Đề nghị bổ sung đối tượng yếu thế trong Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

PV
14/02/2023 - 17:03
Đề nghị bổ sung đối tượng yếu thế trong Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thảo luận tại phiên họp

Tại phiên họp chiều 14/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Bên cạnh các đối tượng như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai chịu tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng yếu thế vào dự thảo luật.

Chiều 14/2, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, sau chỉnh lý dự thảo luật có 07 Chương, 55 điều, bổ sung 03 điều mới, giảm 16 điều so với dự thảo do Chính phủ trình.

Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này; trong đó nhiều ý kiến thảo luận về khái niệm "Phòng thủ dân sự", khái niệm "Sự cố" và "Thảm họa"'…

Về đánh giá mức độ rủi ro thảm họa, sự cố (Điều 6) và cấp độ Phòng thủ dân sự (Điều 21), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, do đặc điểm, tính chất các loại sự cố nên cách thức, tiêu chí phân loại, đánh giá mức độ rủi ro do các loại sự cố cũng khác nhau. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất với cơ quan soạn thảo đề nghị cho bỏ quy định về đánh giá mức độ rủi ro tại khoản 1 Điều 6.

Ngoài một số vấn đề nêu trên, trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã báo cáo, làm rõ về những nội dung như: cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự; về Quỹ phòng thủ dân sự; về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự…

Đề nghị bổ sung đối tượng yếu thế trong Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, Khoản 4, Điều 2 của dự thảo Luật quy định: Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo, người mất năng lực hành vi dân sự và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc đề nghị bổ sung thêm đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống trong điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; bởi người dân ở đây thu nhập thấp, mặt bằng dân trí không cao, có rào cản ngôn ngữ, là đối tượng dễ bị tổn thương, cần có sự hỗ trợ kịp thời.

Cho ý kiến vào dự thảo luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình về khái niệm "phòng thủ dân sự"; theo đó, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Về nội dung quy định liên quan đến Quỹ phòng thủ dân sự, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, việc quản lý và sử dụng quỹ này trong thực tế có xuất hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế cho thấy cần thiết phải có Quỹ này. Cùng với đó cần thiết kế quy định phù hợp, đảm bảo Quỹ này huy động được, quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Đề nghị bổ sung đối tượng yếu thế trong Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp

Về đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa sự cố dự thảo Luật gắn luôn với cả phòng thủ dân sự theo từng cấp độ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng quy định như dự thảo Luật lần này là tương đối rõ và cách thể hiện lần này là gọn hơn và dễ theo dõi hơn.

Dự thảo luật đề ra có 4 tiêu chí để xác định cấp độ phòng thủ dân sự là về phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng hậu quả có thể xảy ra sự cố thảm họa; đặc điểm vị trí địa lý dân cư, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; diễn biến mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố thảm họa gây ra và khả năng phó khắc phục hậu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng khi có quy định về tiêu chí thì quy định các cấp độ phòng thủ dân sự cũng phải gắn với đầy đủ 4 tiêu chí trên. Do đó cần rà soát và bổ sung thêm những dấu hiệu, những tiêu chí để đánh giá cấp độ phòng phủ đảm bảo đầy đủ, cụ thể hơn để vận dụng trong thực tiễn.

Về lực lượng, dự thảo Luật mới đề cập chung đến lực lượng chuyên trách nhưng lại không quy định cụ thể lực lượng chuyên trách là lực lượng như thế nào? Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, không thể có một lực lượng chuyên trách mà tùy theo loại sự cố, loại thảm họa để có những lượng chuyên trách khác nhau. Do đó đề nghị làm rõ hơn để có quy định cụ thể hơn trong luật này để từ đó quy định về vấn đề về kinh phí và điều kiện bảo đảm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm