Điểm nghẽn phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

04/01/2018 - 20:57
Cả nước có hơn 55 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng có hơn 40 triệu người chưa tham gia BHXH. Dư địa cho BHXH tự nguyện phát triển đối tượng là rất lớn, nhưng số người tham gia loại hình này vẫn loanh quanh ở ngưỡng hơn 200 ngàn người.
lao-dong-di-cu3.jpg
Còn khoảng hơn 40 triệu người chưa tham gia BHXH, dư địa lớn cho BHXH tự nguyện phát triển

 

Tính đến tháng 12/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,52 triệu người; BHTN 11,72 triệu người; BHXH tự nguyện 291 nghìn người; BHYT 81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86% dân số. Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, kết quả nói trên là rất khả quan, cho thấy người lao động đã quan tâm và ý thức được về quyền lợi của bản thân và đảm bảo cho cuộc sống an sinh vững bền hơn. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện đã “nhích lên” tới hơn 290 ngàn người tham gia. Theo ông Sơn, đây là “một quá trình rất đáng mừng” bởi số người tham gia BHXH tự nguyện đã “thoát” khỏi mốc chỉ loanh quanh ở 220 ngàn người tham gia suốt nhiều tháng qua.

Cả nước có 55 triệu người trong độ tuổi lao động, khoảng hơn 40 triệu người chưa tham gia BHXH. Đây là dư địa rất tốt để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, số người tham gia loại hình này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng ít người tham gia BHXH tự nguyện bởi người lao động chưa hiểu và nhận thức đầy đủ về loại hình này; cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyên chưa hấp dẫn, người lao động chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi người lao động rất cần thụ hưởng các chế độ về thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ có ở BHXH bắt buộc.

Ông Phạm Lương Sơn cho biết ngành BHXH đã mạnh dạn kiến nghị sửa đổi chính sách để BHXH tự nguyện hấp dẫn và thu hút được người lao động hơn. Đặc biệt cần có chính sách, đa dạng loại hình và mức đóng bảo hiểm để phù hợp với mức thu nhập khác nhau của người lao động, đặc biệt là người thu nhập thấp, người nghèo khu vực phi chính thức.

lao-dong-di-cu2.jpg

 


Theo ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và xã hội, chính sách an sinh hiện nay đã tương đối đầy đủ, phủ được 2 nhóm đối tượng người lao động có quan hệ lao động và lao động tự do, khu vực phi chính thức. Trong đó, đã có chính sách về BHXH tự nguyện dành cho lao động khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động, để người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc có cơ hội tham gia BHXH tự nguyện; tuy nhiên thực tế thì người lao động tiếp cận với loại hình bảo hiểm này còn hạn chế. Theo ông Tuấn, nguyên nhân chủ yếu là người lao động di cư không có thông tin, chưa biết phải tham gia BHXH tự nguyện thế nào, ở đâu; đặc biệt là mức thu nhập chưa ổn định để họ sẵn sàng tham gia…

Đồng quan điểm, ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2008 triển khai BHXH tự nguyện để “bao trùm” lên các đối tượng người lao động khu vực phi chính thức; tuy nhiên “nhìn từ thực tế thì giữa chính sách và các đối tượng được thụ hưởng vẫn còn khoảng cách”. Cơ quan quản lý nhà nước vẫn cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách để làm sao tiếp cận gần hơn nữa tới người lao động, cụ thể như về cơ hội tiếp cận thông tin, mức đóng – thụ hưởng, thủ tục hành chính đơn giản phù hợp hơn với đặc thù của lao động tự do; đồng thời có chính sách hỗ trợ họ tham gia BHXH tự nguyện, để có cuộc sống bền vững hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm