Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, nam 62 có hợp lý?

26/04/2018 - 16:52
Qua tham vấn đánh giá tác động giới trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) diễn ra sáng 26/4, nhiều chuyên gia cho rằng cần thận trọng, đánh giá kỹ về phương án nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60 tuổi từ năm 2021, theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội.

Sáng nay 26/4, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới & trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Chương trình hội thảo tham vấn đánh giá tác động giới trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi); tập trung đánh giá tác động về giới của những chính sách; xác định các quy định nhạy cảm về giới trong Bộ luật Lao động hiện hành; thảo luận những chiến lược và can thiệp hiệu quả, đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho việc sửa đổi Bộ luật Lao động…

Theo tờ trình đề nghị sửa đổi luật lần này, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình kể từ năm 2021. Lý do nâng tuổi hưu là nhằm tận dụng được nguồn nhân lực có kinh nghiệm, có trình độ; chuẩn bị cho tương lai trước tình trạng già hóa dân số; đảm bảo bình đẳng giới về tuổi hưu giữa nam và nữ; đồng thời là một giải pháp nhằm bảo đảm cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn.

Trong đó, tuổi nghỉ hưu được đề xuất với 2 phương án:

- Phương án 1, nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng.

- Phương án 2, nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam nghỉ hưu ở tuổi 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.

ba-duong-thi-thanh-mai-luat-lao-dong.jpg
Bà Dương Thị Thanh Mai, Trưởng nhóm Đánh giá tác động giới của Bộ luật Lao động. Ảnh H.Hòa

 

Đánh giá tác động giới với phương án nâng tuổi hưu của nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60, bà Dương Thị Thanh Mai, Trưởng nhóm Đánh giá tác động giới của Bộ luật Lao động, cho biết: Phương án này giảm khoảng cách giới về tuổi hưu giữa nam và nữ. Tăng cơ hội, điều kiện, năng lực và thụ hưởng lợi ích của lao động nam, nữ từ việc làm, do kéo dài tuổi lao động, bao gồm cả đào tạo, thăng tiến nghề nghiệp, lương và thu nhập…

Trong đó, phương án này tác động nhiều hơn đối với lao động nữ do điều chỉnh tăng tuổi hưu nhiều hơn (5 năm so với lao động nam chỉ tăng 2 năm); đồng thời phương án này cũng góp phần làm giảm mất cân đối thu-chi của Quỹ BHXH.

Tuy nhiên, theo bà Thanh Mai, hạn chế của phương án này là chưa xóa được khoảng cách giới trong tuổi hưu. Đồng thời có nguy cơ làm phát sinh các bất bình đẳng mới ngay trong một giới (nam hoặc nữ) do điều kiện, năng lực, trình độ của người lao động ở các vị trí, tính chất công việc, ngành nghề khác nhau không phù hợp với việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, dẫn đến khoảng cách về việc làm, thu nhập giữa các nhóm khác nhau.

Với phương án nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 và nam nghỉ ở tuổi 65, theo bà Thanh Mai, cơ quan soạn thảo “cần phải thận trọng, có đánh giá rất kỹ những tác động giới của chính sách”. Bởi, xét ở góc độ bình đẳng giới, “nếu tăng theo phương án này, tuổi hưu vẫn chênh 5 năm thì mục tiêu, nỗ lực rút ngắn khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ sẽ trở về con số 0”, bà Mai nhận định.

tuoi-nghi-huu-lao-dong-nu.jpg
Nhiều người lao động trực tiếp sản xuất không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa: H.Hòa

 

Bà Dương Thanh Mai cho biết thêm: Qua khảo sát mới đây với người lao động cho thấy những người lao động trực tiếp như công nhân, kỹ thuật, lao động nặng nhọc, lao động ngành dệt may… đều không đồng tình với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu. Ví dụ, có những người 16 tuổi đã đi làm công nhân với 1 công việc là xâu kim chỉ, đến 35 tuổi thì không thể làm được nữa.

Tuy nhiên, có những nhóm lao động khối hành chính, cơ quan nhà nước, người có trình độ cao… lại ủng hộ việc nâng tuổi; thậm chí có ý kiến nâng ngang bằng tuổi hưu giữa nam và nữ.

Qua đó, cần phải xác định “không thể cào bằng được tất cả các ý kiến”. Đồng thời cũng cần linh hoạt về độ tuổi nghỉ hưu. Bà Mai lý giải: Khung pháp luật nên linh hoạt. người muốn tiếp tục cống hiến thì để họ có quyền lựa chọn tuổi nghỉ hưu trong khung quy định phù hợp với điều kiện sức khỏe, kinh tế, hoàn cảnh gia đình hay nguyện vọng. Ví dụ một phụ nữ sức khỏe không đảm bảo có thể tự chọn nghỉ hưu từ 50 tuổi; hoặc nghỉ ở tuổi 60 nếu họ vẫn đáp ứng được và mong muốn tiếp tục cống hiến.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm