâu sắc đối với các nghị viện thành viên, nghị viện quan sát viên AIPA và bạn bè quốc tế.

Với sự tín nhiệm cao, Quốc hội Việt Nam được bầu giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành IPU (nhiệm kỳ 2016-2019), Phó Chủ tịch IPU (nhiệm kỳ 2018-2019) và giữ vai trò Chủ tịch APF Vùng châu Á - Thái Bình Dương theo cơ chế luân phiên (nhiệm kỳ 2019-2021).

Dấu ấn nhiệm kỳ nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 5.

Điểm nhấn ngoại giao của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) diễn ra tháng 9/2020, với chủ đề "Ngoại giao Nghị viện vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" đã thành công tốt đẹp và đạt nhiều kết quả. Thành công của Ðại hội đồng lần này đã góp phần khẳng định năng lực và nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Dấu ấn nhiệm kỳ nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 6.

Trong hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp đón nhiều nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo nghị viện và đại sứ các nước. Trong ảnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 5/2016

6. Đổi mới phương thức hoạt động, Quốc hội đã có bước chuyển mạnh mẽ từ Quốc hội "tham luận" sang Quốc hội "tranh luận"; cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ - thông tin đã góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.

Dấu ấn nhiệm kỳ nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 7.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao kỷ niệm chương "Hoạt động Quốc hội Việt Nam" cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: TTXVN

Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức "hỏi nhanh, đáp gọn" đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước.

Quốc hội chuyển biến mạnh mẽ từ Quốc hội "tham luận" sang Quốc hội "tranh luận". Trong ảnh, các nữ ĐBQH giơ biển đăng ký tranh luận, chất vận tại nghị trường.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm