pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất sinh con được hỗ trợ tiền: Có hiệu quả?
Ảnh minh họa: TTXVN
Tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến quy định: "Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ít nhất tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai".
Theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng là 4.420.000 đồng/tháng ở vùng I; 3.920.000 đồng/tháng ở vùng II; 3.430.000 đồng/tháng ở vùng III; 3.070.000 đồng/tháng đối với vùng IV.
Như vậy, nếu dự thảo Luật Dân số được thông qua, khi sinh đủ hai con, phụ nữ tại các tỉnh vùng I có mức sinh thấp có thể được hỗ trợ đến 8,84 triệu đồng.
Theo quyết định đã công bố của Bộ Y tế, 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Người từ nơi khác đến vùng có mức sinh thấp để sinh con thì thế nào?
Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), nhiều quốc gia có tỉ lệ sinh thấp và kinh tế phát triển đã thực hiện biện pháp dùng ngân sách hỗ trợ cho các gia đình khi sinh con. "Các nước như Nhật Bản, Singapore, Đức và nhiều nước khác có chế độ hỗ trợ hàng tháng lên tới hàng nghìn đô la cho những nơi có mức sinh thấp nhưng người ta vẫn không đẻ. Vì ngoài chuyện tiền thì còn bao nhiêu thứ khác để nuôi một đứa trẻ lớn lên, huống chi mình chỉ hỗ trợ một lần. Người ta có thể không vì số tiền đó mà thay đổi quyết định có sinh con hay không", tiến sĩ Khuất Thu Hồng nêu vấn đề.
"Một gia đình sẽ suy tính trước khi quyết định sinh con bởi nhiều yếu tố chứ không chỉ vì việc được khuyến khích, hỗ trợ".
TS Khuất Thu Hồng
Bên cạnh đó, bà Thu Hồng cũng đặt ra một số vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện hỗ trợ với người thuộc vùng có mức sinh thấp. Đơn cử như việc người ở nơi khác chuyển đến địa phương nằm trong danh sách 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp để sinh con thì thế nào? Họ có được nhận hỗ trợ hay không? Hay có người bỏ hộ khẩu rồi đến 1 trong 21 tỉnh, thành đó để sinh nở được không?
"Theo tôi, trong một đất nước, việc phân vùng thực hiện chính sách vừa bất cập vừa khó khả thi. Khoản tiền hỗ trợ quá nhỏ so với chi phí để nuôi 1 đứa trẻ, chưa kể chi phí cơ hội. Ngoài ra còn vấn đề khác nữa như chính sách xã hội chăm sóc việc học hành, y tế... để đứa trẻ trưởng thành một cách an toàn và thuận lợi", bà Khuất Thu Hồng nói.
Hạn chế những hệ lụy nảy sinh từ mức sinh thấp
Ngoài việc hỗ trợ tiền, dự thảo còn nêu ra nhiều chính sách khác để các tỉnh, thành có mức sinh thấp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như:
- Cặp vợ chồng cam kết sinh đủ hai con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập;
- Miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập;
- Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình;
- Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp, tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình;
- Khuyến khích trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ;
Các cặp vợ chồng sinh đủ hai con có cam kết không sinh thêm con được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Đối với các tỉnh có mức sinh cao, Dự thảo cũng đề xuất phương án điều chỉnh cụ thể. Theo đó, phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh đủ hai con, cam kết không sinh thêm con, được Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng; trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 4 Điều 11.
Miễn phí sử dụng các biện pháp tránh thai bao gồm cả phương tiện tránh thai cho người có nhu cầu tránh thai; hỗ trợ người cung cấp dịch vụ kỹ thuật tránh thai từ tuyến trên xuống tuyến dưới tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cộng tác viên dân số, người vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện biện pháp tránh thai lâm sàng.
Theo phân tích của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Kinh nghiệm nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới cho thấy, mức sinh khi đã giảm sâu dưới mức thay thế sẽ rất khó tăng trở lại. Trong khi đó, mức sinh cao làm dân số tăng nhanh, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân ở khu vực này so với khu vực khác.
Việc các tỉnh, thành phố được xác định thuộc vùng mức sinh nào là một trong những tiêu chí quan trọng, làm cơ sở cho định hướng xây dựng các chính sách, chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, góp phần thực hiện thành công chương trình điều chỉnh mức sinh cũng như Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.